24/09/2004 11:03 GMT+7

Mở rộng liên kết trong lĩnh vực xuất bản

ĐÀ TRANG 
ĐÀ TRANG 

TT - Trong ngày hôm qua (23-9) Ủy ban thường vụ Quốc hội (QH) đã thảo luận, chỉnh lý tới bốn dự luật. Trong số đó đáng chú ý là dự án Luật xuất bản (sửa đổi), Luật cạnh tranh.

Ủy ban thường vụ Quốc Hội thảo luận dự luật xuất bản:

Liên kết xuất bản: cho phép cả ba khâu

Liên kết trong lĩnh vực xuất bản là vấn đề gây tranh luận nhiều nhất trong suốt quá trình xây dựng, chỉnh lý dự thảo Luật xuất bản. Cho đến thời điểm hôm qua, đề tài này vẫn còn tồn tại hai luồng ý kiến khác nhau: một, nhà xuất bản được liên kết với tác giả, tổ chức, cá nhân để biên tập bản thảo, in và phát hành từng xuất bản phẩm; hai, nhà xuất bản được liên kết với tổ chức, cá nhân chỉ trong lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm.

Quan điểm của Ủy ban thường vụ QH ra sao? Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Trần Thị Tâm Đan cho biết: “Theo qui định của luật hiện hành, tư nhân được phép liên kết trong lĩnh vực in và phát hành. Nhưng trên thực tế tư nhân tham gia trực tiếp vào cả ba khâu là xuất bản, in, phát hành và tỉ lệ nhà xuất bản liên kết với tư nhân khá cao. Một số tư nhân không chỉ có khả năng huy động vốn mà còn có đội ngũ biên tập trình độ, được trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại và đã xây dựng được nhiều tác phẩm có giá trị. Vì vậy Ủy ban thường vụ QH nghiêng về loại ý kiến thứ nhất”.

Cụ thể dự luật mới đã thiết kế theo phương án: “Nhà xuất bản được liên kết với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về in hoặc phát hành xuất bản phẩm và tổ chức có tư cách pháp nhân để tổ chức bản thảo, in và phát hành từng xuất bản phẩm”.

Doanh nghiệp thống lĩnh thị trường: 30% hay 40 - 50%?

Quá trình hoàn thiện dự luật cạnh tranh cho thấy đa số ý kiến tán thành việc qui định một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường là doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên. Thế nhưng đây đó vẫn còn xuất hiện quan điểm cho rằng tỉ lệ này quá thấp, đề nghị phải nâng lên 40-50%.

“Ở nước ta, doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 96% tổng số doanh nghiệp) là doanh nghiệp có số vốn dưới 10 tỉ đồng hoặc có số lao động dưới 300 người. Tiêu chí trên chứng tỏ nền kinh tế VN còn ở trình độ thấp. Do đó một doanh nghiệp có được một thị phần từ 30% trở lên không nhiều” - bản giải trình của Ủy ban thường vụ QH nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - ngân sách Nguyễn Đức Kiên phân tích sâu hơn: vừa qua Công ty Zuellig Pharma chỉ mới chiếm 26% thị phần mà đã gây lũng đoạn thị trường trong một thời gian dài, xử lý rất khó khăn. Mặt khác, các văn bản pháp luật hiện hành như pháp lệnh bưu chính - viễn thông cũng đang giới hạn thị phần 30% để xác định doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường.

ĐÀ TRANG 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên