Ngoài hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức tu nghiệp nước ngoài theo các chương trình đào tạo nhân tài, một số địa phương đã quyết định dành ngân sách hỗ trợ cho người lao động theo hợp đồng ở nước ngoài hoặc du học sinh thuộc các chương trình vừa học vừa làm.
Cho vay du học tối đa 200 triệu đồng/người
Ông Võ Thanh Quang, giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, cho biết HĐND tỉnh Sóc Trăng vừa thông qua nghị quyết hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh vừa học vừa làm từ nguồn ngân sách.
"Chương trình này bắt đầu khởi động từ hôm nay. Học sinh, sinh viên và người lao động có nhu cầu, xin liên hệ địa phương và các phòng lao động - thương binh và xã hội huyện, thị, thành phố", ông Quang thông tin.
Ông Quang cho biết học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh vừa học vừa làm ở nước ngoài sẽ được vay 100% chi phí dịch vụ du học theo từng khóa học và nước đến học, tối đa không quá 200 triệu đồng/người.
Lãi suất vay vốn được tính bằng lãi suất tiền vay đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội, thời hạn vay tối đa không quá 72 tháng. Dự kiến nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho học sinh, sinh viên vay vốn của chương trình du học sinh vừa học vừa làm khoảng 20 tỉ đồng.
Theo ông Quang, học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh vừa học vừa làm phải học hết chương trình trung học phổ thông và trúng tuyển chương trình du học sinh vừa học vừa làm ở nước ngoài.
"Ngoài giấy đề nghị vay vốn, phương án sử dụng vốn vay, các em phải cam kết thực hiện nghĩa vụ trả nợ và lãi suất vay ghi trong hợp đồng. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn. Tôi nghĩ địa phương chọn những gia đình uy tín, cầu thị để vươn lên trong học tập, cuộc sống nên các cháu sẽ làm tròn nghĩa vụ của mình", ông Quang nói.
Tương tự, ông Nguyễn Kim Triều, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh, cho hay tỉnh có chính sách hỗ trợ người lao động hộ nghèo, bộ đội xuất ngũ... để đi làm việc tại nước ngoài từ nguồn lực của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo ông Triều, nguồn kinh phí từ Ngân hàng Chính sách xã hội không lớn nên tập trung vào đối tượng chính sách. Ông đánh giá việc hỗ trợ thanh niên đi nước ngoài làm việc được vay vốn sẽ giải quyết bài toán việc làm, tạo điều kiện nâng cao thu nhập...
"Nợ xấu của nhóm đối tượng hưởng chính không lớn vì người lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng đa phần về nước đúng hạn, có tích lũy, tuân thủ pháp luật", ông Triều nói.
Theo báo cáo của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh, duy nhất một trường hợp là thân nhân của người có công với cách mạng thụ hưởng chương trình tín dụng cho vay xuất khẩu lao động theo nghị định 61/2015 (tính đến 30-6-2023).
Mục tiêu là tạo được việc làm
Trước đó, một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã có các chương trình đào tạo nhân lực ở nước ngoài từ nguồn ngân sách. Tại TP Cần Thơ, giai đoạn 2005 - 2011 TP đã đưa 121 ứng viên đi đào tạo sau đại học tại nước ngoài theo đề án Cần Thơ 150, với kinh phí hơn 129 tỉ đồng. Các ứng viên tốt nghiệp đề án Cần Thơ 150 góp phần tích cực cho các hoạt động hợp tác quốc tế, đồng thời tạo nguồn đào tạo tiến sĩ, chuyên gia cho TP.
Theo cơ quan chức năng TP Cần Thơ, có bảy ứng viên tham gia đề án Cần Thơ 150 nghỉ việc sau khi tốt nghiệp do môi trường làm việc không phù hợp. Một lãnh đạo Sở Nội vụ TP Cần Thơ cho rằng ứng viên tham gia đề án Cần Thơ 150 chủ yếu là sinh viên, chiếm gần 95%.
Khi học tập, làm việc ở nước ngoài với môi trường tiến bộ hơn, phù hợp với điều kiện nghiên cứu hơn nên có ứng viên sau khi tốt nghiệp muốn ở lại. Các trường hợp được đào tạo nhưng nghỉ việc thì phải hoàn trả kinh phí học tập theo quy định.
Trong khi đó tại Cà Mau, các ứng viên chương trình đào tạo Mekong 120 được đào tạo bài bản nhưng chưa phát huy được hết thế mạnh do bố trí công việc chưa phù hợp. Chị Đ.T.A. được cử đi đào tạo tại Nhật chương trình thạc sĩ chuyên ngành quản lý môi trường.
Sau khi về nước chị A. được bố trí làm việc tại một phòng của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh. Sau 5 năm gắn bó với công việc tại địa phương, chị A. có nguy cơ bị mất việc do không bố trí được theo vị trí việc làm.
"Môi trường làm việc trong nước cũng còn nhiều cái chưa phù hợp, hoặc phù hợp nhưng chưa ứng dụng được. Từ đó, cũng làm cho mình tâm lý dễ chán nản, bị cắt hợp đồng nên chắc chắn rằng Nhà nước sẽ không thu hồi đủ tiền tài trợ cho tụi em đi học", Q.H.X., thạc sĩ chuyên ngành quản lý biển theo đề án Mekong 120 Cà Mau, chia sẻ.
Cà Mau có ba trường hợp đào tạo theo đề án Mekong 120 bị cắt hợp đồng lao động do không bố trí được công việc và vị trí phù hợp. Ông Nguyễn Văn Đảm, phó giám đốc Sở Nội vụ Cà Mau, cho biết các trường hợp bỏ việc, đi theo lời mời gọi hấp dẫn khác sau khi đã đủ thời gian công tác cam kết với tỉnh thì coi như tiền ngân sách mất lớn.
"Ngoài ra, một số người khi về nhận nhiệm vụ chưa phát huy được sở trường, môi trường làm việc chưa phù hợp nên một số anh em chán nản, bỏ việc", ông Đảm nói.
Việc quyết định hỗ trợ cho người lao động, du học sinh vừa học vừa làm ở nước ngoài vay tiền được đánh giá là khá táo bạo với một địa phương vốn còn nhiều khó khăn như Sóc Trăng. Cũng có ý kiến lo ngại chính sách này sẽ khó kéo dài nếu người lao động, du học sinh "một đi không trở lại" như đã từng gặp ở các chương trình cử nhân lực đi đào tạo ở nước ngoài.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, khác với các chương trình đào tạo nhân lực cho bộ máy hành chính, chương trình này hướng tới mục tiêu tạo việc làm và thu nhập cho người dân nên tỉnh quyết tâm thực hiện.
Ông Võ Thanh Quang cho hay không sợ và cũng khó xảy ra tình trạng các du học sinh vừa học vừa làm "quỵt" nợ vay.
"Nếu vừa học vừa làm ở Đức, mỗi tháng một cháu cũng có thu nhập khoảng 28 triệu đồng, ở Nhật khoảng 22 triệu đồng. Thời hạn vay vốn kéo dài sáu năm, chia ra nhiều kỳ hạn. Do vậy, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, các cháu dư khả năng trả nợ vay. Kết thúc chương trình học ở nước ngoài, các cháu còn tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn", ông Quang phân tích.
Ngân hàng thương mại cho vay du học ra sao?
Hiện nay có rất nhiều ngân hàng thương mại cho vay đi du học. Thông thường, các ngân hàng sẽ cho thân nhân của du học sinh vay. Điều kiện được vay vốn tùy ngân hàng như có nơi yêu cầu người vay phải có tài sản đảm bảo, nhưng có ngân hàng cho vay không tài sản đảm bảo, nghĩa là cho vay tín chấp dựa trên thu nhập của người đi vay.
Thủ tục cho vay khá đơn giản là chỉ cần bản sao căn cước công dân, bản chính xác nhận học phí từ trường đào tạo... Và thời gian vay lên đến 60 tháng với số tiền 50 - 70% tổng chi phí của khóa học, tùy theo từng ngân hàng.
Cơ hội việc làm cho người nghèo
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Gia Liêm, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết sau dịch COVID-19, nhiều nơi có nhu cầu tuyển dụng tăng, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Một số thị trường Trung Đông như Saudi Arabia, UAE, Qatar cũng đề nghị tiếp nhận lao động Việt Nam. Do đó, ông cho rằng đây là cơ hội dành cho thanh niên hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt ở ngành đóng tàu (Hàn Quốc), sản xuất chế tạo, sản xuất công nghiệp, nông lâm ngư nghiệp (Nhật Bản)...
Song, ông Liêm nêu rõ chủ trương đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ kiếm thêm thu nhập mà học thêm kiến thức, kỹ năng và rèn luyện tay nghề, ngoại ngữ. Lao động Việt Nam cũng phải đáp ứng tiêu chí của các công việc phức tạp hơn chứ không chỉ làm việc đơn giản, chân tay.
Cũng theo ông Liêm, hiện người nghèo được Nhà nước hỗ trợ sinh hoạt phí, học ngoại ngữ, học nghề, thậm chí là vay vốn 100% chi phí từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài. Về lâu dài, cục sẽ báo cáo, tham mưu Chính phủ ưu tiên người trẻ ở vùng trung du, miền núi đi làm việc ở các nước với phương châm "đi làm thợ, về khởi nghiệp".
Tập trung hỗ trợ các đối tượng yếu thế
Ông Phạm Văn Quyết, phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội, cho biết hiện nhu cầu vay vốn đi học và vay vốn xuất khẩu lao động của thanh niên rất lớn. Đáp ứng nhu cầu này của thanh niên, TP đã thực hiện cơ chế cho vay theo quy định của trung ương, chủ yếu là phục vụ các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo, sinh viên theo quy định.
Tuy nhiên, dư nợ các chương trình này rất thấp, hiện chương trình hỗ trợ cho vay học sinh sinh viên là 447 tỉ đồng cho hơn 500 học sinh, trong tổng cho vay chung của toàn TP là hơn 13.000 tỉ đồng. Chương trình cho vay đi xuất khẩu lao động còn thấp hơn.
Theo ông Quyết, Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội phối hợp cùng với các sở, ngành liên quan triển khai các chương trình, cơ chế cho vay áp dụng theo đúng quy định từ trung ương, cho vay đúng đối tượng cần giải quyết việc làm.
Ông Quyết cho biết đã đề nghị UBND TP giao các sở, ban, ngành nghiên cứu, rà soát yêu cầu thực tế, tham mưu UBND TP mở rộng đối tượng cho vay, chứ không chỉ riêng các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo, sinh viên như hiện tại. Đồng thời, bổ sung thêm nguồn vốn để có cơ sở triển khai cho vay để người dân, đoàn viên, thanh niên được tiếp cận tốt hơn nữa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang cho biết giai đoạn những năm 2010 tỉnh đã có chính sách hỗ trợ đối tượng yếu thế như hộ nghèo, hộ cận nghèo. Sau đó, tỉnh thực hiện các hỗ trợ theo chính sách chung của cả nước.
Cụ thể, người lao động đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ chi phí khám sức khỏe, học nghề, học tiếng, giáo dục định hướng giúp các đối tượng khó khăn có cơ hội tìm việc thu nhập cao và học hỏi kỹ thuật tiên tiến.
Song vị này đánh giá nhu cầu tìm việc tại chỗ lớn, thu nhập người lao động ngày càng được cải thiện nên số lượng lao động địa phương đi làm việc ở nước ngoài theo diện hỗ trợ từ chính sách giảm. "Các doanh nghiệp trong nước có nhiều chế độ thu hút lao động trẻ", vị này nói.
Đánh giá về chính sách hỗ trợ người lao động vay vốn đi làm việc tạo điều kiện cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tìm được việc làm, tích lũy tay nghề và ngoại ngữ để sau khi về nước đóng góp phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, ông cho rằng công tác giáo dục pháp luật phải tốt để lao động có nhận thức, tích cực lao động tại nước ngoài.
Khánh Hòa chưa có chính sách cho du học sinh vừa học vừa làm vay
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, tỉnh chỉ có chính sách cho vay, hỗ trợ học phí đối với học sinh dân tộc thiểu số, hộ nghèo... Năm 2022 sở đã thực hiện chế độ cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số của tỉnh với tổng kinh phí hơn 1,5 tỉ đồng.
Trong đó, hỗ trợ theo nghị quyết số 02/2015 của HĐND tỉnh về một số chế độ học bổng và khen thưởng học sinh, sinh viên hơn 1,4 tỉ đồng; thực hiện chế độ học bổng, sinh hoạt phí, học phí cho sinh viên đi học tại các trường đại học theo chế độ cử tuyển hơn 100 triệu đồng.
Nguồn kinh phí được hỗ trợ kịp thời, đầy đủ đã tạo điều kiện thuận lợi để các học sinh, sinh viên yên tâm học tập; hình thức cấp phát thực hiện qua thẻ ATM nên thuận lợi trong việc nhận kinh phí hỗ trợ.
"Hiện nay việc du học với học sinh do nguyện vọng cá nhân, với sinh viên sẽ thông qua các chương trình liên kết, săn học bổng. Vẫn chưa có chính sách cho vay với dạng du học sinh vừa học vừa làm", đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận