Ông Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Hoàng Điệp |
Theo đó, các đại biểu tham gia hội nghị đã nghe báo cáo của các cơ quan Chính phủ về vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, đầu tư, giáo dục, lao động, việc làm... Trong đó, một trong những vấn đề mà các đại biểu quan tâm đó là vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp.
Theo đó, ông Bùi Sỹ Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề của xã hội, đặt câu hỏi về việc không thấy báo cáo nhắc đến vấn đề nợ nần đối với mô hình nông thôn mới dù báo cáo có nêu số liệu về số xã đã hoàn thành các chỉ tiêu này.
Theo ông Lợi, chủ trương xây dựng và phát triển nông thôn mới là đúng, tuy nhiên cách thực hiện thì theo phong trào, không quan tâm đến chất lượng.
Ông Trần Thanh Nam, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tại phiên họp - Ảnh: Hoàng Điệp |
Theo ông Lợi, quá trình đi giám sát về nông thôn mới, ngoài số liệu báo cáo cho thấy nhiều xã nông thôn mới hiện vẫn nợ chỉ tiêu. Thậm chí, một số công trình xây dựng văn hóa chưa thật sự phát huy hiệu quả như chợ, nhà văn hóa.
Có một số nơi, việc xây dựng nông thôn mới gây sức ép khi người dân phải tham gia cùng Nhà nước vì nhân dân còn rất khó khăn. Thậm chí, một số nơi vay tiền để xây dựng nông thôn mới và xây xong thì nợ nần tứ tung.
Ông Lợi đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phải thống kê xem hiện nay có bao nhiêu xã còn nợ tiêu chí nông thôn mới và bao nhiêu xã đang phải trả nợ sau xây dựng nông thôn mới.
Vấn đề phát triển nông nghiệp cũng được đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đề cập trong cuộc họp. Ông Lịch cũng đề nghị Chính phủ giải trình về vấn đề bài toán nông nghiệp, đó là khó khăn từ trong trồng trọt chăn nuôi đến phát triển ngư nghiệp trong vùng đặc quyền kinh tế.
Ông Trần Du Lịch góp ý về vấn đề phát triển nông nghiệp - Ảnh: Hoàng Điệp |
Trả lời vấn đề này, ông Trần Thanh Nam, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thừa nhận do chạy theo thành tích và nôn nóng nên hiện nay một số xã nông thôn mới có nợ xây dựng cơ bản và nợ chi tiêu.
Theo ông Nam thì có nguyên nhân khách quan là do nguồn ngân sách có hạn, trong khi nguồn vốn của dân lại mạnh, xây dựng nông thôn mới là Nhà nước và nhân dân cùng làm, khi dân có tiền mà Nhà nước không có thì phải vay và còn một số nơi chưa cân đối được vốn. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề nghị các địa phương chấn chỉnh và xử lý.
Về vấn đề nợ tiêu chí nông thôn mới, theo ông Nam thì có những tiêu chí là trường học, nhà văn hóa..., xây dựng mà chưa xong thì coi như nợ tiêu chí, nhưng sau khi xây dựng xong thì không còn nợ nữa.
Về vấn khó khăn đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp nhà nông, ông Nam nói số liệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu nông sản năm nay giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân giảm là bởi giá dầu trên thế giới giảm, thị trường tiền tệ có nhiều biến động ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhất là mặt hàng cao su. Ngoài ra còn do sản phẩm nông sản của một số quốc gia như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ tăng và cạnh tranh trực tiếp với các nông sản của Việt Nam.
Theo ông Nam, chính sách nông nghiệp của Việt Nam cơ bản đầy đủ trên các lĩnh vực nhưng nguồn lực để đầu tư còn hạn chế, sự phối hợp giữa các ngành chưa đồng bộ và chặt chẽ.
Ngoài vấn đề nông nghiệp, các đại biểu tham dự phiên họp còn bàn về vấn đề hơn 200.000 người thất nghiệp có trình độ từ cao đẳng đến tiến sĩ, vấn đề nợ xấu của ngân hàng và việc Chính phủ chuẩn bị gì cho việc vào cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận