PGS.TS Nguyễn Tài Sơn giới thiệu một số kỹ thuật phẫu thuật nâng ngực thực hiện tại Bệnh viện 108 - Ảnh: Q.Liên |
TS Nguyễn Huy Thọ, nguyên trưởng khoa phẫu thuật hàm mặt và tạo hình, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, cho biết phẫu thuật nâng ngực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Quan trọng là các chị em phải phối hợp với bác sĩ và sớm báo cho phẫu thuật viên nếu có biến chứng xảy ra.
Tỉ lệ biến chứng tại VN: 2,4% bị co bao xơ
Theo TS Nguyễn Huy Thọ, nghiên cứu thực hiện tại Pháp trên gần 1.600 túi ngực thì tỉ lệ biến chứng là 5,8%. Trong đó, các biến chứng bao gồm biến chứng sớm sau mổ như tụ máu, nhiễm trùng, toác vết mổ là 2,3%, biến chứng muộn như vỡ túi silicon là 2%, túi giọt nước bị xoay là 0,5%, co bao xơ là 1%.
Tại VN các bác sĩ cũng theo dõi trong hai giai đoạn 2006-2011 và gần nhất là 2011-2016, trong đó tỉ lệ có biến chứng co bao là 2,4% (co thắt bao xơ là hiện tượng vỏ xơ cứng xuất hiện xung quanh túi đặt ngực trong khoang ngực một thời gian sau phẫu thuật nâng ngực), không gặp biến chứng viêm nhiễm năm 2016, nhưng biến chứng tụ máu giai đoạn 2011-2016 là 1,2%.
Tương tự biến chứng tụ dịch trong ngực sau nhiều năm, biến chứng dị cảm đầu ngực, sẹo vết mổ vào khoảng 3,6%.
Trong phẫu thuật nâng ngực có hai nhóm biến chứng chính: biến chứng sau mổ và biến chứng xa từ sau 3 tháng trở ra sau mổ. Nếu theo dõi tốt thì nhiều biến chứng co bao có thể được giải quyết bằng tập luyện, trong khi nếu để lâu thì có thể phải phẫu thuật cắt bỏ bao xơ. Biến chứng co bao xơ sẽ làm méo ngực, đau, có cảm giác tức nặng. Nếu co bao độ 1-2 thì tập luyện có thể giải quyết được, nhưng co bao độ 3-4 thì phải phẫu thuật lấy lại túi ngực.
Biến chứng co bao có thể xuất hiện sau 6 tháng được nâng ngực, nhưng có trường hợp phải vài năm mới xuất hiện. Đối với biến chứng tụ máu nếu phát hiện và xử lý sớm chỉ cần lấy bỏ máu tụ qua đường mổ đặt túi ngực, nhưng nếu để tụ máu kéo dài thì có thể bị bội nhiễm, việc xử trí phức tạp hơn nhiều.
Muốn nâng ngực phải tìm hiểu kỹ
Hiện có bốn đường mổ thường sử dụng để nâng ngực: đường mổ dưới nếp ngực, ở quầng ngực, ở nách và đường mổ vận dụng (mổ kèm khi lấy mỡ bụng thì mổ theo đường bụng đi lên). Mỗi đường mổ có ưu điểm và hạn chế riêng. Trong đó đường mổ ở quầng ngực có ưu điểm là đường mổ trực tiếp, dễ thực hiện, sẹo mờ, nhưng hạn chế là đi qua tuyến vú nên dễ xảy ra viêm nhiễm, bác sĩ cần cân nhắc khi thực hiện.
Đường mổ ở nếp ngực là đường mổ an toàn, nhưng cơ địa người VN hay bị sẹo nên cũng cần cân nhắc vì nâng được ngực mà để lại vết sẹo lớn dưới ngực thì cũng cần xem xét. Đường mổ ở nách để lại vết sẹo nhỏ, nhưng quá trình bóc tách nếu không thỏa đáng túi ngực có thể trồi lên cao.
Tùy từng bác sĩ quen tay và hợp với đường mổ nào thì có thể sử dụng đường mổ ấy, tuy nhiên đường mổ nào cũng có ưu điểm và hạn chế riêng.
Nếu khi tư vấn cho chị em nâng ngực, bác sĩ mổ nào đó nói rằng “tôi mổ 100% an toàn thì không thể tin cậy”, vì chị em cần hiểu rằng phẫu thuật nâng ngực là loại phẫu thuật tiềm ẩn biến chứng và rủi ro. Khi đến gặp bác sĩ, chị em nên hỏi bác sĩ biến chứng gồm những gì, cần đề phòng ra sao...
Chị em cũng cần để ý nếu bầu ngực sau nâng có biến đổi, có đau tức hay sưng nóng thì cần báo ngay cho bác sĩ để tìm biện pháp khắc phục.
Trong trường hợp gặp biến chứng, chị em cần phối hợp với bác sĩ. Nếu chị em bị co bao xơ ở giai đoạn 1-2 có thể tập luyện là khắc phục được, nhưng để lâu, bao xơ đã dày thì phải phẫu thuật để lấy lại túi.
Chị em cũng nên trao đổi kỹ với bác sĩ trước phẫu thuật, vì trong nhiều trường hợp trước phẫu thuật chị em gặp các nhân viên tư vấn không nắm hết được thông tin và đôi khi không lường hết nguy cơ có thể xảy ra.
Cẩn trọng với những biến chứng Theo PGS.TS Nguyễn Tài Sơn - chủ nhiệm khoa răng hàm mặt - phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, phẫu thuật nâng ngực nhìn chung là an toàn trong điều kiện phẫu thuật viên có kinh nghiệm, việc phẫu thuật được tiến hành ở cơ sở y tế uy tín có đầy đủ trang thiết bị phục vụ phẫu thuật, bao gồm: trang thiết bị về nhà mổ, gây mê, cấp cứu để giải quyết những bất thường xảy ra trong và sau khi phẫu thuật. Phẫu thuật nâng ngực có thể có biến chứng. Biến chứng sớm nhất là chảy máu trong mổ. Sau đó một thời gian có thể gọi là biến chứng chảy máu sau mổ. Dấu hiệu là chảy máu, ngực căng tức, mảng tím dọc hai bên sườn, quầng vú, bệnh nhân kêu đau, khó thở... Trong trường hợp này, lập tức phải đưa bệnh nhân vào phòng mổ kiểm tra vết mổ lấy máu tụ, cầm máu. Nếu kịp thời xử lý thì không ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật. Bệnh nhân vẫn có sức khỏe hoàn toàn bình thường sau này. Biến chứng nhiễm trùng vết mổ xảy ra không tức thì. Thông thường xảy ra sau một thời gian từ 3 - 5 ngày đầu sau mổ. Biểu hiện: vết mổ có dịch rỉ ra, bệnh nhân sốt. Để một thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng viêm hóa mủ. Trong trường hợp này, phải lấy túi ngực đã đặt ra, rửa sạch ổ mủ, dẫn lưu ra bên ngoài. Chỉ khi nào lành lại, hết nhiễm trùng thông thường từ 3-6 tháng mới có thể đặt túi lại được. Biến chứng về lâu dài là hiện tượng co bao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến co bao sau phẫu thuật nâng ngực. Nguyên nhân có thể từ phía kỹ thuật viên trong việc tạo ổ nhận chưa đủ rộng, hoặc chưa dẫn lưu tốt để đọng dịch máu tụ mà không lấy ra, những tác nhân này sau rồi tạo thành co bao. Mặt khác là do phản ứng của cơ thể bệnh nhân, có những người có phản ứng ngoại lai mạnh mẽ với những thứ từ bên ngoài đưa vào cơ thể. Mặc dù silicon là chất trơ dùng nhiều trong y tế nhưng có một tỉ lệ nhất định phản ứng với cơ thể. Biến chứng co bao có thể xảy ra trong giai đoạn đầu sau mổ nhưng tỉ lệ ít. Thường sau một thời gian chừng vài tháng đến một năm trở ra thì hiện tượng co bao rõ. Trong trường hợp co bao do ổ nhận chưa đủ rộng hoặc dẫn lưu chưa kỹ buộc phải phẫu thuật lại, cắt vỏ bao tạo lại ổ nhận đủ rộng rồi cho vào đó kháng sinh để rửa, corticoid kháng viêm, phải dẫn lưu kỹ càng... Trong trường hợp nguyên nhân dẫn đến co bao từ chất liệu túi thì phải đổi hãng túi... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận