Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng đường Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp, TP.HCM gấp 3 lần chi phí xây dựng - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 TP.HCM (chủ đầu tư dự án), dự kiến ngày 20-10 sẽ triển khai thi công dự án mở rộng nâng cấp đường Phan Văn Trị (đoạn từ cầu Hang Trong đến đường Phạm Văn Đồng) dài 320m, trong đó có xây dựng mới cầu Hang Trong.
Tổng mức đầu tư công trình hơn 189 tỉ đồng.
Tiền giải tỏa gấp 7 lần tiền xây dựng
Được biết, để triển khai dự án có mức đầu tư hơn 189 tỉ đồng này thì tổng kinh phí chi cho việc đền bù, giải tỏa mặt bằng (62,3 triệu đồng/m2) đã ngốn của dự án hết 86 tỉ đồng (theo dự toán ban đầu thì kinh phí giải tỏa này lên đến 109,7 tỉ đồng).
Tính ra, khoản chi cho giải tỏa mặt bằng gần gấp 3 lần tổng số tiền xây dựng dự án (hơn 34 tỉ đồng).
Ông Phạm Ngọc Dũng - phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 - cho biết kinh phí đền bù giải tỏa để làm đường Phan Văn Trị là lớn, nhưng vấn đề chính là cần sớm mở rộng đường để giải quyết kẹt xe triền miên tại đây.
Ở công trình xây dựng nút giao thông ngã sáu Gò Vấp đang thi công, ông Trịnh Linh Phương - phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 - cho biết kinh phí đền bù giải tỏa nhà, đất và hạ tầng kỹ thuật chỉ để làm khoảng 200m đường Phạm Ngũ Lão đã tốn hết 69,3 tỉ đồng.
Tương tự, ngày 7-10, UBND TP Hà Nội cũng đã khởi công tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu (đoạn từ phố Tô Hiến Thành đến phố Đại Cồ Việt) dài 603m, rộng 17m với tổng mức đầu tư 197 tỉ đồng.
Trong khi kinh phí xây dựng tuyến đường khoảng 23 tỉ đồng thì chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư của dự án là 150 tỉ đồng (cao gấp gần 7 lần chi phí xây dựng).
Có thể nói tổng mức đầu tư ở các dự án mở rộng đường trong khu vực nội đô TP.HCM và Hà Nội đang phải gánh mức chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cao hơn nhiều lần so với chi phí xây dựng.
Nhiều dự án “treo” vì kinh phí giải tỏa lớn
Điển hình của tình trạng này là dự án cầu đường Bình Triệu 2 (Q.Bình Thạnh, Q.Thủ Đức) đã bị thi công dang dở, kéo dài đến 12 năm cũng chỉ vì kinh phí đền bù quá lớn.
Được biết trong quá trình xây dựng cầu Bình Triệu 2, UBND TP.HCM cũng có chủ trương mở rộng quốc lộ 13 từ 32m lên 53m.
Năm 2004, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (chủ đầu tư dự án) cho biết nếu mở rộng quốc lộ 13 lên 32m thì kinh phí đầu tư là 1.223 tỉ đồng, còn mở rộng lên 53m thì kinh phí 1.600 tỉ đồng.
Do không có đủ năng lực tài chính, chủ đầu tư xin dừng thực hiện dự án cầu đường Bình Triệu 2, sau khi đã đưa vào sử dụng chiếc cầu này.
Đến năm 2007, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) được UBND TP giao nghiên cứu đầu tư dự án giai đoạn 2.
Theo CII tính toán, nếu mở rộng quốc lộ 13 (dài 5.474m, rộng 53m) cho 10 làn xe lưu thông thì tổng vốn đầu tư 1.941 tỉ đồng, trong đó vốn xây lắp hơn 351 tỉ đồng và vốn ngân sách lo đền bù giải tỏa là hơn 1.580 tỉ đồng.
Thế nhưng, do ngân sách không bố trí vốn cho đền bù giải tỏa nên dự án tiếp tục “án binh bất động”.
Bốn năm sau - năm 2011, CII xác định tổng mức đầu tư dự án tăng lên 4.723 tỉ đồng, trong đó vốn xây lắp 950 tỉ và vốn đền bù giải tỏa lên đến 3.773 tỉ đồng. Cũng với lý do ngân sách không bố trí vốn đền bù giải tỏa nên CII chưa triển khai thi công mở rộng quốc lộ 13 cho đến nay.
Cũng ở dự án cầu đường Bình Triệu 2, vào năm 2011 CII xác định ở tiểu dự án mở rộng đường Nguyễn Xí và xây dựng nút giao thông ngã năm Đài liệt sĩ (Q.Bình Thạnh) có vốn xây lắp là 406 tỉ đồng và tiểu dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh) vốn xây lắp là 130 tỉ đồng.
Trong khi đó, tổng vốn đền bù giải tỏa cho hai tiểu dự án trên là 2.014 tỉ đồng, cao gấp 4 lần so với vốn xây lắp. Do ngân sách chưa thể bố trí tiền đền bù giải tỏa nên CII cũng chưa thể triển khai thi công hai tiểu dự án này.
Mới đây CII đã tiếp tục trình Sở Giao thông vận tải TP dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2, trong đó tập trung đầu tư xây dựng nút giao thông Đài liệt sĩ và mở rộng đường Ung Văn Khiêm có lộ giới 30m, xây dựng cầu Ông Dầu.
Trong tính toán, với tổng mức đầu tư hạng mục trên là 1.986,6 tỉ đồng thì riêng kinh phí cho đền bù giải tỏa là 1.411 tỉ đồng, vốn xây lắp 453,4 tỉ đồng. Theo dự án, CII sẽ ứng cho TP tiền đền bù giải tỏa, còn việc đền bù giải tỏa sẽ do UBND Q.Thủ Đức và UBND Q.Bình Thạnh thực hiện.
Tuy nhiên, Sở GTVT đã tách tiểu dự án mở rộng quốc lộ 13 (Q.Thủ Đức) đoạn từ chân cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước (dài 5,4km, rộng 53-60m) và tiểu dự án mở rộng đường Nguyễn Xí (dài 1.080m, rộng 30m) thành một dự án khác.
Do chi phí giải phóng mặt bằng của 2 tiểu dự án này quá lớn, lên đến 4.000 tỉ đồng, nên sở đã đề nghị tách thành một dự án khác. Như vậy việc mở rộng quốc lộ 13 tiếp tục bị “treo”.
TP.HCM hạn chế giải tỏa trong nội đô Theo ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở GTVT TP.HCM, tinh thần chỉ đạo chung của TP.HCM là hạn chế giải tỏa đền bù trong khu vực nội đô TP do kinh phí đền bù giải tỏa quá lớn so với kinh phí đầu tư xây dựng. Do đó, trong thời gian qua đa số các công trình xây dựng giao thông đều tập trung ngoài khu vực nội đô. Tuy nhiên, đối với các công trình giao thông trọng điểm và cấp bách cần ưu tiên giải quyết ách tắc giao thông thì không thể tránh dù kinh phí đền bù giải tỏa rất lớn. Bên cạnh dự án mở rộng một đoạn đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp) để giải quyết ùn tắc giao thông ở đây, mới đây theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, sẽ tiếp tục thực hiện một số công trình giao thông như làm đường Bùi Đình Túy (Q.Bình Thạnh) nối dài. Đồng thời, để giải tỏa ách tắc giao thông cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, TP sẽ thực hiện dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn đến đường Phổ Quang, Q.Phú Nhuận) và một đoạn đường Trần Quốc Hoàn nối ra nút giao thông Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình). "Chúng ta vẫn phải chấp nhận kinh phí đền bù giải tỏa để giải quyết cục bộ các điểm nghẽn, điểm nút thắt về giao thông trong khu vực nội đô TP", ông Cường nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận