Từ nhu cầu của người dân
Là một vùng chăn nuôi bò sữa nổi tiếng ở phía Bắc, Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu đã thực hiện chăn nuôi theo mô hình nông hộ. Và nhờ vào việc cổ phần hóa nên mỗi người dân ở nơi đây là một cổ đông, quyền lợi họ gắn với sự phát triển của công ty.
Thực tế, ngành chăn nuôi bò sữa là một ngành mang lại lợi nhuận lớn nhưng cũng lại là ngành có độ rủi ro cao. Một con bò sữa có giá trị khoảng 60 – 80 triệu đồng, nếu bị dịch hoặc chết, người nông dân có thể mất cả sản nghiệp. Và để cho nông dân yên tâm phát triển đàn bò, Lãnh đạo công ty phải tính đến việc thực hiện Bảo hiểm nông nghiệp, ngay cả khi chưa có chủ trương của Nhà nước.
Năm 2004 Quỹ bảo hiểm nông nghiệp ra đời và ban đầu hoạt động của Quỹ này dựa trên sự bảo trợ của Cty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu. Khi bò của người dân tham gia bảo hiểm chết, người của quỹ đến khám nghiệm, dựa trên cơ sở quy trình chăn nuôi của Cty để quyết định có trả bảo hiểm hay không. Quỹ do người chăn nuôi trực tiếp quản lý, nên khi bò chết do yếu tố khách quan, có thể chi trả bảo hiểm ngay cho người chăn nuôi.
Theo ông Phạm Văn Nhán, Phó tổng giám đốc phụ trách chăn nuôi của Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, mỗi năm các gia đình trong nông trường đóng 250.000 đồng/con bò sữa, khi bò chết, sẽ được hỗ trợ gấp 10 lần. Số tiền này cộng với tiền bán bò thải loại sẽ đủ để mua một con bò tơ mới.
“Ban đầu phải đóng góp tiền ai cũng băn khoăn, nhưng khi bò chẳng may bị dịch chết, được nhận tiền bảo hiểm để tái đàn ngay, ai cũng hiểu rằng nếu không tham gia bảo hiểm, khi bò chết là mất trắng. Còn khi tham gia bảo hiểm, rủi ro giảm đi đáng kể” – ông Phạm Văn Tế (đơn vị Vườn Đào 7 thị trấn nông trường Mộc Châu), nói.
Ông Phạm Văn Tế bên đàn bò |
Nông dân làm chủ
Sau 6 năm thực hiện Quỹ bảo hiểm nông nghiệp, cùng với sự biến động của giá cả, đến năm 2010, các hộ dân đã đề nghị nâng mức phí lên 500.000 – 600.000 đồng. Khi bò bị chết, được hỗ trợ tới 15 lần, tức khoảng 7,5 – 9 triệu đồng/con bò sữa, cộng với sản phẩm tận thu, chỉ cần bù thêm 1 – 2 triệu đồng nữa bà con đủ tiền mua một con bê tơ khoảng 15 triệu đồng.
Chính vì chính sách hỗ trợ nông dân hết sức thiết thực và người nông dân thấy được sự yên tâm khi tham gia bảo hiểm nên hiện nay 100% các hộ dân nuôi bò ở Mộc Châu đều tham gia quỹ bảo hiểm nông nghiệp. Hiện Quỹ gồm 13 thành viên, đại diện cho các khu vực chăn nuôi, bác sĩ thú y, công đoàn, hộ chăn nuôi... Ban quản lý Quỹ sẽ do chính các hộ chăn nuôi bầu ra, tổng phí bảo hiểm hiện nay đã lên tới 20 tỷ đồng.
Với số tiền được đền bù, người chăn nuôi có thể mua lại được một con bê |
Hiện nay, ngoài bảo hiểm cho bò, Quỹ bảo hiểm nông nghiệp ở Mộc Châu còn mở rộng sang hình thức bảo hiểm giá sữa, bằng cách mỗi hộ đóng 50 đồng/kg sữa tươi, khi giá sữa giảm 25% – 30% thì bảo hiểm sẽ chi trả bằng 60% giá chênh lệch. Do vậy, người dân yên tâm, không có ai bị rủi ro và cũng không phải tính đến chuyện bán sữa ra ngoài cho tư thương.
Đánh giá về mô hình sữa bảo hiểm, ông Trần Công Chiến, Tổng giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu cũng cho rằng, hiện nay Công ty đang làm thay cho Nhà nước nhưng về lâu dài, ông vẫn mong Nhà nước nên sớm có chính sách hỗ trợ chi tiết để phát triển Bảo hiểm nông nghiệp, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp nói chung cũng như ngành bò sữa nói riêng.
Trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa thì bảo hiểm nông nghiệp là cực kỳ quan trọng. Ở các nước có ngành chăn nuôi phát triển, ví dụ như ở Nhật, người nông dân phải đóng tới 10% giá trị con bò nhưng khi con bò chết hoặc thải loại thì người nông dân sẽ được đền bù bằng 50% giá trị con bò để người nông dân mua được con bò mới. Có nghĩa là Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ cho người nông dân số tiền đền bù đó. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận