10/09/2023 11:46 GMT+7

Mồ hôi trên ruộng dưa và những giọt nước mắt quyết tâm học đại học của Trinh

Con học hết lớp 12 rồi đi làm công nhân, mẹ không nuôi nữa. Con gái hỏi mẹ nói thiệt hay đùa. Khi mẹ trả lời là thiệt, Lê Kiều Trinh ngồi vào góc nhà khóc ngon lành. Bạn đã đăng ký vào Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM.

Dưới cái nắng oi bức tháng 8, hai mẹ con cố làm để có đủ tiền cho con gái Lê Kiều Trinh nhập học Ảnh: TRẦN MAI

Dưới cái nắng oi bức tháng 8, hai mẹ con cố làm để có đủ tiền cho con gái Lê Kiều Trinh nhập học Ảnh: TRẦN MAI

Trong lời tâm tình của mình, bà Phạm Thị Lực - mẹ Trinh - chốc chốc lại hướng mắt lên bàn thờ. Tám năm từ ngày chồng mất, bà quần quật làm thuê kiếm cơm. Dẫu biết con chữ cần lắm, có thể là hành trang thoát khổ của con nhưng góa phụ như bà khó lòng gắng gượng.

Những ngày này mình cố làm, chỉ cần đủ học phí nhập học ban đầu. Nếu vừa học vừa làm không lo đủ, mình sẽ xin bảo lưu kết quả, đi làm một hai năm kiếm tiền rồi quay trở lại học.

LÊ KIỀU TRINH

Mồ hôi trên ruộng dưa

Buổi trưa những ngày tháng 8, Trinh cùng mẹ cắm mặt trên ruộng dưa hấu. Ở thôn Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) kiếm được việc làm thuê thời vụ là may mắn. Có đội nắng cả ngày vẫn nhẹ hơn lên núi lột vỏ keo.

Trinh kể từ sau ngày thi tốt nghiệp THPT đã đi theo mẹ và các cô chú trong làng làm việc. Làm tốt, mỗi ngày hai mẹ con được trả 200.000 đồng.

Trời nóng hầm hập, nắng hắt vào mặt nhưng Trinh mong công việc này kéo dài. Đồng tiền đẫm mồ hôi kiếm được mỗi ngày phần nào giúp đường vào đại học của cô rộng hơn.

"Mẹ nói đến ngày nhập học, kiếm đủ tiền thì đi nên mình càng cố, hy vọng đủ học phí và tiền thuê trọ ban đầu. Ổn định chỗ ở, mình sẽ kiếm việc làm thêm ngay", Trinh tính toán.

Để giải tỏa vất vả, cái nóng oi bức, mọi người vừa làm vừa tranh thủ ghẹo nhau, còn chỉ cô bé kế thoát nghèo cũng không giống ai nốt! Nhưng chỉ để vui chứ ai cũng động viên Trinh cố gắng đi học. Ai cũng lấy cuộc đời quần quật làm thuê của mình mà chẳng khá nổi để ủng hộ Trinh bước vào giảng đường.

Dĩ nhiên bà Lực hiểu học là con đường duy nhất để con gái thay đổi cuộc đời, chỉ là chi phí quá tầm so với số tiền bà kiếm được mỗi ngày. Nhiều người cũng nói ra nói vào, bà Lực bảo: "Thôi đến đâu hay đến đó, nếu không đủ mấy bà cho tui mượn tạm rồi làm trả dần nghen".

Và họ đều đồng ý, ai cũng bảo sẵn sàng chia sẻ vì "con bé Trinh cố gắng học tập là chuyện đáng mừng chứ nó nghỉ rồi lại nghèo như cái làng này".

Nghe vậy, bà Lực thở dài. Từ khi chồng mất, bà quần quật mỗi ngày, niềm vui duy nhất là hai đứa con chăm ngoan, chịu khó học. Xong việc, hai mẹ con lao ra bờ ruộng cắt cỏ, dồn vào bao mang về cho bò ăn.

Về nhà trời đã nhá nhem, nhìn Trinh mang nước cho bò uống, cho gà ăn, rồi lại ra hiên nhà cắt rau chuẩn bị nấu canh tối, bà Lực rơm rớm nói: "Giá ba nó còn sống chắc đời nó đã không vất vả đến vậy".

Mẹ ráng, con cũng sẽ ráng để hiện thực ước mơ đến giảng đường - Ảnh: TRẦN MAI

Mẹ ráng, con cũng sẽ ráng để hiện thực ước mơ đến giảng đường - Ảnh: TRẦN MAI

"Cây xương rồng sống được ở cằn khô"

Trinh nhỏ con, ít nói. Hồi ba mất, cô bé mới 10 tuổi, làm sao hình dung được nỗi cơ cực bám lấy mình sau biến cố ấy. Những ngày đó, mỗi buổi chiều mang nỗi buồn vô tận với Trinh. Cô bé nhớ: "Hồi đó mình đi học về là ra đồng cắt cỏ cho bò. Tối thui mới về đến nhà mà mẹ vẫn chưa về. Có hôm mưa, sấm sét ầm ầm hai chị em sợ quá rúc vào góc nhà ôm nhau khóc".

Lớn lên trong những chiều mưa dông cùng nỗi sợ, Trinh cũng thôi không sợ sấm sét nữa mà đối diện một cách bình thản. Điều sợ nhất với bạn ấy là phải nghỉ học. Nên con gái luôn chăm chỉ làm mọi việc để mẹ an tâm làm thuê và cố gắng học thật giỏi để mẹ "tiếc". Trinh lấy xấp giấy khen học sinh giỏi suốt thời gian qua ra rồi bảo nhờ chúng mà mẹ "tiếc" không ép mình nghỉ học.

Bà Lực ngồi bên cạnh, xem từng giấy khen, rồi lại thở dài. Bà nói dù khuyên con đi làm công nhân nhưng thật lòng nếu con phải nghỉ học, cả đời còn lại bà thấy mang tội với con. Ở cái làng lưng tựa núi, mặt hướng đồng này, học giỏi như Trinh không nhiều.

Bà tự hào vì điều đó nhưng sáu năm cùng chồng chống chọi với ung thư, bà đã vay mượn đủ nơi, cứ nghe đâu có thuốc chữa được gan là lại đi. Bà bảo cố giữ cha cho các con, cũng hy vọng chồng sẽ khỏi bệnh để cùng làm nuôi con.

"Tôi cố không thắng nổi số trời, đến giờ chồng mất còn ôm nợ 300 triệu đồng trả mãi không xong. Đến cái nhà này, cũng là "nhờ" bão hai năm trước quật nát, Hội Phụ nữ thương hỗ trợ tiền, rồi nhà hảo tâm đi ngang thấy hoàn cảnh tội quá cho thêm mới làm được", bà Lực chép miệng.

Nhắc đến trận bão đó, Trinh nhớ ba mẹ con phải núp dưới tấm bê tông dùng làm bếp. Bão qua, nhà chẳng còn gì, Trinh đã nghĩ đến chuyện không có nhà để ở. Cô gái biết ơn sự giúp đỡ và cũng hiểu nếu không vươn lên, cái nghèo sẽ còn tiếp diễn.

Trinh nói mình khóc khi nghe mẹ nói nghỉ học đi làm công nhân không phải yếu đuối mà thấy tủi thân, giọt nước mắt chua chát cho số phận. "Mình sẽ không nghỉ học. Cây xương rồng sống được ở nơi khô cằn, mình cũng sẽ sống được dù khốn khổ", Trinh khẳng định.

Cùng lắm sẽ bán cái nhà...

Cô con gái nhỏ bé ấy từng nói với mẹ sẽ rời khỏi làng, sẽ không tiếp tục cảnh đời cực khổ này nữa. Trinh muốn ra đi và trở lại với một tâm thế hoàn toàn khác để có thể tự tin lo cho mẹ.

Ngồi cạnh bên, Trinh nói mẹ khổ đủ rồi, con không muốn thấy mẹ khổ thêm nữa. Nói rồi, Trinh bật khóc, những dòng nước mắt ứa ra dù cô mím chặt môi cố chặn cảm xúc. Bà Lực lúc ấy chỉ biết ôm con.

Trinh có dự tính của mình, bà Lực cũng có. Bà mong con sẽ trụ được qua hai năm đại học, đợi em gái Trinh học xong lớp 12, khi ấy ba mẹ con sẽ cùng vào Sài Gòn tiếp tục chiến đấu với con chữ.

Ngồi cạnh, nghe đầy đủ hết buổi trò chuyện, lần đầu tiên bà thấu hiểu nỗi lòng của con gái nên đã quyết tâm, nói luôn: "Thôi con không nghỉ học nữa. Mẹ sẽ ráng, cả nhà cùng nhau ráng, cùng lắm mẹ sẽ bán cái nhà này đi".

Ba mẹ con trong ngôi nhà cô quạnh cùng xác định chỉ có học là con đường duy nhất để thoát nghèo. Một hành trình mới đang bắt đầu...

Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023

Học để xoa dịu cơn đau của ngoại, để được trở thành bác sĩ giúp ngườiHọc để xoa dịu cơn đau của ngoại, để được trở thành bác sĩ giúp người

Giữa đời bơ vơ, Vân vẫn quyết tâm học, để rồi cô vừa trở thành tân sinh viên của ngành y học cổ truyền Trường đại học Y Dược Huế, một khởi đầu cho ước mơ trở thành bác sĩ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên