07/02/2025 08:39 GMT+7

Mở đường cao tốc lên đại ngàn Tây Nguyên

Khu vực Tây Nguyên sẽ được khai phá bởi các tuyến cao tốc như Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cùng một loạt dự án kết nối vùng Đông Nam Bộ giúp rút ngắn thời gian đi lại, mở rộng cửa giao thương đầu tư và du lịch.

Mở đường cao tốc lên đại ngàn Tây Nguyên - Ảnh 1.

Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang thi công sẽ “đánh thức” tiềm năng phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên - Ảnh: TRUNG TÂN

Kỳ vọng này vừa được bắt đầu bằng sự kiện đặc biệt vào mùng 4 Tết: Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Trở thành tuyến cao tốc đầu tiên kết nối TP.HCM với Bình Dương, Bình Phước, Tây Nguyên và là sự khởi đầu cho hành trình liên thông với đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, mở ra các tuyến đường huyết mạch lên đại ngàn Tây Nguyên.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành kéo dài lên Gia Nghĩa (Đắk Nông) là con đường có ý nghĩa chiến lược. Dự án này rất quan trọng với Đông Nam Bộ, nhưng với Tây Nguyên còn quan trọng hơn. Có đường cao tốc này Đắk Nông mới thoát nghèo được, Bình Phước mới giàu lên được.

Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH

Xóa vùng trắng cao tốc

Điểm qua hơn 2.000km cao tốc đã đưa vào khai thác cả nước, tuyệt nhiên Tây Nguyên - vùng đất giàu tiềm năng kinh tế và du lịch - vẫn chưa có đường cao tốc kết nối. Đặc biệt, Đà Lạt - vốn là trung tâm nghỉ dưỡng hàng đầu cả nước, du khách vẫn chưa thể đến bằng đường cao tốc, gây nhiều trở ngại cho phát triển kinh tế.

Ông Lê Trung Tính, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, cho biết thiệt hại này có thể "đong đếm" được khi từ TP.HCM đến Đà Lạt dài khoảng 300km nhưng mất đến 7 - 8 giờ di chuyển. Tương tự, hàng hóa từ Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông khi vận chuyển xuống Đông Nam Bộ để xuất khẩu mất rất nhiều thời gian do hạ tầng chưa đồng bộ.

"Nếu có đường cao tốc, thời gian đi lại có thể rút ngắn hơn một nửa so với hiện nay, tạo thuận lợi lớn cho du lịch và giao thương", ông Tính nói.

Các doanh nghiệp vận tải đều cho rằng việc đẩy nhanh tiến độ triển khai cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên rất cấp thiết. Và mong mỏi ấy đang dần trở thành hiện thực khi cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng chiều dài hơn 60km với tổng mức đầu tư hơn 20.800 tỉ đồng đang được TP.HCM, Bình Dương và Bình Phước đồng loạt thực hiện.

Theo đó, đoạn cao tốc qua tỉnh Bình Dương dài nhất với hơn 52km, thời gian thi công 36 tháng, nhưng theo chỉ đạo của Thủ tướng, các đơn vị cần phấn đấu để rút ngắn thời gian, hoàn thành sớm dự án trong năm 2026.

Vốn để làm cao tốc này cũng có sự "sẻ chia" từ nguồn xã hội hóa, ngân sách trung ương và các địa phương. Trong đó, trung ương hỗ trợ Bình Dương 4.000 tỉ đồng, ngân sách địa phương chi 4.530 tỉ đồng giải phóng mặt bằng, còn lại 8.833 tỉ đồng xây lắp từ nguồn vốn của nhà đầu tư.

Còn đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước dài 6,6km vốn trung ương đã bố trí 1.000 tỉ đồng/1.474 tỉ đồng tổng vốn đầu tư, còn lại 474 tỉ đồng ngân sách của Bình Phước. Phía TP.HCM cũng sẽ đầu tư phần đường dẫn cao tốc dài khoảng 1,7km (từ nút giao Gò Dưa trên quốc lộ 1 đến đường ĐT743 tỉnh Bình Dương). Đoạn này với mức vốn khoảng 2.000 tỉ đồng, sẽ do ngân sách TP.HCM bố trí.

Theo kế hoạch, khu vực Tây Nguyên sẽ được đầu tư 9 tuyến trước giai đoạn 2030. Trong đó, đoạn cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa nối vùng Tây Nguyên với duyên hải miền Trung dài 117,5km đã khởi công từ giữa năm 2023.

Dự kiến tuyến cao tốc này sẽ thông xe những đoạn đầu tiên trong năm 2025 trước khi hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026 - 2027. Còn tiếp nối tuyến TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 140km cũng đã được Quốc hội thông qua và có kế hoạch khởi công trong năm nay.

Và có thêm một tin vui cho người hay lên "xứ hoa đào", hiện dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 (dự án thành phần nằm trong tổng thể tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài hơn 200km, kết nối TP.HCM với Tây Nguyên) đang được Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Ông Đinh Công Minh, giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, cho biết cao tốc này giai đoạn 1 dài 60,2km với điểm đầu kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối kết nối với cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (Lâm Đồng).

"Dự án có tổng mức đầu tư gần 9.000 tỉ đồng thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo kế hoạch, hồ sơ dự thầu sẽ được mở vào ngày 21-2, sau đó Bộ Giao thông vận tải sẽ đánh giá và lựa chọn nhà đầu tư triển khai.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, hiện nay hồ sơ cắm cọc cũng đã được chúng tôi bàn giao cho địa phương. Dự kiến tuyến cao tốc sẽ được khởi công trong quý 1-2025", ông Minh cho hay.

Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ góp phần "xóa trắng" đường cao tốc qua Bình Dương, Bình Phước và khu vực Tây Nguyên, góp phần hoàn thành mục tiêu 5.000km đường cao tốc cả nước trong giai đoạn 2021 - 2030.
Ông VÕ VĂN MINH (chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương)
Mở đường cao tốc lên đại ngàn Tây Nguyên - Ảnh 2.

Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (tuyến số 6) là cao tốc đầu tiên kết nối TP.HCM và Bình Dương, Bình Phước, Tây Nguyên - Ảnh: Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương

Doanh nghiệp phác họa con đường giao thương

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành khi nối dài lên Gia Nghĩa (Đắk Nông) chính là trục xuyên tâm giao thoa với các tuyến đường vành đai 3, 4 TP.HCM. Từ đây câu chuyện đi lại, vận chuyển hàng hóa sẽ được rút ngắn nhanh hơn vài ba giờ so với các tuyến đường hiện nay.

Ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết tuyến đường vành đai 3 TP.HCM dài 76km hiện đang được các địa phương khẩn trương thi công. Dự kiến trong năm 2025, các địa phương sẽ đưa vào khai thác một số đoạn, trước khi hoàn thành toàn dự án vào năm sau.

Bên cạnh đó, dự án đường vành đai 4 TP.HCM dài 207km cũng đang được Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định với mục tiêu hoàn tất thủ tục trình Quốc hội vào năm nay.

Còn dự án đường vành đai 4 TP.HCM qua địa bàn Bình Dương có tổng mức đầu tư hơn 23.600 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 9.950 tỉ đồng, còn lại sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Và Bình Dương cũng là điểm sáng khi trở thành địa phương "khởi động" đường vành đai 4 TP.HCM sớm nhất, được cho phép thực hiện độc lập với các địa phương còn lại. Dự án này cũng vừa được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư, với mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2027.

Như vậy khi các thủ tục đầu tư, thi công đảm bảo tiến độ, mạng lưới cao tốc, đường vành đai nối vùng Đông Nam Bộ và kết nối vùng Tây Nguyên sẽ hoàn thành chỉ trong vài năm tới. Và từ bây giờ, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đã bắt đầu mường tượng ra cung đường sẽ di chuyển.

"Khi đó, xe chở hàng hóa từ Bình Phước hoặc Tây Nguyên sẽ theo trục cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và Gia Nghĩa - Chơn Thành chạy thẳng một mạch đến Bình Dương. Nếu hàng hóa muốn đến cảng biển hoặc cảng cạn ở nội thành TP.HCM đi theo đường dẫn cao tốc đến nút giao Gò Dưa qua đường vành đai 2.

Còn nếu hàng hóa về cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành, đi cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Hiệp Phước, cửa khẩu Mộc Bài hoặc về các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ nhanh hơn nhờ kết hợp liên hoàn giữa cao tốc với các tuyến đường vành đai", giám đốc một doanh nghiệp vận tải phác họa.

Theo ông Mai Hữu Tín - chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, các dự án mới như đường vành đai 4 TP.HCM và cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ là các trục giao thông giải quyết "hầu hết vấn đề giao thông" của Bình Dương. Khi hai tuyến đường này hoàn thành, việc tiếp cận hàng hóa, nguyên liệu từ Bình Dương nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung đến các cơ sở hạ tầng chính của quốc gia như sân bay Long Thành (Đồng Nai), cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ được khai thông.

Mở đường cao tốc lên đại ngàn Tây Nguyên - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

"Đánh thức" vùng đất mới

Ông Võ Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết các dự án mới như đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và đường vành đai 4 TP.HCM giúp "đánh thức" các vùng đất mới.

Với cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ mở ra không gian phát triển cho toàn khu vực Đông Nam Bộ, kích hoạt những dư địa, tạo động lực cho phát triển công nghiệp, đô thị...

Các đường cao tốc này sau khi hoàn thành sẽ liên thông với cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa, kết nối với Tây Nguyên, tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của khu vực. Các tuyến cao tốc mới cũng sẽ "đánh thức" tiềm năng cho nhiều khu vực đất đai mang lại giá trị cao hơn.

Nhiều khu đất trước đây chỉ là rừng cao su, nay đã được Bình Dương, Bình Phước quy hoạch thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ nhờ các tuyến đường kết nối tới.

Tiêu biểu tại các vùng phía bắc của Bình Dương có các khu công nghiệp Mỹ Phước, Bàu Bàng, Cây Trường hay Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 3 (TP Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên)...

Các khu công nghiệp mới này đã thu hút được các "đại bàng" hơn 1 tỉ USD về đầu tư như nhà máy của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tại VSIP 3, nhà máy của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (vốn FDI Đài Loan) tại Khu công nghiệp Bàu Bàng...

Với vai trò của doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Thuận, tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC (vốn nhà nước thuộc UBND tỉnh Bình Dương), lấy ví dụ về hiệu quả của các tuyến đường mới.

"Hiện mỗi ngày có khoảng 10% container xuất nhập khẩu của cả nước đi qua Bình Dương. Khi các tuyến đường mới hoàn thành thì hàng hóa, nguyên liệu từ Tây Ninh, Bình Phước, các tỉnh Tây Nguyên cũng có thể "đi tắt" qua Bình Dương rồi đến sân bay, cảng biển. Qua đó giảm thiểu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và mang lại hiệu ứng tích cực cho toàn xã hội", ông Thuận phân tích.

Niềm vui cho cộng đồng doanh nghiệp

Rõ ràng các cao tốc, tuyến đường mới được khởi công mang lại niềm tin, động lực cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Và ngay từ đầu năm 2025, các dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các dự án hạ tầng khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 970 triệu USD đã "hạ cánh" tại Bình Dương.

Một số dự án tiêu biểu như Nhà máy sản xuất Timotion VN quy mô 29 triệu USD, dự án của Công ty TNHH Axman VN quy mô 24 triệu USD được cấp mới tại Khu công nghiệp VSIP 3, dự án của Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper (Khu công nghiệp PROTRADE) điều chỉnh vốn 50 triệu USD, dự án của Công ty TNHH Deneast VN (Khu công nghiệp VSIP II-A) điều chỉnh vốn hơn 40 triệu USD...

Mệnh lệnh từ trái tim

Mở đường cao tốc lên đại ngàn Tây Nguyên - Ảnh 4.

Tuyến đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng với sáu làn xe sẽ kết nối với cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành tạo động lực phát triển kinh tế vùng - Ảnh: TUẤN DUY

Tại buổi lễ khởi công dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tính toán lại tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án vào ngày 2-9-2026 (sớm hơn dự kiến năm 2027), bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, địa phương kiểm tra, đôn đốc, chăm lo việc tái định cư cho người dân theo tinh thần bảo đảm nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

Đối với liên danh nhà đầu tư, các nhà thầu, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn, giám sát với trách nhiệm cao nhất với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua dông bão", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ.

Thủ tướng yêu cầu trong quý 1-2025, các bộ ngành, địa phương liên quan phải hoàn thành xong các thủ tục để khởi công trước ngày 30-4-2025 tuyến đường cao tốc từ Chơn Thành (Bình Phước) tới Gia Nghĩa (Đắk Nông) để kết nối giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

"Đây là mệnh lệnh của trái tim, phải thực hiện bằng được để đáp ứng mong đợi của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển và tri ân những người đã khuất, đã cống hiến, hy sinh vì đất nước, với vùng đất này", ông khẳng định.

Song song đó, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM và Tây Ninh khẩn trương chuẩn bị các thủ tục để sớm khởi công dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Các địa phương đẩy mạnh các dự án kết nối vùng Đông Nam Bộ như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án đường vành đai 3, đường vành đai 4 TP.HCM...

Tập trung đầu tư hạ tầng giao thông Tây Nguyên

Kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải thống nhất quan điểm tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, nhất là các tuyến đường giao thông huyết mạch giữa các tỉnh, giữa vùng này với vùng Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung.

Đồng thời kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa, kết nối quốc tế trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mekong, khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và các nước Asean.

Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành 9 tuyến cao tốc kết nối Tây Nguyên với tổng vốn đầu tư hơn 200.000 tỉ đồng, Bộ Giao thông vận tải cũng dự kiến hoàn thành nâng cấp 63km thuộc quốc lộ 24 (Kon Tum - Quảng Ngãi) đoạn còn lại với tổng mức đầu tư 2.500 tỉ đồng vào năm 2030.

Đối với đường sắt, đến năm 2030 dự kiến hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt (25.000 tỉ đồng) và đường sắt kết nối Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước).

Về hàng không, ba sân bay Liên Khương (Lâm Đồng), Pleiku (Gia Lai), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) với tổng vốn gần 13.000 tỉ đồng và bổ sung quy hoạch sân bay Măng Đen (Kon Tum) vào năm 2025.

Cả nước sôi động đầu tư cao tốc

Mở đường cao tốc lên đại ngàn Tây Nguyên - Ảnh 4.

Theo kế hoạch, năm 2025 tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ thông một mạch từ Lạng Sơn về Cà Mau. Trong ảnh: cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang khai thác - Ảnh: ĐỨC TRONG

Cả nước đã và đang đầu tư nhiều tuyến cao tốc để đạt mục tiêu năm 2025 đưa vào khai thác 3.000km. Trong đó, cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang khai thác nhiều đoạn và phấn đấu hoàn thành trong năm 2025 để nối thông từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Tại miền Bắc: bên cạnh cao tốc Bắc - Nam phía Đông còn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, Tuyên Quang - Phú Thọ, đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3 Hà Nội, Hà Nội - Thái Nguyên đã đưa vào khai thác. Hiện các cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, Đồng Đăng - Trà Lĩnh (dài 121km, giai đoạn 1 đầu tư 93,3km), cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đang được thi công. Trong năm nay, cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng sẽ được khởi công.

Tại miền Trung: bên cạnh các đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã khai thác một số đoạn và hoàn thành 10 dự án thành phần trong năm 2025, hiện khu vực này đang thi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Để kết nối các tỉnh ven biển miền Trung với Tây Nguyên, các cơ quan liên quan đang chuẩn bị đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và bổ sung cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum vào quy hoạch.

Vùng Đông Nam Bộ: khu vực này đang khai thác các đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Dầu Giây về Long Thành, từ TP.HCM đến Trung Lương, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và một phần cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Đoạn tuyến còn lại của cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 TP.HCM đang thi công và mốc hoàn thành vào năm 2025 - 2026. Riêng cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành vừa được khởi công và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đang phấn đấu khởi công năm 2025.

Miền Tây: ngoài cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã khai thác đến Cần Thơ và đang thi công đoạn Cần Thơ - Cà Mau, khu vực này đang thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài khoảng 27km qua hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang cũng đang được thi công. Còn cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dự kiến được khởi công trong quý 1-2025 để khai thác đồng bộ với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (đang được nâng cấp mặt đường).

Mở đường cao tốc lên đại ngàn Tây Nguyên - Ảnh 6.Ngày mai, cao tốc nối TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh Tây Nguyên sẽ khởi công

Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài hơn 60km là cao tốc đầu tiên kết nối TP.HCM, Bình Dương và các tỉnh Tây Nguyên chính thức được khởi động đầu năm 2025, dự kiến hoàn thành tối đa trong ba năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên