Một tàu khảo sát địa vật lý hải dương của Naval Oceanographic - Ảnh tư liệu
Từ năm 1967, Cơ quan Hải dương học Mỹ khảo sát toàn bộ thềm lục địa Việt Nam. Tiếp đó, Alping Geophysical Corporation cũng triển khai nghiên cứu...
Khảo sát dưới đáy biển
Năm 1968. Vài chiếc máy bay của không quân Mỹ lặng lẽ làm nhiệm vụ bí mật. Chúng không mang bom và bay ngược ra Biển Đông. Phi hành đoàn cũng khá đặc biệt. Họ mặc đồ dân sự, mang theo các máy chụp ảnh và thiết bị chuyên dụng để đo từ hàng không.
Đó là phi đội "địa vật lý" hàng không (Airborne Geophysics). Đây là nhiệm vụ bí mật. Chính quyền Sài Gòn không công bố. Thi thoảng họ mới hé chút thông tin cho báo chí để phục vụ mục đích chính trị.
Cùng trong năm 1968, bên cạnh không quân Mỹ, các công ty khảo sát hải dương của Anh cũng tham gia khảo sát biển Nam Việt Nam. Sang năm 1969, Naval Oceanographic Office đã thực hiện khảo sát vùng vịnh Thái Lan và Biển Đông với chiều dài hơn 16.000km mạng lưới tuyến.
Ray Geophysical Mandrel cũng gấp rút đo địa vật lý hơn 3.480km tuyến ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam.
Đặc biệt, sang năm 1970, lúc đạo luật dầu hỏa VNCH chuẩn bị được ban hành, Mandrel lại tiếp tục thực hiện đợt khảo sát lần thứ hai với quy mô lớn hơn trước. Bản đồ khảo sát dọc theo bờ biển miền Nam Việt Nam và phía Nam Biển Đông.
Lần này Mandrel áp dụng các kỹ thuật khảo sát địa vật lý hiện đại nhất lúc bấy giờ là địa chấn, từ và trọng lực. Hơn 8.400km tuyến đã được khảo sát.
Đợt này ngân khố Chính phủ Sài Gòn không phải tốn đồng nào. Một nhóm công ty dầu hỏa của Mỹ, Anh đã bỏ tiền thuê Mandrel khảo sát.
Lý do chính để những nhà tài phiệt dầu hỏa chịu chi là do họ tiếp cận được các kết quả khảo sát sơ bộ từ năm 1968 của không quân Mỹ và các công ty hải dương Anh.
Khảo sát đã dẫn đến kết quả đánh giá sơ bộ có một tầng trầm tích dày 3-4km với kiến tạo khá thuận lợi cho khả năng chứa dầu.
Sau đợt khảo sát thứ hai vào năm 1970 của Mandrel và một số công ty khác, kết luận về tầng trầm tích dày hơn 2km dưới thềm lục địa Nam Việt Nam gần như là chắc chắn.
Các số liệu khảo sát địa vật lý đã chỉ dẫn ba bồn trầm tích có thể chứa dầu là Sài Gòn - Brunei (sau này gọi là bể Nam Côn Sơn), Mekong (bể Cửu Long), vịnh Thái Lan (bể Malay - Thổ Chu).
Đến thời điểm này, chính quyền Sài Gòn đã nhìn thấy rõ ràng dấu hiệu lạc quan của ngành dầu hỏa mà mình vừa khởi động chưa được bao lâu.
Họ hi vọng nếu tiến hành khai thác sớm, nền kinh tế miền Nam Việt Nam sẽ rẽ sang một bước ngoặt mới và chắc chắn không còn phải quá phụ thuộc vào túi tiền viện trợ Mỹ.
Bản đồ các bể trầm tích có thể chứa dầu ở Biển Đông - Ảnh: TĐDKVN
Những cuộc "đi đêm" của Conoco
Từ năm 1970, các số liệu khảo sát bắt đầu được công khai. Chính quyền Sài Gòn muốn cho cả thế giới thấy "tiềm năng giàu có" của VNCH và mời gọi các công ty quốc tế vào đầu tư thăm dò, khai thác.
Conoco, công ty dầu hỏa của Mỹ, nhanh chóng đến sớm. Họ có những buổi làm việc con thoi với các quan chức chính quyền Sài Gòn.
Conoco muốn được giao những lô đặc nhượng lớn ngoài thềm lục địa miền Nam Việt Nam để có thể thăm dò, khai thác tối ưu trong lâu dài.
Đồng thời, họ cũng "cảnh báo" Sài Gòn không nên tin tưởng và giao nhượng địa cho các trùm dầu hỏa thế giới như Shell, Esso. Các công ty khổng lồ này đang bận rộn với các quốc gia Trung Đông và nhiều khu vực khác. Họ có thể chỉ "xí chỗ" để đó. Sài Gòn sẽ chỉ dài cổ đợi mà chẳng được gì.
Đặc biệt, họ cũng "khuyên" Sài Gòn không nên quá quan tâm đến khoản tiền "hoa hồng chữ ký" khi mời thầu, mà phải buộc các nhà thầu nhanh chóng thăm dò, khai thác.
Cuối cùng, Conoco nói rõ là muốn được giao một lô lớn từ 10.000km2 hoặc hơn nữa. Việc này chỉ nên thương lượng riêng giữa Conoco và Chính phủ Sài Gòn, không cần qua đấu thầu cạnh tranh với các công ty khác.
Các nhà lãnh đạo chính quyền Sài Gòn hoãn binh, không vội lắc hay gật trước đề nghị của Conoco. Trong khi đó, họ đẩy nhanh tiến độ thực hiện một cuộc chào thầu lớn ra công ty dầu hỏa quốc tế. Các thể thức hợp tác khai thác quốc tế trong OPEC được nghiên cứu kỹ.
Trong đó có thể thức hợp đồng phân chia sản phẩm như Iran, Indonesia đã thực thi; hợp đồng dịch vụ Iran, Venezuela; hợp đồng điều hành như Algeria.
Trong các hợp đồng phân chia sản phẩm và dịch vụ, công ty dầu hỏa quốc tế có trách nhiệm khai thác dầu và được chia tỉ lệ dầu sản xuất với nước chủ nhà như 40/60, 25/75.
Nhưng điều mà chính quyền Sài Gòn lưu tâm là kinh nghiệm một số quốc gia khởi đầu ngành công nghiệp dầu hỏa khi hợp tác với công ty quốc tế. Họ học hỏi đủ kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật để tự lập việc thăm dò, khai thác dầu của riêng mình.
Sài Gòn nhìn xa đến tương lai này. Họ không muốn bị các ông trùm dầu hỏa o ép và tài nguyên quốc gia chảy vào túi tiền nhà tài phiệt.
Mặc dù đạo luật dầu hỏa của VNCH không quy định phải đấu thầu, nhưng các chuyên gia tư vấn người Anh đã khuyên nên đấu thầu công khai để đảm bảo được quyền lợi quốc gia một cách tốt nhất.
Phân lô thềm lục địa
Ủy ban Quốc gia dầu hỏa đề nghị chính phủ VNCH cho phân lô thềm lục địa theo nguyên tắc từng ô vuông. Việc này là cần thiết để gọi thầu quốc tế.
Đợt một, hơn 40 lô đã được phân với diện tích 7.000 - 8.000km2 mỗi lô. Chúng nằm trên cả hai vùng Đông và Tây thềm lục địa, từ Phan Thiết xuống Cà Mau và vòng qua vịnh Thái Lan...
______________
Kỳ tới: Những gói thầu triệu đô
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận