ĐH Công nghệ (UTM) tự hào nghiên cứu dòng sản phẩm cho hoàng gia và thương mại - Ảnh: T.HÂN
Có điều gì đằng sau những ngôi trường danh tiếng ấy?
Tại ngôi trường lâu đời nhất liên bang - ĐH Malaya (đứng thứ 87 thế giới, QS University Ranking 2018/2019) tạo điều kiện để sinh viên, giảng viên nghiên cứu trong và ngoài lớp học.
Chỉ cần một hồ nước dơ, cây xanh, rác sinh hoạt... đều có thể trở thành dự án học tập, cải tạo được nhà trường tài trợ.
Không có phòng thí nghiệm
"Living lab (phòng thí nghiệm đời sống) là mô hình biến học xá thành nơi thực nghiệm ở nhiều lĩnh vực. Chúng tôi không có phòng thí nghiệm theo đúng nghĩa vật lý mà nó tồn tại ở bất kỳ đâu phát sinh vấn đề" - bà Nuntasinee Muadmanee, đại diện nhà trường, chia sẻ.
Lực lượng phòng thí nghiệm liên tục theo dõi, đánh giá hiện trạng môi trường quanh học xá, đề xuất các dự án cải tạo mà qua đó sinh viên vừa học vừa thực hành kiến thức.
Sinh viên và khách tham quan có thể nghiên cứu đa dạng thực vật tại trường bằng thao tác quét mã QR dán trên thân cây. Để phục vụ nghiên cứu trồng trọt, sạt lở đất, nhà trường còn giữ gìn một số loài cây quý hiếm trong khuôn viên.
Mặc dù định hướng nghiên cứu, ĐH Công nghệ Malaysia (đứng thứ 228 thế giới) sở hữu nhà xưởng, dây chuyền hỗ trợ quá trình sản xuất, thương mại. Các nhà khoa học ở đây tự hào khi tạo ra nhiều dòng sản phẩm đi vào thị trường như gia vị, nước hoa, thực phẩm dinh dưỡng.
Đại diện Viện Phát triển sản phẩm sinh học, kỹ sư Iruan Mat Husiin cho biết: "Phần lớn doanh nghiệp, startup tìm đến đây đặt hàng công nghệ mới với giá cả vừa phải. Nghiên cứu được hoàn thiện tại phòng thí nghiệm, sản xuất tại nhà máy và quảng bá ra công chúng nhờ đội ngũ marketing của trường".
Để đại học trở nên "dễ nhìn thấy"
Khát khao trở thành trung tâm giáo dục Đông Nam Á, Malaysia thực hiện nhiều chính sách thu hút hơn 170.000 sinh viên quốc tế đến từ 170 quốc gia (trong năm 2017), trong khi con số này ở Việt Nam chỉ hơn 20.000.
Để ĐH trở nên "dễ nhìn thấy", các trường ở đất nước này thường được thiết kế thành không gian mở, chào đón cộng đồng đăng ký tham quan, tham gia các hoạt động giải trí như dã ngoại khám phá, chèo thuyền, hồ bơi, sân vận động...
Về học thuật, các ĐH đầu tư mạnh cho hoạt động liên kết quốc tế, ký kết quan hệ với nhiều ĐH có thứ hạng cao trên thế giới.
Nguyễn Thùy Vân - nghiên cứu sinh khoa giáo dục, ĐH Công nghệ Malaysia - cho biết: "Hằng năm nhà trường tổ chức gần 20 hội nghị khoa học, thu hút học giả, sinh viên toàn quốc, đa quốc gia đến trao đổi học thuật sôi nổi. Nhờ vậy, trong 4 năm học tập, tôi đã tham dự và báo cáo tại 16 hội thảo, hội nghị, có 5 bài báo đăng trên tạp chí Scopus".
Mỗi khoa tại trường này đều có hoạt động ngoại khóa mở, miễn phí để hỗ trợ kỹ năng nghiên cứu cho sinh viên, sử dụng các phần mềm ứng dụng trong nghiên cứu khoa học, phần mềm chống đạo văn...
"Nếu ngân sách du học có hạn, mức sống và môi trường học tập ở Malaysia rất phù hợp với "con nhà nghèo". Các dịch vụ công như xe đạp, xe buýt nội bộ, xe buýt đến siêu thị cho sinh viên thường miễn phí" - chị Vân chia sẻ về miền đất nghĩa tình đã giúp chị vượt qua tháng ngày du học tự túc.
Đếm bước chân ở trường đại học
Đánh dấu cho biết năng lượng tiêu hao mỗi lần đi cầu thang bộ - Ảnh: TƯỜNG HÂN
Cách văn phòng 730 bước (<9 phút), cách thư viện 605 bước (10 phút)... Bảng chỉ đường đặt giữa sân Trường ĐH Malaya lâu đời nhất thủ đô Kuala Lumpur khiến du khách thích thú.
Quan tâm phát triển “xanh”, nhiều trường ĐH tại Malaysia khuyến khích sinh viên đi bộ, dùng xe đạp để tập luyện sức khỏe, bảo vệ môi trường.
Nằm trên ngọn đồi rộng hơn 1.100ha, ĐH Công nghệ Malaysia ở miền nam có sẵn hệ thống xe đạp, xe buýt nội bộ cho sinh viên, nhân viên sử dụng miễn phí. Từ trên cao nhìn xuống, khách tham quan bị choáng ngợp bởi thảm rừng nhiệt đới chiếm gần 2/3 diện tích, mang lại không khí trong lành cho dã ngoại.
Trong khi đó, tại trung tâm thành phố mới Putrajaya, ĐH Heriot Watt sử dụng thang máy và tường kính trong suốt để tiết kiệm điện thắp sáng. Trong năm học vừa qua, toàn trường tham gia chiến dịch “đốt năng lượng, cắt giảm điện”, đi bộ giữa các tầng lầu sẽ tính được đã tiêu hao bao nhiêu calorie.
Nhờ đặc tính thân thiện môi trường, nhiều ĐH có chính sách mở cửa cho du khách tham quan, sử dụng hồ bơi, trung tâm thể thao, chèo thuyền kayak, gián tiếp quảng bá hình ảnh trường học và các công trình nghiên cứu thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận