Chị Lưu Thị Ngọc Trâm (phải) cùng người làm chuẩn bị nguyên vật liệu để bắt đầu bán hàng mang về từ ngày 5-9 - Ảnh: T.LỰC
Trước thông tin TP Đà Nẵng nới lỏng giãn cách xã hội, chuyển sang thực hiện quy định mới, cho phép mua bán hàng hóa mang về, nhiều người dân tỏ ra vui mừng và phấn khởi.
Đã 5 tuần vừa qua cộng thêm 3 tuần từ đợt dịch trước tuyến phố kinh doanh sầm uất bậc nhất TP phải đóng cửa im lìm. Theo ghi nhận của PV, một số cửa hàng ăn uống, giải khát đã bắt đầu dọn dẹp chuẩn bị phục vụ trở lại.
Bán mang đi...
Tại quán lẩu bò trên đường Điện Biên Phủ, chị Lưu Thị Ngọc Trâm, chủ quán, cùng nhóm người làm đang tất bật dọn dẹp chuẩn bị mở cửa vào ngày 5-9. Dù chỉ cho phép bán hàng mang về nhưng chị Trâm tỏ ra vui vẻ.
Hơn một tháng đóng cửa, những hộ kinh doanh nhỏ lẻ như chị nếm đủ mùi khổ sở vì thất thu, áp lực trả tiền mặt bằng. Quán lẩu nhỏ của chị mỗi tháng chi hơn 20 triệu đồng tiền mặt bằng, dịch đợt này chồng lên dịch đợt trước khiến trăm bề khó khăn. Dù vậy, chị vẫn chi hỗ trợ người lao động hằng tháng vì đa số là người ở quê lên, hoàn cảnh nghèo khó.
"Nghe nói TP cho phép mua bán mang đi mình rất vui vì tạo công ăn việc làm cho mọi người. Đây không chỉ là niềm vui của gia đình mình, mà là hạnh phúc của mọi người dân Đà Nẵng. Tâm lý người dân, người buôn bán kinh doanh nghe tin được buôn bán trở lại thấy phấn khởi hẳn, mong ai cũng có công ăn việc làm, có thu nhập và mong TP khống chế được dịch bệnh không bùng phát trở lại.
Tôi cũng mong Nhà nước có chính sách giảm bớt tiền điện nước, tiền thuế, tiền lãi vay ngân hàng để khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân" - chị Trâm chia sẻ.
Trên đường Lê Duẩn chiều 4-9, ở quán cà phê của chị Minh Thư (39 tuổi), mọi người tất bật dọn dẹp lau chùi chuẩn bị phục vụ khách. Những chiếc ghế mây nằm yên hơn một tháng qua đã phủ đầy bụi bẩn cần phải làm mới lại cho ngày mở cửa.
"Nghe TP cho phép bán hàng mang về chúng tôi rất vui, chuẩn bị lau dọn quán xá để buôn bán trở lại. Hơn một tháng qua đóng cửa ở nhà thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Không buôn bán là không có thu nhập, chồng tôi chạy xe dịch vụ cũng thất nghiệp ở nhà. Mong là TP kiểm soát tốt để dịch bệnh không quay lại nữa" - chị Thư chia sẻ.
Chờ đón khách nội
Trưa 4-9, sau khi hay tin hơn 10.000 mẫu xét nghiệm âm tính theo diện hộ gia đình trên địa bàn TP Đà Nẵng, nhiều chủ hộ kinh doanh ở đường Trần Phú, quận Hải Châu khấp khởi ra mặt.
Tại cửa hàng đồ ăn Tây Al Fresco’s, 4 nhân viên đã quay lại quán lau bàn ghế và chuẩn bị đồ đóng hộp. Cả chủ lẫn nhân viên đều hồi hộp chờ quyết định của TP chuyển trạng thái phòng dịch từ cách ly sang giãn cách xã hội nên chưa nhập hàng về ngay.
"Cửa hàng chưa nhập nguyên liệu về ngay vì không thể để qua ngày. Tuy nhiên chúng tôi đã chuẩn bị đâu vào đó không gian phục vụ người mua online và mang đi" - chị Vương Thị Bé, quản lý cửa hàng, nói.
Tương tự, một số quán xá nhỏ trên đường Trần Phú cũng chuẩn bị tâm thế đón trạng thái mới. Tại cửa hàng Pizza Lotus, việc chuẩn bị các công cụ phòng dịch được nhân viên ở đây gấp rút thực hiện.
Ngoài việc tẩy rửa cửa hàng, nhân viên ở đây cũng căng dây và chuẩn bị các khu vực đo thân nhiệt, xịt nước rửa tay cho khách một khi cửa hàng được bán trở lại. Anh Nguyễn Phương, quản lý cửa hàng này, cho biết đã có thời gian làm quen với chỉ thị 19 một tuần trước khi thực hiện cách ly vừa qua nên đã hình dung hết được mô hình hoạt động một khi TP chuyển trạng thái phòng dịch.
Anh Phương nói: "Chúng tôi cũng đã thông báo trên trang web và chuẩn bị cho chương trình chạy quảng cáo online để khôi phục lượng khách. Bây giờ hoàn toàn trông vào khách nội địa nên chắc chắn phải mất một thời gian để thích ứng, chuẩn bị ngay lúc này là vừa".
Vẫn áp dụng chia tần suất đi chợ
TP Đà Nẵng tạm thời chỉ cho phép hoạt động lưu trú được hoạt động trở lại, tạm dừng các dịch vụ khác tại các khách sạn, cơ sở lưu trú. Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng cho khách mang đi, đặt hàng và bán hàng qua mạng, giao hàng tận nơi cho khách hàng.
Dừng hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh xuất phát hoặc đến các địa phương đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ thị 16. Riêng phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP được hoạt động nhưng vận chuyển không quá 1/2 số người cho phép.
Tiếp tục áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân theo "Thẻ đi chợ" (3 ngày một lần).
Có biện pháp chống dịch ở trường học, bệnh viện
Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị liên quan đánh giá công tác phòng chống dịch trong thời gian qua để xây dựng các kịch bản phù hợp, không để bị động, bất ngờ. Trong đó yêu cầu khẩn trương ban hành các quy định quản lý, yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như trường học, bệnh viện, nơi làm việc, các địa điểm công cộng...
Đồng thời xây dựng kịch bản, kế hoạch khắc phục khó khăn trong phát triển kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trọng tâm theo hướng: khôi phục, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, khuyến khích tiêu dùng nội địa; tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực đầu tư và đẩy tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm để giải ngân vốn đầu tư công.
Thành ủy Đà Nẵng cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ địa bàn, nơi cư trú, nhất là quản lý người nước ngoài, không để nhập cảnh trái phép, nhập cảnh không đúng đối tượng. Đồng thời kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý xuất nhập cảnh và công tác phòng chống dịch. Trấn áp tội phạm và các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thông tin sai sự thật và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự...
Người dân đồng hành chống dịch lâu dài
Quán xá mong hoạt động lại, người dân trông chờ được trở lại với nhịp sống bình thường dù biết rằng ít nhiều khó mà như trước. Tuy nhiên, nhiều người dân Đà Nẵng đều tin tưởng vào một bối cảnh phục hồi như trước đây.
Đối với ông Lê Thanh Hà (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), một tháng vừa qua là thời điểm gia đình ông rất căng thẳng. Có nhiều thành viên dễ bị tổn thương nên hầu như nhà ông đều trong tình trạng tự cô lập để phòng dịch.
Ông theo dõi tin tức các ca nhiễm từng ngày để đưa vợ đi điều trị. "Cháu tôi mới sinh, vợ thì bệnh nan y nên khi Đà Nẵng có thời điểm lên tới 50 ca nhiễm một ngày, tôi đã rất lo lắng. Mấy ngày số ca tăng đỉnh điểm tôi đã nghĩ tình hình ni chắc kéo dài tới tết, nhưng không ngờ TP dập được dịch sớm" - ông Hà nói.
Nhân viên một quán cà phê trên đường Đống Đa lau dọn bàn ghế chiều 4-9 chuẩn bị mở cửa trở lại - Ảnh: T.LỰC
Trong chỉ thị 43 của Thành ủy Đà Nẵng xác định việc chống dịch là lâu dài. Lúc 17h chiều 4-9, ông Lê Trung Chinh - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết từ ngày 5-9, toàn TP chuyển trạng thái áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quyết định mới.
Cụ thể vẫn hạn chế người dân ra khỏi nhà nếu không cần thiết và bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, nơi công cộng. Yêu cầu thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc tối thiểu 1m và không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng...
Ngoài ra, TP Đà Nẵng tiếp tục tạm dừng các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, giải đấu thể thao, sự kiện... tập trung quá 20 người tại nơi công cộng. Không tổ chức ăn uống tập thể (đám hiếu, đám hỉ, tiệc liên hoan, tân gia...) tập trung quá 20 người. Dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu tại các khu, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, matxa, quán bar, vũ trường, rạp phim, casino, điểm cung cấp dịch vụ Internet công cộng, trò chơi điện tử...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận