Với đồng hồ nước thông minh, người dùng có thể theo dõi lượng nước sử dụng qua điện thoại. Hệ thống đang lắp đặt thử nghiệm ở Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG KHẢI
Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) đang áp dụng nhiều giải pháp kéo giảm tỉ lệ thất thoát nước.
Xây dựng dữ liệu Gis (số hóa mạng lưới cấp nước), thực hiện phân vùng tách mạng, khoanh vùng nơi có thất thoát nước, sử dụng đồng hồ nước thông minh để kiểm soát lưu lượng, áp lực, chất lượng nước...
Ngành nước, khách hàng cùng có lợi
"Giờ chỉ cần mở điện thoại ra thì mình biết nước nhà mình đang sử dụng bao nhiêu, ứng với số tiền cụ thể ra sao, có bị thất thoát nước hay không. Quá tiện lợi!" - anh Huỳnh Minh Nghiệp, cư dân cư xá Nhà máy nước Thủ Đức, chia sẻ khi chúng tôi ghé thăm một ngày cuối năm 2018.
Anh Nghiệp là một trong những khách hàng đầu tiên trong hơn 90 trường hợp được lắp đặt thử nghiệm đồng hồ nước thông minh này. Anh Nghiệp cho biết trước đây, khi sử dụng đồng hồ nước cũ (đồng hồ cơ), chỉ khi nhìn vào đồng hồ nước mới biết được nước chảy qua đồng hồ hay không, muốn ngắt nước cũng phải thực hiện bằng phương pháp thủ công.
"Còn bây giờ muốn biết nước chảy trong nhà mình bao nhiêu lít ở thời gian nào, thậm chí khóa van nước trước đồng hồ... tất tần tật chỉ cần thông qua điện thoại này" - anh Nghiệp chia sẻ.
Màn hình điện thoại anh Nghiệp đang hiển thị đầy đủ thông tin: chỉ số nước hiện tại, lượng nước sử dụng hôm nay, biểu đồ sử dụng nước và các mục như: áp suất nước, hóa đơn, khóa đóng mở van... Tất cả đều dễ nhìn, dễ hiểu.
Theo ông Nguyễn Tống Đăng Khoa - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức, thông qua Sawaco, công ty hợp tác với Công ty cổ phần Rynan Technologies Việt Nam (đơn vị sản xuất đồng hồ) triển khai thí điểm đồng hồ nước thông minh như trên.
Các dữ liệu sử dụng nước từ đồng hồ thông qua mạng 3G hoặc WiFi được truyền về trung tâm của công ty. Vì vậy, nếu áp dụng đại trà sẽ giảm lực lượng đi đọc số (hiện khoảng 100 nhân viên).
Ưu điểm của đồng hồ nước thông minh này là ngành nước hay khách hàng đều nắm bắt được lượng nước sử dụng từng thời điểm, hằng ngày, hằng tháng.
Đôi bên cùng giám sát
Ông Bùi Thanh Giang - phó tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng khoa học công nghệ Sawaco - cho rằng thông qua đồng hồ thông minh này, ngành nước sẽ chủ động kiểm soát được lưu lượng áp lực, tiến tới kiểm soát chất lượng nước theo thời gian thực.
Đặc biệt là có tính năng cảnh báo thất thoát nước nên vừa giúp ngành nước nâng cao năng lực quản lý, vừa tăng tính tiện ích phục vụ khách hàng.
"Với việc áp dụng hóa đơn điện tử, các kênh thanh toán online, dịch vụ thu hộ, khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn, không cần phải đến các công ty để trả tiền nước hằng tháng" - ông Giang cho hay.
Theo ông Giang, đồng hồ nước này có ưu thế về cảnh báo rò rỉ nước. Trong thực tế có rất nhiều trường hợp rò rỉ nước sau đồng hồ, từ ống cấp nước đến bồn nước, bồn cầu...
Nếu không phát hiện, xử lý kịp thời, hóa đơn tiền nước chi trả hằng tháng tăng nhưng khách hàng không hay biết. Đối với đồng hồ thông minh này, việc thất thoát nước sẽ được ghi nhận và cảnh báo, từ đó giúp khách hàng có thể sớm tìm nguyên nhân thất thoát nước và xử lý sớm.
Ông Giang cho biết thời gian qua, các công ty cổ phần cấp nước cũng đã triển khai ứng dụng sử dụng đồng hồ nước thông minh. Tuy nhiên, các đồng hồ này là dạng thông tin một chiều, tức chỉ cung cấp thông tin cho ngành cấp nước.
Còn đồng hồ thông minh đang triển khai thí điểm sẽ "cung cấp thông tin hai chiều, ngành nước và khách hàng đều có thể giám sát được".
Sau thời gian thử nghiệm khoảng 3 tháng, Sawaco sẽ đánh giá tính hiệu quả của đồng hồ nước thông minh trước khi xem xét triển khai đại trà, do chi phí đồng hồ nước dạng này cao gấp 3-4 lần đồng hồ bình thường. Ngành nước sẽ hướng đến những giải pháp giảm giá đồng hồ, việc triển khai mua sắm loại đồng hồ này sẽ thực hiện đấu thầu theo quy định.
Nhiều giải pháp giảm thất thoát nước
Thời gian qua, Sawaco cũng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác giảm thất thoát nước như việc số hóa hệ thống cấp nước thông qua hệ thống địa lý Gis.
Thực hiện tái cơ cấu, phân vùng tách mạng, sử dụng các DMA (đồng hồ tổng) kiểm soát lưu lượng, áp lực các khu vực nhỏ. Từ đó, ngành nước khoanh vùng được những khu vực thất thoát nước để xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, hệ thống ống cũ mục cũng từng bước thay thế dần... Nhờ việc triển khai ứng dụng các giải pháp trên nên tỉ lệ thất thoát nước chung trên địa bàn thành phố hiện nay giảm dưới 23% (thấp hơn mức mà UBND TP.HCM phê duyệt tỉ lệ thất thoát nước đến năm 2020 giảm còn 23%).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận