Các quy hoạch được công bố gồm: Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia.
Mở rộng khai thác, chế biến bô xít
Điểm đáng chú ý trong quy hoạch khoáng sản là việc công bố chi tiết kế hoạch thăm dò, khai thác và chế biến các loại khoáng sản. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ thăm dò 1,7 tỉ tấn quặng nguyên khai, khai thác đạt 68 - 112,2 triệu tấn.
Trong đó, cùng với việc duy trì đạt công suất thiết kế các mỏ hiện có; mở rộng nâng công suất mỏ Tây Tân Rai và mỏ Nhân Cơ; đầu tư mới các dự án khai thác mỏ tại: Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Gia Lai, sẽ đầu tư mới 3 dự án khai thác tuyển quặng bô xít khu vực miền Bắc gồm Lạng Sơn, Cao Bằng với tổng công suất 1,5 - 2,2 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.
Về chế biến, sẽ nâng công suất 2 nhà máy alumin Tân Rai - Lâm Đồng và Nhân Cơ - Đắk Nông từ 650.000 tấn/năm lên khoảng 2 triệu tấn/năm. Ngoài ra sẽ đầu tư mới các dự án sản xuất alumin tại Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Gia Lai...
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, mục tiêu quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới.
Trong khi đó, quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng.
Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia đặt mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt. Bao gồm: đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75 - 80 ngày nhập ròng, đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt đáp ứng nhu cầu...
Đảm bảo an ninh năng lượng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu, khí đốt
Để thực hiện, quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia đề xuất một loạt cơ chế mới, gồm đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức đầu tư. Phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, đưa giá năng lượng vận hành theo cơ chế thị trường cạnh tranh…
Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đã phân loại cụ thể các nguồn vốn, gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn quốc tế, vốn tư nhân dành cho từng lĩnh vực. Vốn từ ngân sách nhà nước chỉ dành cho hoạt động điều tra tài nguyên, xây dựng dữ liệu về khoáng sản, hoặc nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới.
Để triển khai có hiệu quả các quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch, sửa đổi các cơ chế để hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về lĩnh vực năng lượng và quản lý tài nguyên khoáng sản.
Mục tiêu nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa cho đầu tư hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt hiện đại, thông minh; phát triển năng lượng bền vững theo hướng xanh hóa, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận