Ông Lương Hoài Nam |
Cần làm sớm tuyến số 1 và số 2
TS Lương Hoài Nam - nguyên tổng giám đốc Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines - cho rằng việc xây dựng đường trên cao sẽ góp phần giảm ùn tắc.
Theo ông Nam, sự quá tải trầm trọng đã và đang xảy ra không chỉ với các hạng mục thuộc sân bay mà cả với hạ tầng giao thông kết nối với TP và điều này có thể được nhìn thấy hết sức trực quan.
Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, đường trên cao sẽ làm mất mỹ quan, tăng tiếng ồn giao thông. Ông Nam đề nghị các cơ quan liên quan hết sức cố gắng giảm thiểu những tác động này bằng các biện pháp thiết kế và kỹ thuật.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đã lên kế hoạch để xây dựng 5 tuyến đường trên cao với tổng chiều dài 70,7km trong Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong 5 tuyến đường trên cao đã được quy hoạch, ông Nam cho rằng các tuyến số 1 và số 2 cần được ưu tiên đầu tư sớm và kết nối với đường trên cao ra vào Tân Sơn Nhất nhằm giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực này.
Bà Nguyễn Thị Bích Hằng |
Chuyển vị trí kẹt xe?
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hằng, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết đường trên cao từ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ kết nối vào hệ thống đường đô thị theo 2 hướng là kết nối vào đường Hoàng Văn Thụ và đường Nguyễn Văn Trỗi.
Trong khi đó, 2 tuyến đường này ngày nào cũng kẹt xe vào giờ cao điểm, tốc độ di chuyển rất thấp.
Bà Hằng đặt câu hỏi: Vậy làm đường trên cao để các xe cá nhân lưu thông nhanh chóng từ sân bay ra, như vậy có phải chúng ta đang chuyển vị trí kẹt xe từ đường Trường Sơn sang đường Nguyễn Văn Trỗi và Hoàng Văn Thụ không?
Vấn đề lưu thông khó khăn vào khu vực sân bay có giải quyết được không? Nhu cầu đi lại của người dân vào sân bay có được cải thiện không?
Về lâu dài, bà Hằng cho rằng việc tăng cung về hạ tầng giao thông (xây đường trên cao) sẽ không giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc.
“Đường mở rộng thêm 3 làn xe, bãi đậu xe công suất lớn sẽ khuyến khích xe cá nhân ra/vào sân bay nhiều hơn, sau một thời gian tuyến đường trên cao cũng sẽ ùn tắc, lúc đó chúng ta lại tiếp tục cơi nới đường bằng cách nào?” - bà Hằng đặt câu hỏi.
Phát huy tư nhân đầu tư hạ tầng Góp ý với Sở Giao thông vận tải về dự án đường trên cao kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất, phó chủ tịch UBND quận Tân Bình Hứa Quốc Hưng cho biết quận cơ bản thống nhất hướng tuyến đường trên cao nhằm giảm ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời kiến nghị sở nghiên cứu phạm vi bố trí cầu vượt và làn xe trên đường Nguyễn Văn Trỗi không vượt ranh quy hoạch 30m. Trong khi đó, ông Đỗ Tất Bình - phó giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không VN (CTCP) - cho biết năm 2016 sân bay Tân Sơn Nhất đã tiếp đón 32,5 triệu hành khách/năm, với tốc độ tăng trưởng hiện nay thì dự kiến trong vòng 3 năm tới sản lượng hành khách ước khoảng 43-45 triệu khách/năm. Do đó, việc xây dựng hệ thống đường giao thông nối sân bay là giải pháp phải được tính đến. CTCP hoàn toàn ủng hộ phương án xây dựng đường trên cao để giảm ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, cho biết việc liên danh nhà đầu tư đề xuất tự bỏ chi phí nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống đường trên cao theo hình thức đối tác công tư (PPP) là rất đáng hoan nghênh, qua đó phát huy được nguồn lực từ khu vực tư nhân trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối sân bay Tây Sơn Nhất, giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông khu vực cửa ngõ sân bay hiện nay. |
>>
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận