Toàn cảnh hội nghị "Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột dịch vụ hàng không - du lịch" chiều 16-12 - Ảnh: THÀNH ĐẠT
Chính sách làm mất cơ hội du lịch
Mở đầu hội nghị bàn tròn với chủ đề Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp 2023: Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột dịch vụ hàng không - du lịch do báo Nhân Dân phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân tổ chức chiều 16-12, ông Chris Farwell - đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) - nêu thực tế đáng buồn: Việt Nam là nước đi đầu mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 nhưng không tận dụng được lợi thế.
Bằng chứng là năm 2022 Việt Nam chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách để tạo nguồn thu khoảng 4,5 tỉ USD.
Trong khi Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu về du khách quốc tế mà họ đặt ra thì Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19.
Thái Lan dù mở cửa sau Việt Nam, nhưng đã đón được hơn 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, mang lại tổng thu từ du khách quốc tế 14 tỉ USD nhờ vào việc tạo điều kiện dễ dàng và hấp dẫn để khách quốc tế nhập cảnh.
Cụ thể Thái Lan miễn thị thực (visa) đối với công dân của 65 quốc gia và thời gian miễn visa được kéo dài từ 30 - 45 ngày, một số trường hợp là 90 ngày.
Trong khi đó, du khách thường phàn nàn không dễ xin thị thực du lịch tại các đại sứ quán của Việt Nam như trước dịch COVID-19, khi bị yêu cầu phải có các công ty bảo lãnh hoặc bị giới thiệu xin visa qua các đại lý dịch vụ cấp visa với phí thường rất cao, từ 200 USD cho tới 500 USD đối với các visa xin gấp vào thời hạn cuối, trong khi lệ phí chính thức cấp visa chỉ là 25 USD.
Đại diện TAB khuyến nghị việc mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa và kéo dài thời hạn visa từ 15 lên 30 hoặc 45 ngày là động lực lớn đối với người nước ngoài đang muốn đi du lịch đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, hệ thống thị thực điện tử thực sự cần được quan tâm ngay các vấn đề: mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử; thay đổi tên miền để khách nước ngoài dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm trực tuyến, trả lời kết quả cho khách nộp hồ sơ nhanh hơn, có thể trong 24 giờ.
Ai chịu trách nhiệm?
Thất vọng vì mở cửa sớm nhưng không tận dụng được lợi thế về du lịch, PGS.TS Trần Đình Thiên - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - đặt câu hỏi: "Việt Nam mở cửa hội nhập khi thế giới chưa đứng dậy được vì dịch là cơ hội rất tốt cho Việt Nam về du lịch và hàng không nhưng không làm được. Ai chịu trách nhiệm về vấn đề này đây?".
TS Lương Hoài Nam chỉ ra việc du lịch nội địa tăng trưởng tốt trong năm 2022 vì không có rào cản nào về phòng dịch. Còn du lịch quốc tế thì cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực và gặp rào cản lớn nhất là visa khi Việt Nam miễn visa với 25 nước, thời hạn visa là 15 ngày, còn Thái Lan là 65 nước và thời hạn visa từ 30 đến 90 ngày.
Trước ý kiến các đại biểu về visa, ông Trương Gia Bình - trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - đề nghị các đại biểu giơ biểu quyết về số lượng nước cần miễn thị thực. Phần lớn các đại biểu chọn phương án miễn visa với 65 nước như Thái Lan.
Theo ông Đinh Việt Phương - giám đốc điều hành của Vietjet, năm 2022 xảy ra xung đột Nga - Ukraine nên mất lượng khách Nga rất lớn và thị trường Trung Quốc rất quan trọng với hàng không đến nay vẫn đóng cửa.
Thị trường Đông Bắc Á đến 1-10 mới dỡ bỏ rào cản. Đây là những nguyên nhân làm ảnh hưởng nguồn khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, ông Phương cũng chỉ ra các nước vẫn thu hút được du khách vì có chính sách thông thoáng về visa, phòng dịch…
Ông Nguyễn Lê Phúc - phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho biết Việt Nam chọn chỉ tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022 là cẩn trọng, có tính đến Trung Quốc thực hiện Zero COVID. Tuy nhiên sự lựa chọn cẩn trọng này chưa đạt mục tiêu vì thị trường nguồn còn vướng mắc, cơ chế không thoáng bằng Thái Lan.
Ông Phúc cho biết ý kiến các đại biểu tại hội nghị sẽ được tiếp nhận và báo cáo Thủ tướng, các bộ trong hội nghị do Thủ tướng chủ trì với các bộ ngành về thu hút khách quốc tế đến Việt Nam vào tuần tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận