Hẻm đẹp rồi, giữ cho được sự khang trang, không lấn chiếm mới là khó. Trong ảnh, hẻm 85 Rạch Bùng Binh (Q.3, TP.HCM) sau khi được mở rộng - Ảnh: D.PHAN
"Mở rộng hẻm, một lần thôi" chính là câu chuyện giữ hẻm thông thoáng cho những con hẻm về lâu về dài.
Những con hẻm nhỏ dần
Tôi sống ở TP.HCM từ năm 1990, cư ngụ và đi lại qua rất nhiều con hẻm của TP và thấy một sự thật: những con hẻm ngày càng hẹp dần. Nơi tôi trú ngụ lâu nhất là ở khu Đồng Tiến (đường Nguyễn Trãi, Q.1); trước đây đa số các con hẻm đều rất rộng rãi, sau cứ hẹp dần, hẹp dần.
Kể ra thì nhiều chuyện: có hộ ra mặt hẻm buôn bán đồ ăn sáng, cà phê... Có nhà xây một cái bục trước cửa chỉ để một vài chậu cây, có khi sửa nhà thì phần trước nhà ôm luôn cả chậu cây ấy. Rồi hình ảnh thấy nhiều nhất ở đô thị là chuyện cơi nới thêm một chút để xe, để cái lồng nuôi gà, nuôi chó, rồi làm mái hiên di động trước cửa vươn ra phần không gian hẻm... khiến cho hẻm hẹp dần. Và cứ thế, chuyện mặt hẻm thành thềm nhà hầu như là chuyện có ở khắp mọi nơi.
Ngay trong thông tin về việc bà con hiến đất mở rộng hẻm ở TP.HCM thời gian qua, chính bà con sinh sống lâu năm tại các hẻm này cũng nêu thực tế là ngày trước hẻm đã từng rất rộng rãi. Bao con hẻm từng rộng nay thành chật do hàng quán, do thói quen mang đồ nhà mình ra hẻm, do dừng đậu xe lấn hẻm...
Thói quen ấy cứ ngày qua ngày trở thành quen thuộc cho đến lúc mọi người cảm thấy tù túng và chật hẹp quá mức so với thực tế từng con hẻm ngày càng đông người xe qua lại. Nếu không có quy hoạch cụ thể và cương quyết theo quy hoạch, chính chính quyền cũng gặp rất nhiều khó khăn và bất lực nhìn những con hẻm cứ hẹp đi mãi.
Lần này nữa thôi
Nói về thói quen "vươn ra hẻm" để kết nối với câu chuyện hôm nay: 9.400m2 đất vàng trước nhà dân đã thành đất hẻm, 34 con hẻm mở rộng. Đó là thành quả nhiều năm mới có sự đồng thuận. Bà con hiến đất mở hẻm khang trang là lối sống văn minh, vì cộng đồng, vì cái chung.
Một TP hiện đại không thể tồn tại mãi những con hẻm nhỏ hẹp, bừa bộn mà khi nghĩ về nó, người ta chỉ thường liên tưởng đến những khu ổ chuột ở đô thị. Trong thời buổi tấc đất tấc vàng, việc hiến đất mở rộng hẻm hiểu theo cách người Việt thì chắc chắn đó là một câu chuyện trọn vẹn nghĩa tình.
Thêm nhiều con hẻm được mở rộng, cùng với chuyện này phải là chuyện giữ cho được sự rộng rãi, khang trang hôm nay. Và rộng hơn, ở những con hẻm khác cũng không bị thu hẹp bởi thói quen vươn ra hẻm của cư dân. Vì thế, "mở rộng hẻm, một lần thôi" mang ý nghĩa và mong mỏi ấy.
Vậy chúng ta phải làm gì? Chính người dân phải là những người đầu tiên dứt khoát "nói không" với việc biến không gian chung thành của riêng mình. Nếu để xảy ra chuyện tái lấn chiếm, bằng cách này hay cách khác, bằng một bàn cà phê sáng, lai rai buổi chiều, dừng đậu xe chiếm lối đi hay bất cứ cách nào, lúc nào... cũng sẽ làm mất ý nghĩa câu chuyện hôm nay.
Cùng với sự thay đổi, chung tay từ phía người dân, hành trình nhường đất mở hẻm này, như lời một vị lãnh đạo quận 3, đã kéo dài đằng đẵng 14 năm trời. Chuyện không dễ làm, làm được rồi, tùy tình hình từng địa phương phải có một kế hoạch dài hơi để giữ gìn thành quả của một câu chuyện đẹp trong đời sống đô thị.
Tấc đất tấc vàng, mất đất là mất của. Nhưng mất không gian sống thông thoáng, mất hình ảnh văn minh phố phường, người xe chen nhau trong từng con hẻm nhỏ hẹp, thiệt thòi đó mới là mất mát lớn hơn nhiều với cư dân đô thị.
Tự "tiết chế"
Nhường đất mở hẻm, trước hết vì lợi ích cộng đồng (trong đó có lợi ích cá nhân, lợi ích từng nhà); vì cách nghĩ, cách làm vì đô thị văn minh; vì những con hẻm rộng hơn, chất lượng sống tốt hơn.
Muốn được vậy, tất nhiên chúng ta phải tự "tiết chế" mình rất nhiều để từ bỏ những thói quen lấn chiếm hẻm thường thấy hằng ngày. Và cách suy nghĩ tiết chế mình ấy mới thật sự là suy nghĩ văn minh cần được cổ vũ, nhân rộng và gìn giữ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận