08/04/2012 07:32 GMT+7

Mở rộng điều tra vụ chất tạo nạc

Đ.TUYÊN - V.TR. - B.HOÀN
Đ.TUYÊN - V.TR. - B.HOÀN

TT - Chiều 7-4, thượng tá Đặng Văn Tốt - phó trưởng Phòng 6 Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an đã trao đổi về vụ 1,4 tấn sản phẩm bổ sung chứa chất tạo nạc tại Cty TNHH Hồng Triển

Thượng tá cho biết đang tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ việc kinh doanh chất tạo nạc của công ty này và cả Công ty TNHH sản xuất Nam Hoa.

IsKbahpU.jpgPhóng to
Đoàn kiểm tra lập biên bản niêm phong và tạm giữ lô hàng dùng trong chăn nuôi có chất tạo nạc - Ảnh: TTO

Theo ông Tốt, các chứng từ mà Công ty Hồng Triển cung cấp cho cơ quan chức năng (tờ khai hải quan nhập khẩu số 3104 ngày 21-2-2012 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng - khu vực 1) có sản phẩm SSI (chứa chất tạo nạc clenbuterol và salbutamol) với khối lượng lên đến 3 tấn, nhập từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng theo chứng cứ mà công ty này cung cấp, từ ngày 2 đến 20-3-2012, đơn vị mới bán sản phẩm này cho bốn doanh nghiệp khác với tổng số lượng 150kg. Trong khi đó ngày 5-4, khi đoàn liên ngành kiểm tra tại nhà kho của công ty chỉ phát hiện còn 1.400kg chất SSI. Như vậy, còn 1,45 tấn chất SSI được công ty này nhập về vẫn chưa biết đang ở đâu.Đây là điều mà các cơ quan chức năng cần làm rõ.

Doanh nghiệp mua nhưng chưa sử dụng!

Sáng 7-4, ngay sau khi Tuổi Trẻ đưa tin C49 Bộ Công an truy ra đầu mối cung cấp chất cấm trong chăn nuôi, công an và các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang đã đến kiểm tra tại Công ty Chăn nuôi Tiền Giang. Đây là đơn vị đã mua sản phẩm SSI của Công ty Hồng Triển ở TP.HCM.

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Nguyễn Hữu Huy - giám đốc Công ty Chăn nuôi Tiền Giang - thừa nhận có mua 25kg chất bổ sung tăng cường đề kháng SSI của Công ty Hồng Triển vào đầu tháng 3-2012, đến nay vẫn chưa pha trộn chất này vào thức ăn chăn nuôi do công ty sản xuất, cũng không bán ra ngoài và không cho heo của công ty ăn.

Công ty TNHH Hồng Triển được Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM cấp phép hoạt động từ ngày 7-4-2005, trụ sở đặt tại Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) do bà Trịnh Tú Linh làm giám đốc. Từ khi được cấp phép đến ngày 13-3-2011, công ty này đã thay đổi hoạt động kinh doanh chín lần với ngành nghề kinh doanh hiện tại là mua bán chất bổ sung thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản.

Ngoài chức danh giám đốc Công ty Hồng Triển, bà Trịnh Tú Linh còn là phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất Nam Hoa. Theo các cán bộ điều tra, cả hai công ty này chuyên nhập khẩu, buôn bán chất bổ sung cho chăn nuôi có xuất xứ từ Trung Quốc về VN nhiều năm nay.

Vào thời điểm kiểm tra sáng 7-4, lô hàng nói trên vẫn còn nguyên đai, nguyên kiện và được cơ quan chức năng lập biên bản thu giữ. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng đã lấy mẫu thức ăn tại công ty này để phân tích. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huy cho biết Công ty Hồng Triển cho nhân viên đến tiếp thị, giới thiệu sản phẩm này chỉ giúp tăng sức đề kháng nên phòng kỹ thuật mới đề xuất mua với giá 262.000 đồng/kg.

Thế nhưng từ thông tin báo chí và nghi ngờ hàng Trung Quốc, ông Huy cho biết đã chỉ đạo không sử dụng, đồng thời yêu cầu hơn 20 nhà cung cấp nguyên liệu chế biến thức ăn cho công ty làm cam kết “tuyệt đối không pha trộn chất cấm vào sản phẩm”.

Chiều 7-4, ông Lê Minh Đức - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An - cho biết đang làm việc với hai doanh nghiệp đã mua sản phẩm SSI của Công ty Hồng Triển gồm DNTN Phước Thạnh ở TP Tân An và Công ty TNHH Tiêu chuẩn dinh dưỡng gia súc quốc tế ở huyện Cần Đước. Hiện chưa có thông tin về việc hai doanh nghiệp này đã mua 100kg sản phẩm SSI để làm gì.

Nhiều kẽ hở

Liên quan đến việc Công ty Nam Hoa nhập khẩu sản phẩm SSI do Công ty WuXi Zhengda Poultry (Trung Quốc) sản xuất, một cán bộ hải quan TP.HCM cho rằng doanh nghiệp rất dễ lách quy định để nhập khẩu vào VN. Theo cán bộ này, nếu trong tờ khai hải quan doanh nghiệp khai báo nhập khẩu sản phẩm dùng trong ngành chăn nuôi, chắc chắn hải quan cửa khẩu sẽ không cho thông quan do chất này bị cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, danh mục hóa chất cấm nhập của Bộ Y tế lại không có những chất trên nên doanh nghiệp được phép thông quan, nếu trên tờ khai nhập khẩu ghi mục đích nhập là hóa chất thông thường, không dùng trong thức ăn chăn nuôi. Do đó, hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp doanh nghiệp “đi đường y tế” nhưng ra khỏi cảng lại sử dụng cho ngành chăn nuôi.

Một trường hợp khác là doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong đó có chứa chất tạo nạc, nhưng lại không khai báo trong thành phần nên có thể sản phẩm cấm vẫn lọt lưới. Theo cán bộ này, tất cả trường hợp lách quy định để đưa chất tạo nạc sản xuất từ nước ngoài vào VN đều có thể kiểm soát ở khâu hậu kiểm của các cơ quan quản lý thị trường. Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm tra doanh nghiệp có sử dụng đúng mục đích khi khai báo nhập khẩu hay không.

Đ.TUYÊN - V.TR. - B.HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên