Đề xuất của các chuyên gia hàng không thu hồi phần đất sân golf trong sân bay đủ làm thêm đường băng thứ ba và nhà ga mới, so sánh với đường băng sân bay Narita (Nhật Bản, ảnh dưới) - Nguồn: TS Trần Tiến Anh - Đồ họa: V.Cường |
Trả lời Tuổi Trẻ, trái ngược với ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, các chuyên gia hàng không đã đưa ra những dữ liệu cho thấy việc mở rộng sân bay ra phần sân golf là khả thi, và nếu lấy lại sân golf thì đủ để làm thêm nhà ga và đường băng cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Trên tinh thần cầu thị lắng nghe các góp ý, Tuổi Trẻ đăng tải các ý kiến đó và mong nhận được thêm ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý để giải quyết vấn đề mà như đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (chủ tịch HĐND TP.HCM) nói tại Quốc hội là “người dân TP.HCM đang rất bức xúc”.
Ông Nguyễn Thiện Tống - Ảnh: Q.Định |
* PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (chuyên gia kỹ thuật hàng không): Làm đường băng thứ 3 không cần giải tỏa hộ dân nào
Rõ ràng việc cải tạo, nâng cấp mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là yêu cầu cấp bách. Hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất thiếu nhất là sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ.
Tuy nhiên, cần có định hướng tăng năng suất sân bay Tân Sơn Nhất hết mức.
Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC - thuộc Quân chủng Phòng không - không quân, Bộ Quốc phòng) đã không khách quan khi đưa ra chi phí và thời gian thực hiện các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Công ty này đưa ra phương án xây mới đường cất - hạ cánh số 3 ở phía bắc sân golf, cách đường cất - hạ cánh 25R/07L 1.800m, xây dựng hai nhà ga mới và các công trình phụ trợ nằm trên khu vực đất sân golf với tổng mức đầu tư lên đến 201.350 tỉ đồng, thời gian xây dựng trên 15 năm, giải phóng 626ha mặt bằng, trong đó có khu quân sự, sân golf và 322ha đất dân cư với khoảng 140.000 hộ dân.
Phương án này có những con số tương tự như trong dự án sân bay Long Thành để dễ dàng đưa đến kết luận không khả thi. Đó không phải là kết quả nghiên cứu tính toán một cách khách quan của những nhà chuyên môn có trách nhiệm.
Với ba đường băng cất hạ cánh dài 3.800m, 3.048m và 2.600m thì sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn có khả năng cho cất hạ cánh an toàn các máy bay thương mại thông dụng hiện nay với tần suất trên 360.000 chuyến cất hạ cánh/năm để có thể tăng năng suất tối đa đến 75-95 triệu khách/năm - Ông Nguyễn Thiện Tống |
Tôi đưa phương án xây dựng đường băng cất hạ cánh (runway) thứ 3 trên phía đất thu hồi từ sân golf và có khoảng cách 760m với đường băng cất hạ cánh số 1 dài 3.800m hiện hữu.
Chiều dài của đường này trong phạm vi hiện hữu của sân bay Tân Sơn Nhất là khoảng 2.800m, cho nên đường băng thứ 3 này có thể dài trên 2.600m mà không cần giải tỏa hộ dân nào cả.
Sân bay quốc tế Narita ở Nhật Bản với hai đường băng cất hạ cánh dài 2.500m và 4.000m mà có 234.000 chuyến bay và công suất 39 triệu khách năm 2016. Sân bay Sydney (Kingsford Smith) ở Úc với ba đường băng cất hạ cánh dài 2.438m, 2.530m và 3.962m mà có 327.000 chuyến bay với 42 triệu khách năm 2016. Sân bay này có kế hoạch đưa công suất lên 74 triệu khách năm 2033.
Sân bay Barcelona ở Tây Ban Nha với ba đường băng cất hạ cánh dài 2.528m, 2.660m và 3.743m mà có 308.000 chuyến bay với 44 triệu khách năm 2016. Sân bay này có kế hoạch đưa công suất lên 70 triệu khách/năm.
Ông Trần Tiến Anh |
* TS Trần Tiến Anh (trưởng bộ môn kỹ thuật hàng không ĐH Bách khoa TP.HCM): Mở rộng là hoàn toàn khả thi, hiệu quả cao
Tôi rất đồng tình với đề xuất thu hồi sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ trưởng Bộ GTVT báo cáo trước Quốc hội rằng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc (vị trí sân golf hiện hữu) là không khả thi. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân tôi, việc này hoàn toàn khả thi, thậm chí đạt hiệu quả cao.
Trên thế giới có rất nhiều sân bay đường băng chỉ dài 2.500m, sân bay quốc tế Narita ở Tokyo chẳng hạn.
Nếu Chính phủ thu hồi đất sân golf để làm đường băng 2.500m và nhà ga nội địa như tôi đề xuất thì hiệu quả sẽ rất cao mà không phải tốn nhiều chi phí đền bù, giải tỏa như một số báo cáo của Bộ GTVT - Ông Trần Tiến Anh |
Hiện nay ngành hàng không sử dụng phổ biến máy bay cỡ trung như A320, A321 hay B737 để vận chuyển hành khách tuyến ngắn. Lý do là nếu sử dụng máy bay lớn thì sẽ khó tìm đủ số lượng hành khách, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.
Phần lớn đội bay của Malaysia Airlines hiện nay là máy bay B737. Hãng Malaysia Airlines cũng sử dụng máy bay B737 để khai thác đường bay từ TP.HCM đi Kuala Lumpur. Ngoài ra, Hãng VietJet Air của Việt Nam hiện nay cũng chủ yếu khai thác máy bay A320 và A321. Với các loại máy bay này thì không cần đường băng quá dài, chỉ cần 2.500m là đủ.
Với diện tích sân golf Tân Sơn Nhất như hiện nay, theo tôi, đủ để làm đường băng 2.500m và chuyển hết nhà ga nội địa về vị trí sân golf. Nhà ga hiện nay phía đường Trường Sơn làm ga quốc tế.
Như vậy, hành khách đi các tuyến nội địa sẽ đến nhà ga từ phía đường Quang Trung, Trường Chinh, Cộng Hòa, Tân Sơn... Khi đã chia ra như vậy thì chắc chắn không xảy ra ùn tắc khủng khiếp tại đường Trường Sơn như hiện nay.
Ông Lê Trọng Sành - Ảnh: M.Đức |
* Trung tá Lê Trọng Sành (nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất): Không cần làm đường băng dài
Hiện nay nhiều hãng hàng không kinh doanh máy bay cỡ lớn rất khó khăn vì không đủ khách. Thái Lan tìm 500-600 khách cho đủ một chuyến bay là rất khó khăn. Nhưng với 300-350 hành khách/chuyến thì dễ tìm hơn. Cũng vì thế họ đang tập trung khai thác máy bay cỡ A320, A321.
Như thế chỉ cần đường băng khoảng 2.500m là đủ. Diện tích sân golf hiện nay đủ làm đường băng và nhà ga để giảm tải cho phía đường Trường Sơn.
Tôi và các chuyên gia hàng không rất bất ngờ khi bộ trưởng Bộ GTVT nói không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía sân golf, trong khi thực tế là hoàn toàn có thể.
Ông Phạm Sanh - Ảnh: Ngọc Dương |
* TS Phạm Sanh (chuyên gia giao thông): Nghiên cứu Bộ GTVT công bố không khách quan
Công ty Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (thuộc Quân chủng Phòng không - không quân) được chỉ định nghiên cứu các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc (sân golf) và trong thời gian ngắn đã đưa ra các thông tin, số liệu “khủng”.
Giới làm khoa học, làm tư vấn gọi đây là phương án đưa ra “quân xanh, quân đỏ” nhằm loại phương án thu hồi sân golf để mở rộng sân bay mà thôi. Tôi nghĩ nếu làm thật tâm, khách quan, khoa học thì sẽ nghiên cứu nghiêm chỉnh và sẽ làm được.
Theo tôi, việc giao cho tư vấn này nghiên cứu là không khách quan vì đất sân golf do quân đội quản lý.
Nhân dân rất mong Thủ tướng có chỉ đạo sát sao vấn đề quan trọng này để loại trừ “nhóm lợi ích”, nể nang, cảm tính.
Nâng cấp sân bay nhưng “né” sân golf? Tháng 3-2017, Cục Hàng không trình Bộ GTVT quy hoạch điều chỉnh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và chọn phương án 3. Phương án này không bắt buộc phải thu hồi đất sân golf, chỉ xây thêm đường cất - hạ cánh, xây dựng hai nhà ga T3 và T4 công suất 10 triệu hành khách/ga/năm và xây dựng khu bãi đỗ và bảo dưỡng kỹ thuật ở phía bắc. Có tổng cộng 82 vị trí đỗ máy bay. Diện tích giải phóng mặt bằng chỉ gần 20ha đất quân sự. Tổng vốn đầu tư hơn 19.000 tỉ đồng, khả năng đáp ứng 43-45 triệu hành khách/năm. Với phương án này, đường trục dẫn vào sân bay vẫn là đường Trường Sơn như cũ, đồng thời xây dựng cầu vượt để nối đường Trường Sơn vào ga hành khách. Ngoài ra phải cải tạo, mở rộng đường 18E từ đường Cộng Hòa vào ga hành khách T4; cải tạo và mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ đường Cộng Hòa vào nhà ga T3. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận