20/08/2024 10:18 GMT+7

Mô hình nào cho nhà xuất bản?

Nhà xuất bản Thế Giới với lịch sử gần 70 năm vừa phải chuyển đến địa điểm mới, rời trụ sở đã gắn bó hơn 40 năm trên phố Trần Hưng Đạo. Lý do: nợ tiền thuế nhà đất.

Mô hình nào cho nhà xuất bản? - Ảnh 1.

Trụ sở Nhà xuất bản Thế Giới đã gắn bó hơn 40 năm nhưng vừa phải rời đi - Ảnh: NXB Thế Giới

Không riêng Nhà xuất bản Thế Giới, theo thông tin từ hội thảo khoa học "Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động xuất bản và lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản", được tổ chức vào ngày 19-8, một số nhà xuất bản đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản, giải thể do vướng mắc về chi phí thuê nhà, thuê đất.

Câu hỏi lớn nhất đặt ra trong hội thảo này là mô hình nào cho các nhà xuất bản để tiếp sức cho ngành xuất bản hoạt động có hiệu quả hơn trong thời gian tới?

Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức, là một hoạt động hướng tới tổng kết 20 năm thực hiện chỉ thị 42 của Ban Bí thư (khóa IX) về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản".

Theo đánh giá, dù một số nhà xuất bản đang hoạt động yếu kém, mai một về thương hiệu nhưng lực của toàn ngành đã thay đổi rất nhiều.

Ông Nguyễn Nguyên - cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - khẳng định trong khu vực thì ngành xuất bản của Việt Nam đứng tốp đầu, nhỉnh hơn Thái Lan, sách đa dạng hơn Indonesia...

Chuyện không chỉ của Nhà xuất bản Thế Giới

Tại hội thảo, ông Phạm Trần Long - giám đốc kiêm tổng biên tập Nhà xuất bản Thế Giới - nêu những khó khăn mà nhà xuất bản này đang gặp phải và đề xuất mô hình phù hợp hơn.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Long cho biết tình trạng yếu kém của nhiều nhà xuất bản hiện nay là do không thống nhất về mô hình.

Theo quy định của Luật Xuất bản hiện hành, các nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu.

Có 57 nhà xuất bản thì 17 nhà xuất bản theo mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước, tự hạch toán kinh doanh. Còn lại là các đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng năm 2025 cũng phải tự chủ kinh tế hoàn toàn.

Nhà xuất bản Thế Giới theo mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước, tự chủ kinh tế, phải trả tiền thuê nhà đất như doanh nghiệp thông thường trong khi chưa được hoạt động như doanh nghiệp, bị nhiều cơ chế ràng buộc nên rất khó khăn.

11 năm không hoàn thành nộp thuế nhà đất 4 tỉ đồng/năm, vừa qua nhà xuất bản phải rời trụ sở gắn bó nhiều năm. Và đây là khó khăn nhiều nhà xuất bản theo mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước đang đối mặt.

Theo ông Long, sắp tới nhà xuất bản nên theo mô hình doanh nghiệp nhưng đi kèm một số chính sách hỗ trợ như ưu đãi thuế nhà đất nếu nhà đất đó thuộc sở hữu nhà nước hay một số cơ chế Nhà nước đặt hàng khác.

Đơn vị sự nghiệp công lập cũng gặp khó

Cục trưởng Nguyễn Nguyên cho biết Luật Xuất bản 2004 và sửa đổi năm 2012 có rất nhiều tiến bộ so với luật năm 1993, nhưng đến nay có nhiều quy định lạc hậu.

Về mô hình nhà xuất bản, ông Nguyễn Nguyên nói với Tuổi Trẻ, mô hình chỉ là vỏ bên ngoài, bản chất câu chuyện là gắn với cơ chế chính sách đi kèm.

Lâu nay cơ chế chính sách không phù hợp nên bất cập. Mô hình doanh nghiệp thì gặp khó khăn với tiền thuê nhà đất, đầu tư bổ sung vốn vì các quy định pháp luật đang không cho.

Đơn vị công lập lại gặp khó ở việc nâng bậc nâng ngạch cho cán bộ để thu hút nguồn nhân lực, hay tính chủ động trong vấn đề tiếp cận thị trường không có, cái gì cũng phải xin phê duyệt nên rất khó, mặc dù đã có cởi trói nhưng chưa đủ.

Theo ông Nguyên, tới đây sửa đổi Luật Xuất bản, các cơ chế chính sách phải điều chỉnh đồng bộ với yêu cầu của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế.

Bên cạnh việc Nhà nước đầu tư trực tiếp thì phải tìm được cơ chế thu hút đầu tư từ các tập đoàn, đơn vị vào các nền tảng mũi nhọn cho hoạt động xuất bản như tạo ra các nền tảng dùng chung, đầu tư cho nhà xuất bản số...

Ngoài ra, việc đặt hàng của Nhà nước phải thay đổi. Hiện mới thực hiện đặt hàng với các nhà xuất bản, sau này có thể đặt hàng như các nước đang làm là hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị có đầu sách thị trường mong muốn, những cuốn sách có giá trị để tạo hiệu quả cao hơn.

"Tới đây cần thay đổi cách tiếp cận, có thể đầu tư cho bất cứ ai làm sách tốt phục vụ cho xã hội. Nhà nước sẽ đầu tư đúng và trúng hơn", ông Nguyên nói.

Quản lý xuất bản xuyên biên giới

Mô hình nào cho nhà xuất bản? - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm (phải) và Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương Phan Xuân Thủy chủ trì hội thảo - Ảnh: T.ĐIỂU

Ông Nguyễn Thanh Lâm, thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, trong kết luận hội thảo đã nêu một số bất cập cần thay đổi khi sửa Luật Xuất bản.

Như quản lý xuất bản xuyên biên giới, ông Lâm nói những nền tảng kinh doanh sách xuyên biên giới cho phép cá nhân tự xuất bản sách, tự phát hành và bán sách trên Amazon.

Theo quy định hiện nay, chỉ những tổ chức làm xuất bản có pháp nhân ở Việt Nam mới quản lý.

Nhưng theo Luật Xuất bản tới đây tất cả các cá nhân, tổ chức có hoạt động xuất bản trên lãnh thổ Việt Nam, dù xuất bản ở nước ngoài nhưng tham gia vào thị trường ở Việt Nam, hưởng lợi từ thị trường này sẽ phải chịu sự điều chỉnh của luật pháp Việt Nam.

Luật Xuất bản sắp tới sửa đổi cũng sẽ phải bỏ quy định nộp lưu chiểu 10 ngày trước khi phát hành và chuyển từ đăng ký xuất bản thành thông báo xuất bản.

Ông Lâm cho rằng quy định nộp lưu chiểu 10 ngày trước khi phát hành sách hiện nay vô lý.

Luật Xuất bản không yêu cầu tiền kiểm, nhưng quy định trên khiến sách sau khi đã in lại phải nộp lưu chiểu để "Cục Xuất bản phải đi nhặt sạn hộ các nhà xuất bản". Bỏ quy định này để nhà xuất bản phải tự làm và tự chịu trách nhiệm về xuất bản phẩm.

Mô hình nào cho nhà xuất bản? - Ảnh 4.Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo Dục: 'Làm sách giáo khoa hầu như không có lãi'

Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam Nguyễn Tiến Thanh khẳng định lâu nay dư luận hiểu sai rằng nhà xuất bản in sách giáo khoa lãi khủng, thực chất hầu như không có lãi, nhà xuất bản lãi 300 tỉ một năm là từ dòng sách khác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên