28/05/2015 12:22 GMT+7

Mơ Nâm, thung lũng kỳ bí-Kỳ 3: Chuyện tình giữa đại ngàn

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Người Mơ Nâm không chỉ có luật tục, không chỉ có những ngôi làng huyền bí dưới làn mây mù mà họ còn có cả những thứ cao quý hơn: tình yêu.

Vì yêu thương, chàng “trai tơ” A Kiên vẫn theo Y Phoan về làm chồng, dựng mái ấm riêng ở bìa rừng - Ảnh: T.B.D.
Vì yêu thương, chàng “trai tơ” A Kiên vẫn theo Y Phoan về làm chồng, dựng mái ấm riêng ở bìa rừng - Ảnh: T.B.D.

Trai gái Mơ Nâm đã không yêu thì thôi, khi đã theo nhau ra giữa làng cắt tiết gà làm lễ cúng, hẹn thề với nhau thì mãnh liệt và dữ dội như dòng thác cuồn cuộn.

“Mình có con rồi Kiên có thương không?”

A Kiên và Y Phoan (làng Kon Plông, xã Hiếu, huyện Kon Plông, Kon Tum) cũng có một tình yêu mãnh liệt như thế. Không đến với nhau vì luật tục, A Kiên đến với Y Phoan chỉ vì thương Phoan nghèo khổ.

Mặc cho chênh nhau về tuổi tác, mặc cho Phoan đã từng có chồng và hai con, Kiên vẫn đeo đuổi theo Phoan vượt núi về làm chồng.

Hai năm kể từ ngày lấy nhau, A Kiên rời làng Kon Rẫy ngược núi về làng Kon Plông (xã Hiếu) làm chồng. Kiên và Phoan giờ đã có một đứa con chung cùng hai đứa con riêng của Phoan được Kiên cưu mang đùm bọc, nuôi nấng như chính giọt máu của mình.

Ngôi nhà gỗ nghèo đến trống trơn ở dưới ngọn núi lớn là mái ấm nhỏ của năm con người nghèo khổ. Gặp chúng tôi, A Kiên cười hiền lành: “Con nó thì cũng như con của mình thôi, thương rồi thì lấy mà, không ai bắt ép cả. Giờ mình đi làm thuê, thỉnh thoảng thì lên rẫy, còn Phoan địu con đi rừng hái lá thuốc về bán”.

Chuyện Kiên và Phoan đến với nhau cũng đơn giản như hòn đá, ngọn cỏ giữa rừng. Kiên mất bố mẹ từ nhỏ, sống cô đơn một mình giữa làng như cây chuối non. Không có cha mẹ, Kiên phải tự đi cuốc ruộng, tự kiếm sống và đến trường.

Năm lên lớp 6, Kiên được ra trường dân tộc nội trú huyện để đi học. Nhà nước tài trợ tiền ăn, tiền sinh hoạt hằng ngày nên Kiên chẳng phải cuốc ruộng nữa, thỉnh thoảng mới về quét dọn nhà cửa một lần.

Y Phoan cũng có hoàn cảnh buồn như A Kiên. Từ ngày mới mười mấy tuổi Phoan đã phổng phao và xinh đẹp như đóa hoa pơlang trên đỉnh núi. Nhà Phoan ở tận xã Hiếu, cách nhà Kiên cả chục cây số. Nhiều lần Kiên thấy Phoan về Kon Rẫy thăm người thân, Kiên thương Phoan nhưng cố giấu trong lòng.

Năm 14 tuổi, Phoan bắt chồng về dựng nhà ở sát con đường Đông Trường Sơn. Nhưng cuộc đời Phoan cũng sớm phải khổ như A Kiên. Lấy chồng sinh được hai đứa con thì chồng Phoan uống rượu say rồi sinh bệnh tật.

Giữa năm 2011, chồng Phoan mất để lại cho Phoan gánh nặng hai đứa con. Mất chồng, con còn thơ dại, Phoan mất hết phương hướng, khóc hết nước mắt, khóc chán thì đứng dậy lên rừng hái lá nuôi con. Nhưng khổ quá, ba mẹ con đành dắt nhau trở về Kon Rẫy để sinh sống.

Phoan trở về làng cũng là lúc A Kiên vừa học hết lớp 9. Những ngày lên rẫy, Kiên chạnh lòng khi thấy Phoan lầm lũi một mình. Người ta có chồng có vợ, Phoan phải cô đơn giữa làng.

Kiên thương lắm, nhưng biết làm sao khi Phoan đã một đời chồng, lại có hai đứa con? Nhưng chuyện tình cảm của hai người như Yàng núi đã sắp đặt, dẫu đi khác đường thì cũng phải gặp nhau ở một con nước.

Kiên sống một mình trong căn nhà, nhiều đêm trằn trọc chẳng ngủ được, thương Phoan mà chẳng thể nói thành lời.

Rồi bất chợt đêm đó, Kiên gọi Phoan ra đầu làng, bàn tay Kiên bỏng rát cầm tay cô gái một đời chồng, bảo: “Hay là Phoan làm vợ của Kiên đi?”.

Phoan giật mình, rụt bàn tay bé nhỏ khỏi tay Kiên, giọng sợ hãi: “Không được đâu, Kiên còn thanh niên, còn đi học, phải kiếm người con gái chưa có chồng để bắt về làm chồng”.

Kiên càng mạnh mẽ hơn: “Phoan khổ quá mình thấy không chịu đựng được, Phoan phải đồng ý thì Kiên về mới nói với người làng được”.

Chuyện A Kiên hẹn hò sớm đến tai người làng. Người Mơ Nâm hiền lành, đơn giản mà tình nghĩa lắm, nên khi biết chuyện chỉ có mấy người trẻ tỏ lòng phân vân, nhưng mấy người già thì gật đầu: cũng được! Làng đồng ý cho hai đứa cưới nhau.

Ngồi với chúng tôi tại căn nhà gỗ của hai vợ chồng nằm sát bên mép đường Đông Trường Sơn, A Kiên khoe ảnh chụp chung hai vợ chồng rồi bảo: “Phoan và Kiên đấy. Lấy nhau thế mà cũng gần được năm rồi, Kiên và Phoan đã có chung một đứa con, giờ vẫn nghèo nhưng được sống với nhau là sướng lắm”.

Y Ngon hằng ngày vẫn đưa cơm cho chồng mình là A Trí vốn quanh năm ở trên rừng - Ảnh: T.B.D.
Y Ngon hằng ngày vẫn đưa cơm cho chồng mình là A Trí vốn quanh năm ở trên rừng - Ảnh: T.B.D.

Chuyện tình đẹp nhất trên đỉnh Trường Sơn

Ở làng Vi Choong (xã Hiếu, Kon Plông, Kon Tum), chuyện tình của A Trí và Y Ngon được nhiều người kể lại rằng đó là “câu chuyện tình đẹp nhất trên đỉnh Trường Sơn” của người Mơ Nâm.

Từng yêu nhau say đắm, hẹn ngày thành vợ thành chồng nhưng chiến tranh đã chia cắt đôi lứa, người con trai và người con gái cùng vào chiến trường. Hòa bình lập lại, ngỡ người yêu đã chết, người con trai lấy vợ nhưng ngày kia người yêu bỗng trở về.

Chuyện tình dang dở đành nuốt nước mắt vào trong. Mấy chục năm sau, chuyện tình ấy tưởng chừng đã lịm tắt, lụi tàn nhưng vẫn âm ỉ cháy. 75 tuổi, họ quyết định... làm đám cưới để đến với nhau.

Trời nắng chang chang, Y Ngon từ trên đỉnh núi trở về làng với chiếc gùi đựng đầy lúa. Hỏi về chuyện hai người, Y Ngon cười móm mém: “A Trí có vợ rồi sinh năm đứa con rồi, mình cũng có chồng con rồi. Nhưng cả hai đều lỡ duyên, chồng chết vợ mất. Còn thương nhau thì đến với nhau thôi”.

Y Ngon nghẹn giọng khi kể lại chuyện tình yêu của mình với A Trí: Ngày đó còn thanh niên, cả A Trí và Ngon đều thương nhau vì cùng cảnh nghèo.

Hai người hẹn làng ngày tổ chức đám cưới. Nhưng chiến tranh ập đến, A Trí theo lệnh gọi lên đường vào chiến trường.

Ngày ra đi Trí còn hẹn Ngon sau khi xong nhiệm vụ hai người sẽ cưới nhau. Nhưng chiến tranh ly loạn, Trí đi biền biệt mấy năm, hai người chẳng biết chữ, chỉ ngóng tin nhau qua đồng đội.

Y Ngon kể Trí đi bộ đội được ba năm thì trở về, lúc đó Y Ngon cũng đang ở trong chiến trường làm dân công hỏa tuyến. Trí về nhà tìm người yêu nhưng không thấy, mong mãi, đợi mãi cũng không thấy tin tức.

Làng Vi Choong tin rằng Y Ngon đã chết, Trí cũng tin rằng Y Ngon đã chết. A Trí lấy vợ, rồi sinh con. Một ngày kia, A Trí như chết lặng khi nghe tin người yêu trở về. Không tin vào tai mình, Trí chạy đi tìm Ngon thì đúng là người đã từng thề hẹn. Nhưng tất cả đã muộn màng.

Dù đau đớn nhưng duyên phận không thành, Y Ngon cũng phải đi bắt chồng. Hai người sống cùng làng với nhau mà khoảng trời như cách biệt.

Thương nhau đấy nhưng mỗi lần đi rẫy cùng đường chỉ biết nhìn nhau như người xa lạ. Lệ làng không cho phép, Y Ngon và A Trí phải chăm lo cho gia đình.

Duyên phận tưởng chừng đã chấm hết với đôi trai gái Mơ Nâm, thời gian đã lấy đi tuổi tác nhưng không thể lấy đi tình yêu.

Năm A Trí 75 tuổi, vợ mất, một năm sau chồng Y Ngon cũng qua đời. Tình yêu bao năm chôn chặt, tưởng như lụi tàn bỗng bùng cháy trở lại.

Y Ngon qua nhà A Trí nói chuyện, ôn lại chuyện xưa. A Trí nói rằng vẫn còn thương Y Ngon lắm, hai người bưng mặt khóc khi nhớ lại lời hẹn năm xưa. “Hay là Y Ngon lại qua bắt Trí làm chồng?”.

Ngày cưới của Y Ngon và A Trí, ngôi làng cheo leo trên đỉnh Trường Sơn như mở hội. Người làng say nghiêng ngả, kể chuyện tình cảm giữa hai người không ai cầm được nước mắt.

A Trí theo Ngon về làm chồng, sống những ngày cuối cùng bên nhau trong câu chuyện tình đầy sóng gió.

“Phải chi hồi đó mình kiên nhẫn hơn để đợi Y Ngon về thì giờ đã có với nhau bầy con. Nhưng dù sao ông trời vẫn thương, mình và Y Ngon vẫn được lấy nhau” - A Trí nói trong bùi ngùi.

_____________

Kỳ tới: Những người trăm tuổi

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên