Nhiều đoạn sông Krông Nô đoạn qua xã Nâm N'Đir, huyện Krông Nô, Đắk Nông bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều diện tích hoa màu của nguời dân sát bờ sông Krông Nô sắp bị nuốt chửng - Ảnh: TRUNG TÂN
Anh Đỗ Sơn Lâm (thôn Nam Thanh, xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô, Đắk Nông) cho biết năm 2001, gia đình anh khai hoang được hơn 4ha đất tại khu vực này nhưng đến nay đã bị sông Krông Nô "nuốt mất" hơn 2,5ha.
"Gia đình tôi đã phải 5 lần phải chuyển nhà để 'chạy sạt lở' nhưng nay vẫn còn nhiều điểm nứt nẻ, sắp bị sông cuốn trôi", anh Lâm lo lắng chia sẻ.
Người dân vội vàng cắt những cây khoai lang non về cho heo, bò ăn vì sợ sông lở sẽ mất trắng - Ảnh: TRUNG TÂN
Tương tự, nhà anh Trần Văn Xuân gần đó cũng đã mất 8 sào đất xuống sông Krông Nô. Anh Xuân cho biết đặc điểm đất đai ở khu vực này là đất cát pha dễ sạt lở.
Đặc biệt, từ ngày có nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah (do Công ty thủy điện Buôn Kuôp, Đắk Lắk quản lý) ở đầu nguồn, chế độ dòng chảy của sông liên tục thay đổi, khiến đất ven sông ngày càng sạt lở nghiêm trọng hơn.
"Dòng chảy ổn định hàng trăm năm của sông Krông Nô bị chế độ dòng chảy '1 ngày 2 mùa' của thủy điện phá vỡ. Nhiều đoạn sông đã thay đổi hẳn đường đi, lấn sâu vào đất của dân", anh Xuân phân tích.
Vào mùa khô, nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah lúc chạy, lúc nghỉ khiến dòng chảy của sông Krông Nô thay đổi, là một trong những nguyên nhân gây sạt lở. Trong ảnh: Cửa xả của nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah - Ảnh: TRUNG TÂN
"Mất đất, nguy cơ tái nghèo kề cận, nhiều năm nay người dân làm hàng trăm lá đơn, hàng chục lần kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để mong có giải pháp nhưng đến nay tình trạng sạt lở chưa được ngăn chặn", anh Trần Văn Xuân tiếp tục chia sẻ.
"Quá nhiều đoàn lãnh đạo, thủy điện vào đây đo vẽ, định vị, lên danh sách bồi thường hỗ trợ… Thế nhưng hứa xong họ lại bỏ đi, thủy điện vẫn xả nước bất thường, các tàu 'ma' (không đăng ký, giấy phép - PV) vẫn lén vào bờ hút cát, đất vẫn sạt lở".
Ông Lê Đức Cường - chủ tịch UBND xã Nâm N’Đir - thì đưa ra một thống kê giật mình: Đến nay xã có hơn 40 hộ dân bị mất hơn 17ha đất nông nghiệp trên chiều dài gần 4km bờ sông, có những đoạn sông "ăn" vào sâu hơn 100m.
"Tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra, nếu các công ty thủy điện, khai thác cát không sớm hỗ trợ kinh phí để kè bờ, sẽ có thêm nhiều diện tích nữa của người dân sẽ bị cuốn trôi", ông Cường lo lắng.
Đại diện Công ty thủy điện Buôn Kuôp đi khảo sát và tìm phương án chống sạt lở vào trưa 21-3. Trong Ảnh: đoạn đường nội đồng của xã Nâm N'Đir bị sạt lở, được kè chống tạm thời bằng cọc tre - Ảnh: TRUNG TÂN
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, khu vực trạm bơm số 5 - Đắk Rền (xã Nâm N’Đir) chỉ là 1 trong 19 điểm sạt lở nghiêm trọng (với tổng chiều dài hơn 9,7km) trên sông Krông Nô chảy qua địa bàn tỉnh này.
Đến cuối tháng 1-2018, từ trạm bơm số 4 đến trạm bơm số 5 (dài khoảng 1,5km) tiếp tục xuất hiện tình trạng sạt lở (có điểm sạt lở sâu vào đất của người dân 150m), làm đứt hẳn một đoạn đường nội đồng và 250m đường kênh N5. Huyện Krông Nô đã trích kinh phí dự phòng 800 triệu đồng từ ngân sách địa phương để tạm thời khắc phục sự cố.
Ông Văn Thiên Nhân - giám đốc Công ty thủy điện Buôn Kuôp - thừa nhận một trong những nguyên nhân gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông Krông Nô là do tác động từ quy trình vận hành nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah ở thượng nguồn.
"Hiện chúng tôi đã thống nhất với địa phương để hỗ trợ kinh phí, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bồi thường cho người dân mất đất", ông Nhân cho biết.
Trước đó, từ năm 2011 đến 2017, hai huyện Lắk (Đắk Lắk) và Krông Nô (Đắk Nông) có khoảng 35ha bị sạt lở, 74ha bị ngập và khoảng 160ha bị ảnh hưởng ngắn hạn do thủy điện. Đến nay Công ty Buôn Kuôp đã hỗ trợ bồi thường cho 605 hộ dân bị ảnh hưởng là hơn 63 tỉ đồng.
Ông Trần Đăng Ánh - phó chủ tịch UBND huyện Krông Nô - cũng cho biết đã gửi văn bản lên tỉnh và đã được đồng ý chủ trương cho phép sử dụng kinh phí hỗ trợ của Công ty thủy điện Buôn Kuôp (1 tỉ đồng) để kè chân bờ sông lên cao 2-3m chống sạt lở tạm thời.
"Giai đoạn 2 là kè nối tiếp, cố định sẽ do Công ty Buôn Kuôp thực hiện, chịu toàn bộ kinh phí", ông Ánh thông tin.
Các tàu hút cát, bất chấp lệnh cấm khai thác ở những điểm nguy hiểm, được cho là một trong những tác nhân gây sạt lở - Ảnh: TRUNG TÂN
Tuy nhiên, theo ông Văn Thiên Nhân, tình trạng hút cát thiếu kiểm soát khiến sông thay đổi địa hình cũng là một nguyên nhân đáng kể khác dẫn đến sạt lở đất.
Ông Lê Đức Cường - chủ tịch xã Nâm N’Đir - cho biết trên địa bàn xã có 5 điểm sạt lở đã cấm thác cát. Nhưng khi phóng viên đưa ảnh và clip về các tàu khai thác cát ngang nhiên hoạt động giữa ban ngày (trưa 21-3) ở khu vực sạt lở nặng nhất gần trạm bơm số 5, ông Cường khẳng định các tàu này đã vi phạm, "do xã không kiểm soát hết được".
Ông Cường cho biết Công ty TNHH Phú Bình (khai thác cát ở đoạn sông qua xã) đã khắc phục một số điểm sạt lở. Công ty này đã tự thỏa thuận với 6 hộ dân trong xã, bồi thường số tiền khoảng 600 triệu đồng.
Hạ lưu thủy điện Buôn Tua Srah trên sông Krông Nô (hay còn gọi là Sêrêpốk) đoạn qua xã Quảng Phú, Krông Nô, Đắk Nông vào mùa khô - TRUNG TÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận