Mô hình kinh doanh nào, cốt lõi là cạnh tranh

NGỌC AN THỰC HIỆN 01/06/2017 21:06 GMT+7

TTCT - Trao đổi với TTCT, luật sư Trần Hữu Huỳnh, chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng sự xuất hiện các mô hình kinh tế chia sẻ là phát triển tất yếu.

Taxi truyền thống đang chịu sức ép rất lớn từ dịch vụ kinh doanh mới. Ảnh Duyên Phan.

 

Các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống cho rằng đang bị cạnh tranh không lành mạnh khi một số phương thức kinh doanh hiện đại xuất hiện. Uber và Grab bị “tố” bán phá giá. Theo ông, trong trường hợp này xác định hành vi bán phá giá thế nào?

- Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại cho Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.

Ví dụ như các hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn, ép buộc kinh doanh, gièm pha đối thủ, gây rối, khuyến mãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử của hiệp hội...

Luật cạnh tranh có khoảng 10 hành vi cạnh tranh không lành mạnh, do đó bên cáo buộc phải nêu rõ hành vi nào của Uber hoặc Grab là vi phạm quy định nào của Luật cạnh tranh, bán phá giá hay cạnh tranh không lành mạnh.

Giá sử ai đó cho rằng Uber, Grab đang bán phá giá thì họ phải chứng minh là Uber, Grab đang cung ứng dịch vụ dưới giá thành (toàn bộ) nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

Trong trường hợp này, cụ thể là phải chứng minh giá dịch vụ được cung cấp cho khách hàng là thấp hơn tổng chi phí được quy định tại nghị định 116/2005/NĐ-CP. Thêm nữa, phải chứng minh được việc đưa ra mức giá đó là nhằm mục đích loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Quả là không dễ dàng.

Với sự “tiếp sức” của công nghệ, những mô hình kinh doanh mới đang tạo nên xung đột với các mô hình kinh doanh hiện tại?

- Không phải lúc nào cũng vậy, nhưng trong nhiều trường hợp thì những xung đột này thực chất là xung đột giữa cái cũ và cái mới.

Cái mới nếu văn minh, hiện đại hơn sẽ thay thế cái cũ. Phải nhìn nhận đó như là quy luật, là xu hướng phát triển tất yếu, phổ biến nhất là trong điều kiện có sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và thông tin như hiện nay.

Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng thì việc thay đổi là bắt buộc, nếu muốn tồn tại và phát triển. Quyết định cuối cùng là của người tiêu dùng.

Rõ ràng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động tới nhiều quốc gia, ở nhiều lĩnh vực, thách thức các ngành nghề truyền thống, làm thay đổi cách thức tổ chức sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ.

Các thành tựu của khoa học kỹ thuật sẽ tác động toàn diện, trực tiếp và thậm chí tác động vào cốt lõi của một quy trình sản xuất hoặc dịch vụ, khiến cho một mặt hàng, một dịch vụ nào đó hoàn toàn biến mất, bị thay thế.

Ứng dụng công nghệ, nhiều người đã sống tốt nhờ nền kinh tế chia sẻ. 

Đây là thách thức cho cơ quan quản lý để đảm bảo tính cạnh tranh giữa hai mô hình này?

- Hiện nay quy định về pháp luật cạnh tranh đã có khá đầy đủ, quy định rõ thế nào là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi bán phá giá, tiêu chí cụ thể để áp dụng, quyền của các tổ chức, cá nhân được khiếu nại, khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh cũng như quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý cạnh tranh phải bảo vệ cạnh tranh đúng pháp luật, chống các hành vi phản cạnh tranh…

Tuy nhiên, khó khăn mới đặt ra là với một nền kinh tế mở, với sự ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ, vấn đề cạnh tranh không phải chỉ diễn ra ở phạm vi hẹp, mà còn mở rộng ra ngoài lãnh thổ, liên quan đến nhiều chủ thể, nhiều quốc gia.

Nói đến kinh tế chia sẻ là nói đến chuỗi giá trị, là sự liên kết giữa nhiều chủ thể trong một hoặc nhiều nước, với hàng chục nhà cung cấp khác nhau đến từ các hệ thống pháp luật khác nhau để chỉ sản xuất ra một sản phẩm.

Về lý thuyết, áp dụng pháp luật cạnh tranh với mọi phương thức kinh doanh đều như nhau; nhưng về thực hành, để chứng minh được hành vi phản cạnh tranh đối với mô hình kinh doanh hiện đại thì nhiều khi phải tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau, ở các nước khác nhau.

Thực tế này đặt ra thách thức về năng lực thực hiện của các cơ quan quản lý để đảm bảo tính cạnh tranh giữa các mô hình kinh doanh truyền thống và hiện đại.

Tức là phải mở rộng hợp tác quốc tế, mở rộng điều tra ra ngoài biên giới, bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải khai đúng, khai đủ các thông tin về doanh thu, chi phí, giá thành, kể cả các chi phí khác như thuế, phí… mà không phải lúc nào cũng nhận được kết quả đúng…

Do vậy, khả năng hợp tác quốc gia của cơ quan cạnh tranh, năng lực của điều tra viên và hội đồng cạnh tranh có đáp ứng được hay không là rất quan trọng. Hiện nay năng lực điều tra ra bên ngoài, ví dụ như chứng minh bán phá giá có yếu tố nước ngoài, các thỏa thuận ngầm… là thách thức lớn.

Việc đổi mới tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ tạo sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh không bao giờ là phản cạnh tranh mà là kết quả của cạnh tranh.

Vì vậy trong một môi trường cạnh tranh hoàn hảo, bất cứ doanh nghiệp nào, ngay cả tại thời điểm làm ăn phát đạt nhất, cũng phải đặt ra câu hỏi thay đổi như thế nào để khỏi bị đào thải, vì cái mới luôn xuất hiện trong khi chính mình đã trở nên cũ.

Vậy theo ông, cần phải có những quy định và tạo dựng hành lang pháp lý thế nào để phù hợp với tình hình hiện nay?

- Rõ ràng trong bối cảnh phát triển như hiện nay cần phải mở rộng khuôn khổ pháp luật cạnh tranh, liên quan đến hợp tác quốc tế cũng như định vị lại vai trò của cơ quan cạnh tranh.

Hiện dự thảo Luật cạnh tranh đang được xây dựng, cần tập trung vào việc xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật cạnh tranh theo hướng nội dung nào được quy định bởi pháp luật thương mại và các tranh chấp được giải quyết tại tòa án (như nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh hiện đang do Luật cạnh tranh điều chỉnh), nội dung nào phải được quy định trong Luật cạnh tranh (tập trung kinh tế, độc quyền hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường…) và phải được cơ quan cạnh tranh giải quyết.

Cơ quan cạnh tranh chỉ nên tập trung vào việc điều tra những vi phạm này cùng những hành vi phản cạnh tranh mang tính quốc tế.

Để phạm vi điều tra, hợp tác quốc tế được mở rộng thì những quy định trong Luật cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn cần phải cụ thể, chi tiết.

Thêm nữa là vai trò của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, của các hội đồng cạnh tranh cần phải độc lập để không có bất cứ sự can thiệp nào.

Những vấn đề như độc quyền, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, sáp nhập, hợp nhất, mua bán doanh nghiệp, các thỏa thuận ngầm, ngăn không cho gia nhập thị trường, ấn định giá mua, giá bán… những việc này đòi hỏi cơ quan cạnh tranh phải có tính độc lập cao và do vậy cần được đặt ở một vị trí thích hợp trong bộ máy nhà nước.■

Công nghệ là thách thức cho quản lý nhà nước

Các chính phủ phải bắt đầu tính đến việc quản lý một nền kinh tế với hai đặc điểm chính: một là nhiều giá trị sản phẩm số được thừa nhận, giao dịch và hai là nền kinh tế đang vận hành theo một cách mới - nền kinh tế chia sẻ.

Những tài sản mới xuất hiện sẽ không thể quản lý theo phương thức truyền thống, đòi hỏi phải có những định hướng chính sách và hành lang pháp lý mới.

Những hàng hóa và dịch vụ được trao đổi theo cách “chia sẻ” với số lượng tương tác vô hạn sẽ dẫn đến những thách thức cho giới hạn năng lực quản lý của chính quyền.

Một nền kinh tế chia sẻ dẫn chính phủ đến hai khó khăn phải giải quyết: một là làm thế nào để “đặc điểm hóa” đối tượng vốn gồm rất nhiều cá nhân tham gia hoạt động “chia sẻ” đó; hai là xây dựng hành lang pháp lý cho những hoạt động đó, bao gồm cả việc thu thuế các hoạt động kinh doanh.

Để giải quyết những khó khăn này, rõ ràng các chính phủ phải trở thành những chính phủ thông minh và cũng là những chính phủ sử dụng công nghệ số (chính quyền số).

Theo đó, vai trò của chính phủ không dừng lại ở việc sử dụng các ứng dụng công nghệ để quản lý nền kinh tế mà còn phải xây dựng hành lang pháp lý thừa nhận và công nhận các cơ sở dữ liệu phù hợp.

Về mặt công nghệ, chính phủ phải thiết lập được cơ sở dữ liệu thông suốt trong rất nhiều lĩnh vực liên quan đến dân số, việc làm, ngành công nghiệp, dịch vụ để có phản ứng kịp thời với những thay đổi trong cơ cấu kinh tế, giải quyết các vấn đề di chuyển lao động và giải quyết thất nghiệp.

Về mặt pháp lý, chính phủ phải xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật trong rất nhiều lĩnh vực đang có xu hướng sử dụng công nghệ số mạnh mẽ như giao thông, y tế, môi trường, du lịch, thương mại điện tử...

Việc xử lý vi phạm những phương tiện giao thông không người lái tất nhiên đòi hỏi chính quyền phải có công nghệ để giám sát và xử lý.

Trong việc xây dựng các quy định quản lý một nền kinh tế với những hoạt động thực tiễn đang diễn ra, những nhà làm luật phải có một tư duy mới về những giá trị số mới xuất hiện và phương thức giao dịch kiểu chia sẻ.

Đối với những giá trị mới, điều thú vị là sự thay đổi đó không cần phải tạo ra những thay đổi cụ thể mà cần phải thay đổi những khái niệm (tài sản, hàng hóa...).

Nhưng cũng trớ trêu, thay đổi khái niệm chính là những thay đổi khó nhất. Những tranh luận khó khăn nhất ở những vụ việc liên quan đến pháp lý lâu nay chính là những tranh luận về những khái niệm.

Ứng dụng công nghệ để biến chính quyền truyền thống thành chính quyền số có lẽ sẽ là một trong những thách thức lớn nhất cho Việt Nam khi rõ ràng thước đo về mức độ hiểu biết công nghệ của cán bộ quản lý hiện nay mới chỉ được đo bằng trình độ tin học văn phòng.

TS Phạm Đình Thưởng

(phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công thương)

Ngọc An (ghi)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận