26/09/2021 09:04 GMT+7

Mở cửa dần với thích ứng an toàn

HOÀNG LỘC thực hiện
HOÀNG LỘC thực hiện

TTO - PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG - trưởng khoa y tế công cộng, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM - nhận định như vậy khi cùng Tuổi Trẻ nhìn lại quá trình chống dịch COVID-19 trong 4 tháng qua và kế hoạch mở cửa trở lại sắp tới của TP.HCM.

Mở cửa dần với thích ứng an toàn - Ảnh 1.

Vùng xanh Củ Chi (TP.HCM) bước đầu mở lại tour du lịch cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Dũng, có hai bài học quan trọng cần rút ra. 

Thứ nhất, phải luôn cảnh giác và có chiến lược phù hợp khi xảy ra tình trạng quá tải hệ thống y tế. Không thể áp dụng những biện pháp dự phòng khi số ca mắc tăng cao. 

Thứ hai, khi nguồn lực y tế có hạn, cần phải cân đối hoạt động phòng bệnh, điều trị để đạt mục tiêu cứu được nhiều sinh mạng nhất. Nếu máy móc chạy theo các chỉ tiêu, không chuyển trọng tâm vào điều trị kịp thời có thể gây tổn thất rất lớn.

"Điều trị tại nhàrất quan trọng"

 * Trong 4 tháng của đợt dịch thứ 4, theo ông, đâu là giai đoạn khó khăn nhất với TP.HCM? Những gì đã làm được và việc gì còn lúng túng?

- Có thể nhận thấy tháng 7 và tháng 8 là giai đoạn khó khăn nhất. Đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27-4 nhưng đến tháng 7, số ca mắc mới tăng vọt, có ngày ghi nhận "kỷ lục" với 1.320 ca mắc mới (10-7). 

TP lúc bấy giờ đã có đến trên 1.200 điểm phong tỏa. Số ca mắc tăng cao khiến một số công tác dự phòng bị quá tải. Chiến lược xét nghiệm và ứng dụng công nghệ thông tin, vốn được xem là điểm mạnh trong công tác phòng chống dịch tại TP bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Công tác xét nghiệm, truy vết quá tải, kéo theo kết quả xét nghiệm và số liệu báo cáo chậm trễ, cách ly không kịp thời. Số lượng ca mắc gia tăng khiến công tác điều trị cũng bị ảnh hưởng.

Tuy vậy, từ trong khó khăn, ngành y tế đã tích cực đẩy mạnh công tác điều trị, bằng việc tăng số giường bệnh có hệ thống oxy thở. Từ 6.510 giường có oxy vào ngày 16-8 đã tăng lên đến 11.500 vào ngày 9-9 (tăng gấp đôi trong vòng 20 ngày). 

Phân tầng điều trị hợp lý hơn (từ 5 tầng xuống 3 tầng); các quy định, hướng dẫn điều trị, cung cấp túi thuốc chăm sóc F0 tại nhà được đưa ra kịp thời; nỗ lực tiêm chủng vắc xin mang lại kết quả khích lệ (trên 94% người trên 18 tuổi tiêm mũi 1, trên 31% tiêm mũi 2).

Mở cửa dần với thích ứng an toàn - Ảnh 2.

PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG

* Hàng loạt biện pháp sau đó như cách ly tại nhà, thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 cộng đồng và cung ứng các gói thuốc... Theo ông, đã có hiệu quả?

- Tất cả các biện pháp này đều rất quan trọng, đặc biệt việc thiết lập trạm y tế lưu động và tổ y tế chăm sóc F0 tại cộng đồng giúp giảm tải cho bệnh viện, giảm tử vong tại cộng đồng.

Tuy nhiên, theo tôi, có hai chiến lược quan trọng nhất là đẩy mạnh tiêm chủng (ưu tiên cho người cao tuổi, người có bệnh nền) giúp giảm số ca diễn tiến nặng và tăng cường số giường bệnh có hệ thống oxy giúp điều trị bệnh nhân hiệu quả hơn.

* Số F0 điều trị tại nhà ở TP.HCM chiếm gần 50% số ca đang điều trị, có ý nghĩa gì về công tác điều trị sắp tới không, thưa ông?

- Với tỉ lệ người dân được tiêm vắc xin cao, số ca diễn tiến nặng sẽ thấp dần. Khuynh hướng này đang xuất hiện ở Việt Nam, đặc biệt TP.HCM, dù chưa rõ rệt như ở các nước đã tiêm vắc xin sâu rộng. 

Khi F0 ít có nguy cơ diễn tiến nặng và ít có nguy cơ lây lan (do người xung quanh đã được tiêm ngừa), việc điều trị tại nhà sẽ trở nên quan trọng. Trong chiến lược điều trị sắp tới, cần quan tâm hướng dẫn đầy đủ cho F0 được điều trị tại nhà; củng cố các tổ chăm sóc người nhiễm tại cộng đồng; trạm y tế lưu động và hệ thống cấp cứu, chuyển viện... 

Song song đó, cũng cần duy trì ở mức độ phù hợp một số bệnh viện dã chiến và một số giường hồi sức cấp cứu cho COVID-19 để kịp thời đối phó, nếu có biến chủng mới hoặc tình huống gây tăng số ca mắc mới hay độc lực của virus.

Mở cửa dần với thích ứng an toàn - Ảnh 3.

BS.CKII Đặng Vũ Hiệp - Trạm y tế lưu động phường 11, quận Tân Bình - thăm khám và phát thuốc cho những F0 đang điều trị tại nhà - Ảnh: D.PHAN

"Chúng ta đã đi đúng hướng"

* Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trong cuộc làm việc với bệnh viện hồi sức COVID-19 có nhắc câu "chúng ta đã thấy ánh sáng cuối đường hầm". Ông có nhìn thấy "ánh sáng" như ông Sơn nói?

- Trong thời gian vừa qua, không phải chúng ta hoàn toàn mò mẫm nhưng phải chấp nhận thực tế rằng không phải quyết định nào cũng đều đúng đắn nhất. Cho nên có những lúc chúng ta tự hỏi, chúng ta có đi đúng đường hay không?

Nhưng khi đã có nhận định "chúng ta đã thấy ánh sáng cuối đường hầm", điều này củng cố niềm tin vào những điều chúng ta đã và đang làm. Khi nhìn vào số ca nặng và tử vong giảm dần, số ca xuất viện tăng..., chúng ta đã đi đúng hướng, đặc biệt là củng cố điều trị và dự phòng với vắc xin.

* Ông đề xuất gì để TP đạt 2 mục tiêu chung sống an toàn với dịch và dần mở cửa phục hồi kinh tế - xã hội?

- Với người dân lao động tại TP.HCM, mưu sinh là mục tiêu ưu tiên nhất. Nếu được tạo điều kiện, tôi tin mục tiêu hồi phục kinh tế và đảm bảo sinh kế cho người dân sẽ đạt được sau một thời gian mở cửa. 

Tuy nhiên thời gian mở cửa có dài hay không và việc phục hồi kinh tế có bền vững hay không phụ thuộc vào sự thích ứng an toàn của người dân sau khi mở cửa. 

Người dân cần hiểu rằng, sinh kế của mình có bền vững hay không phụ thuộc vào việc bản thân tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa, tuân thủ 5K và các quy định phòng chống dịch của TP. 

Ngành y tế cần giám sát việc tuân thủ quy định phòng chống dịch của người dân và giám sát chặt tình hình lây nhiễm.

Mở cửa dần với thích ứng an toàn - Ảnh 4.

Du khách gồm đội ngũ y tế tuyến đầu phòng chống dịch tham quan mô hình "Chợ dã chiến" kết hợp với giới thiệu các ngành nghề, sản phẩm đặc trưng của huyện Củ Chi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Một số quận huyện ở TP.HCM trở thành vùng xanh nhưng nhiều người vẫn sợ ra đường. Theo ông, người dân cần chuẩn bị gì để tự tin "sống chung" an toàn?

- Mỗi người đều có quyền đưa ra quyết định cho chính bản thân sau khi được thông tin đầy đủ về các lựa chọn. Trách nhiệm của ngành y tế là thông tin đầy đủ về các nguy cơ mắc bệnh, nguy cơ diễn tiến nặng và hiệu quả của các biện pháp phòng tránh cho mọi người dân.

Nếu đã thông tin đầy đủ nhưng vẫn có người e dè và không bị áp lực sinh kế đè nặng thì đó cũng là lựa chọn tất yếu, giúp họ thoải mái hơn về mặt tinh thần. Về khía cạnh nào đó, có người e ngại khi ra ngoài cũng sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh chung cho xã hội. 

Nhưng nếu có người nào đó, vì mưu sinh hoặc tâm lý năng động, mong muốn có những hoạt động nhiều hơn và chấp nhận nguy cơ, đó là lựa chọn của họ và chúng ta cần tôn trọng. Miễn là những hành động này tuân thủ các quy định về phòng chống dịch và không gây gia tăng nguy cơ lây nhiễm cho xã hội.

Sau 30-9, TP.HCM "mở cửa" đến đâu?

Ngày 25-9, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - trưởng bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP.HCM - đánh giá "có ánh sáng cuối đường hầm" là dựa vào dữ liệu "3 chân": chấp hành giãn cách được thực hiện tốt giúp số ca mắc tại các vùng đỏ, vùng vàng, vùng xanh giảm rõ rệt; tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng giảm, bệnh nhân được ra viện hoặc chuyển xuống tầng nhẹ hơn tăng và số tử vong trong vòng 4 ngày qua giảm rất đều từ 188 ca xuống còn 123 ca; tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 1 cho người trên 18 tuổi của TP đã đạt trên 94%, mũi 2 trên 31%.

Những số liệu này là cơ sở đánh giá, giúp TP cơ bản đạt được mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và là cơ hội để mở ra trạng thái bình thường mới sau 30-9.

So với bộ tiêu chí kiểm soát dịch tại quyết định số 3979 của Bộ Y tế, ông Sơn đánh giá một số quận huyện của TP.HCM cơ bản đạt được, bao gồm Củ Chi, Cần Giờ, quận 7 và TP Thủ Đức.

Một số quận huyện khác cũng có nhiều phường đạt được các tiêu chí này. Nếu tiếp tục thực hiện đúng chiến lược xét nghiệm (1-2 lần vùng đỏ và vùng cam, 1 lần vùng xanh), có thể đến 30-9 TP sẽ đạt được các tiêu chí đề ra và phần lớn các địa bàn có thể được trở lại trạng thái bình thường mới.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng:

Dần chuyển 20 - 50% giường bệnh về chữa bệnh thông thường

pgs

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng

Song song với kiểm soát phòng dịch, một số bệnh viện như quận 7 và đa khoa khu vực Củ Chi đang trong lộ trình chuyển đổi công năng, từ điều trị COVID-19 trở lại điều trị bệnh nhân thông thường.

Theo các số liệu thống kê, dịch COVID-19 tại TP đang có chiều hướng giảm về số ca mắc, số ca chuyển nặng và tử vong; số ca xuất viện ngày càng tăng.

Tuy nhiên thực tế COVID-19 không thể chấm dứt được. Do đó, chúng tôi xây dựng kế hoạch từ nay đến cuối năm, chuyển đổi thêm nhiều bệnh viện với khoảng 20 - 50% số giường (đang điều trị COVID-19) về khám và điều trị các bệnh lý thông thường, nhưng theo lộ trình, tùy vào tình hình dịch.

Vùng xanh TP.HCM: đa phần "ai ở đâu ở yên đó"

kiemsoat

Cơ quan chức năng kiểm soát xe qua trạm trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM sáng 25-9 - Ảnh: T.T.D.

Các quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã thí điểm nới các biện pháp giãn cách từ ngày 15-9. Tuy nhiên, lãnh đạo các quận huyện này cho biết vẫn kiểm soát việc đi lại và các hoạt động chặt chẽ chứ không phải nới giãn thì ai cũng được ra đường. Việc kiểm soát này vẫn sẽ duy trì tới ngày 30-9 khi TP.HCM có những quyết sách chống dịch mới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Chí Dũng - phó bí thư thường trực Quận ủy quận 7 - khẳng định: "Quận vẫn đang giãn cách theo chỉ thị 16, người dân vẫn phải chấp hành ai ở đâu ở yên đó". Theo ông Dũng, nới giãn nhưng không phải ai cũng được ra đường.

Những cá nhân, tổ chức được ra đường đều được quy định theo chỉ đạo của UBND TP và Công an TP bao gồm lực lượng tuyến đầu, những người đi tiêm vắc xin, người dân có giấy đi đường, shipper.

Đặc biệt, quận có nới hơn với người dân ở các vùng xanh được cấp thẻ đi chợ mỗi tuần một lần và chỉ đi lại trong địa phận vùng xanh. Việc cấp thẻ xanh vẫn đang phối hợp Sở Thông tin và truyền thông nhập dữ liệu để cấp thẻ xanh và còn đợi hướng dẫn.

Còn tại huyện Cần Giờ, ông Lê Minh Dũng - bí thư Huyện ủy - cho biết huyện đang rà soát hoạt động du lịch, sau 30-9 sẽ đánh giá lại và mở rộng thêm.

Hiện nay Sở Du lịch đang thí điểm đưa lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch đi các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Trong những ngày 25 và 26-9, ngày 1 đến 5-10, huyện sẽ phối hợp với Sở Du lịch tổ chức các chuyến đi này.

Đối với những tổ chức, cá nhân được di chuyển trên đường đều phải theo quy định của UBND TP.

Ngoài ra còn có thêm những người hoạt động trong các lĩnh vực quy định tại mục 4 công văn 3072, trong đó quy định các địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh gồm: quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn các quận huyện này và Khu công nghệ cao được thí điểm triển khai cho phép người dân đi chợ 1 lần/tuần.

Các quận huyện tự bổ sung các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động theo kế hoạch của địa phương nhưng phải tuân thủ bộ tiêu chí an toàn do UBND TP ban hành. "Riêng đối với huyện Cần Giờ, người dân được tham gia các hoạt động nới lỏng theo đặc thù địa phương như đi chợ, đi ra ruộng, đi đánh bắt thủy hải sản, các hoạt động hợp tác xã... Còn lại vẫn phải ở nhà" - ông Lê Minh Dũng nói.

Sau 1 tuần các địa phương này "mở cửa", theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng giảm rõ tại huyện Củ Chi và Cần Giờ. Số ca cần thở oxy và chuyển viện ở 3 địa phương gồm quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ có xu hướng giảm dần, số ca tử vong tại nhà hầu như không có.

Với kết quả này, Sở Y tế TP đánh giá tình hình dịch bệnh tại các địa phương thí điểm vẫn đang được kiểm soát.

LÊ PHAN

Một tuần thí điểm ‘mở cửa’, số ca mắc COVID-19 ở Củ Chi, Cần Giờ giảm rõ Một tuần thí điểm ‘mở cửa’, số ca mắc COVID-19 ở Củ Chi, Cần Giờ giảm rõ

TTO - Qua một tuần triển khai “mở cửa”, số ca mắc mới có xu hướng giảm rõ tại huyện Củ Chi và Cần Giờ, TP.HCM. Số ca cần thở oxy và chuyển viện ở các địa phương này cũng có xu hướng giảm dần và số ca tử vong tại nhà hầu như không có.

HOÀNG LỘC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên