05/10/2015 08:02 GMT+7

Mở rộng diện tích trồng lúa dược liệu

V.TR.
V.TR.

TT - Rất nhiều bạn đọc đã phản hồi đề nghị nên nhân rộng diện tích sản xuất lúa dược liệu để phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ...

Ông Nguyễn Anh Dũng (giám đốc HTX nông nghiệp Định An) với mẫu gạo Ngọc đỏ hương dứa trước khi chuyển cho Công ty CP Docimexco đóng gói xuất sang châu Âu - Ảnh: V.TR.

Rất nhiều bạn đọc đã phản hồi đề nghị nên nhân rộng diện tích sản xuất lúa dược liệu để phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sau khi đọc bài “Lúa dược liệu đắt như tôm tươi” (Tuổi Trẻ ngày 3-10). 

Về vấn đề này, ông Phan Quốc Hùng - giám đốc marketing ngành nông nghiệp Công ty TNHH ADC - cho biết vụ đông xuân tới công ty sẽ tăng diện tích gieo sạ giống lúa cẩm Cai Lậy (gạo tím thương hiệu Trường Thọ) lên 70ha.

Tương tự, Công ty CP Docimexco cũng ký hợp đồng với HTX nông nghiệp Định An ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp tăng diện tích lúa Ngọc đỏ hương dứa từ 23ha lên 120ha để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, đồng thời xây dựng showroom giới thiệu sản phẩm tại TP Cao Lãnh.

Tuy nhiên, theo Công ty CP Docimexco và Công ty TNHH ADC, việc mở rộng diện tích trồng lúa dược liệu không đơn giản vì khi đem hai giống này trồng ở nơi khác thì chất lượng không cao.

HTX nông nghiệp Định An đã cung cấp giống lúa ngọc đỏ hương dứa cho nông dân các huyện lân cận trong tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang... trồng thử nhưng khi thu hoạch thì gạo không thơm mùi lá dứa như tại huyện Lấp Vò.

Tương tự, lúa cẩm Cai Lậy đem trồng ngoài địa bàn xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cũng không đạt chất lượng cao. Hiện hai doanh nghiệp này đang triển khai nghiên cứu tìm vùng đất phù hợp để mở rộng diện tích lúa dược liệu đáp ứng nhu cầu thị trường.

V.TR.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên