Hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng - Ảnh: TIẾN LONG
Thực trạng bất cập khi làm quy hoạch nói trên được ông Nguyễn Thanh Toàn, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, nêu ra tại hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức chiều nay 23-9.
Có khi dân ngủ dậy đã mất quyền lợi
Ông Toàn gọi thực trạng trên là "quy hoạch lén" và cho biết việc tổ chức thực hiện theo quy hoạch hiện nay tại TP.HCM bất cập dữ dội. Quy hoạch không đi đôi với chính sách công bằng, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Cụ thể, theo ông Toàn, luật có quy định lấy ý kiến người dân khi lập quy hoạch và thực tế việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với các đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 thực tế là có nhưng không lấy ý kiến cụ thể tên, địa chỉ của các người dân có nhà đất nằm trong quy hoạch các khu chức năng công viên cây xanh, giáo dục, công trình công xộng, giao thông...
Ông Nguyễn Thanh Toàn, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: TIẾN LONG
Ông Toàn cho rằng chính sách nhà đất về quyền lợi người dân trong quy hoạch hiện không công bằng. Chỉ cần một lằn ranh nhỏ, nhà dân thuộc quy hoạch đất công trình công cộng đã chịu đủ thiệt thòi so với nhà dân quy hoạch đất ở.
"Đặt mình vào vị trí người dân thấy bức xúc lắm. Nhiều khi ngủ dậy nghe công bố nhà mình nằm trong đất quy hoạch cây xanh là quyền lợi bị ảnh hưởng. Vì vậy, sửa Luật xây dựng thì phải sửa các luật khác như đất đai, quy hoạch theo hướng công bằng quyền lợi cho người dân vướng quy hoạch", ông Toàn chia sẻ.
Từ những bức xúc trên, ông Toàn khẳng định: "Chính sách nhà đất phải công bằng, sòng phẳng thì mới có được sản phẩm quy hoạch tốt và tính khả thi cao, dễ được người dân chấp nhận".
Ông Nguyễn Thanh Toàn phát biểu tại hội thảo - Video: TIẾN LONG
Bà Văn Thị Bạch Tuyết - phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM - cho biết tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2019), bà đã chất vấn bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc cần làm gì để đảm bảo quyền lợi cho người dân có nhà nằm trong quy hoạch công trình công cộng nhưng chưa thực hiện. Tuy nhiên, đáp lại, bộ trưởng chỉ cho biết sẽ cùng UBND TP.HCM điều chỉnh quy hoạch.
Bà Tuyết nói bà không thỏa mãn về phần trả lời đó. Bởi theo bà, trong mỗi đồ án quy hoạch đều có tỉ lệ đất cho các phân khu chức năng. Do vậy, việc điều chỉnh chẳng khác nào dời quy hoạch từ nhà ông A sang nhà bà B.
Điều bà muốn nghe được là bộ trưởng sẽ phối hợp các bộ ngành để nghiên cứu xây dựng chính sách đảm bảo quyền lợi cho người dân dính quy hoạch công trình công cộng. "Các bộ trưởng nói biết những bất cập nhưng cứ không sửa luật thì các đồ án quy hoạch cũng khó triển khai", bà Tuyết chia sẻ.
Sửa đồng loạt các luật
Ông Trần Anh Hà - ủy viên thường trực Hội Xây dựng TP.HCM - cho biết nếu chỉ sửa Luật xây dựng mà không sửa các luật khác sẽ không giải quyết được những vướng mắc về thủ tục đất đai, xây dựng, quy hoạch.
Theo ông Hà, trong báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật xây dựng hiện nay, Bộ Xây dựng chưa tổng kết các vướng mắc giữa Luật xây dựng và các luật khác. Do vậy chưa chỉ ra được những vướng mắc chung để sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Một khu đất thuộc khu đô thị Nam TP đã có quyết định thu hồi đất năm 1996 đến nay chưa được bồi thường - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ
"Bây giờ phải có những nhóm tổng kết lại toàn bộ vướng mắc ở các luật, nghị định liên quan đến đất đai, quy hoạch, xây dựng để kiến nghị sửa đổi tổng thể, chứ chỉ sửa một luật như thế là sẽ khó giải quyết vướng mắc", ông Hà nêu kiến nghị.
Cùng ý kiến trên, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Toàn cho biết ông làm nghề 35 năm nay nhưng hiện có nhiều hồ sơ khi xử lý ông không biết nên áp dụng Luật quy hoạch đô thị, Luật quản lý đô thị hay Luật xây dựng. Và nếu áp dụng thì không biết áp dụng khi nào, cho khu vực nào... rắc rối vô cùng.
"Nếu chỉ sửa Luật xây dựng nhưng không sửa Luật đất đai, Luật quy hoạch đô thị thì khó giải quyết các vướng mắc", ông Toàn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận