Người thân ông Phạm Thanh Hùng cho biết sau khi ông phẫu thuật xong thì mới hay ông không phải bị viêm ruột thừa mà bị mổ cắt luôn túi mật (trước đây bệnh nhân này có tiền sử bị viêm túi mật, được điều trị nội khoa).
Sau khi mổ sức khỏe ông Hùng xấu đi, rạng sáng 14-12 bệnh viện cho chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang điều trị và vài giờ sau ông Hùng tử vong.
Gia đình ông Hùng thắc mắc tại sao Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc chẩn đoán một đàng lại mổ một nẻo không đúng như chỉ định, đồng thời khi chuyển lên tuyến trên lại không chuyển kèm theo hồ sơ bệnh án?
Bác sĩ Lữ Văn Trạng, giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc trả lời rằng trong quá trình phẫu thuật phát hiện ông Hùng bị viêm túi mật hoại tử gây viêm phúc mạc ổ bụng (bệnh nhân có tiền sử viêm túi mật) nên bắt buộc phải cắt phần túi mật bị hoại tử. Chỉ định này là đúng, còn bệnh nhân tử vong là do tình trạng bệnh kéo dài, cơ thể suy kiệt, bị nhiễm trùng nặng do viêm phúc mạc từ viêm túi mật hoại tử.
Các triệu chứng, bệnh cảnh, cũng như các chỉ số về cận lâm sàng của viêm phúc mạc do viêm hoại tử túi mật gây nhiễm trùng gần giống với viêm phúc mạc do viêm ruột thừa nên ban đầu bệnh viện chẩn đoán chưa chính xác. Tuy nhiên việc chỉ định mổ là đúng, và qua đó mới xác định được bệnh nhân bị viêm túi mật hoại tử.
Về thắc mắc của gia đình tại sao khi chuyển viện lại không chuyển kèm theo hồ sơ bệnh án, bác sĩ Trạng giải thích khi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên chỉ cần chuyển nội dung tóm tắt bệnh án, tình trạng bệnh nhân và cách xử trí, sử dụng thuốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận