21/02/2025 09:22 GMT+7

Mở cơ hội cho người trẻ mua nhà

Tại hội nghị với các ngân hàng thương mại mới đây, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nghiên cứu, tiếp tục có gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi.

Mở cơ hội cho người trẻ mua nhà - Ảnh 1.

Khu thiết chế công đoàn dành cho người lao động tại tỉnh Hà Nam với 244 căn hộ. Nhưng những khu này còn quá ít ỏi nên chưa góp sức giải quyết bài toán chỗ ở cho người lao động - Ảnh: NAM TRẦN

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM có văn bản gửi Chính phủ đề xuất một số giải pháp để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại có mức giá không quá 35 triệu đồng/m2 và căn hộ giá không quá 3 tỉ đồng.

Hiệp hội này đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng cơ chế cho người trẻ từ 18 - 45 tuổi mua căn nhà đầu tiên được vay tín dụng với lãi suất thương mại hợp lý, khoảng 6-7%/năm với bảo đảm khoản vay bằng chính căn nhà đó, thời hạn vay 10-15 năm để tạo cú hích phát triển nhà ở.

Nếu có sự vào cuộc của nhiều ngân hàng, hạ mức lãi suất cho người mua nhà lần đầu, không chỉ riêng cho người trẻ, gia đình trẻ mà bất cứ ai có nhu cầu mua nhà và có mức thu nhập ổn định thì đây sẽ là bước gỡ nút thắt để hỗ trợ lớn cho cả người mua nhà lẫn chủ đầu tư các dự án.
Ông NGUYỄN TRUNG TÍN (chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư TT Capital)

Chật vật giấc mơ an cư

Vào TP.HCM làm việc bảy năm nhưng giấc mơ sở hữu căn hộ chung cư ở TP.HCM của vợ chồng anh Mai Văn Hùng (quê Phú Yên) đến nay vẫn xa vời. Cả hai đều là dân văn phòng với tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 25-27 triệu đồng. Dù sống tằn tiện, tích góp đủ đường, vợ chồng anh vẫn không thể mua nổi một căn chung cư cũ ở TP.HCM.

Nhiều lần tìm hiểu các dự án căn hộ ở các quận vùng ven TP nhưng giá chung cư khá cao, ngay cả chung cư cũ cũng có giá từ 2-3 tỉ đồng, còn những căn hộ mới đều có giá 3-5 tỉ đồng.

Do đang nuôi con nhỏ, anh Hùng nhẩm tính chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi con và tiền thuê nhà đã ngốn hết 2/3 thu nhập. Khoản dôi dư tiết kiệm bao năm qua còn chưa đủ để đối ứng 30% để mua nhà khi vay ngân hàng, nên chưa dám nói đến chuyện trả tiền gốc và tiền lãi mỗi tháng.

"Với mức lương hiện tại, chúng tôi chỉ có thể chi trả cho các khoản sinh hoạt phí và tiết kiệm một khoản nhỏ.

Giá nhà ở TP.HCM hiện nay quá cao, vượt quá khả năng tài chính của gia đình tôi. Mặt bằng lãi suất cũng cao, hiện khoảng 7%, sau đó thả nổi lên 10% thì hoàn toàn vượt ngoài tầm với", anh Hùng nói.

Chung cảnh ngộ, vợ chồng anh Nguyễn Trung Hiếu (ngụ TP Thủ Đức) cũng đang vật lộn với bài toán mua nhà.

Tổng thu nhập của hai anh chị khoảng 30 triệu đồng/tháng, song gánh nặng chi phí sinh hoạt, đặc biệt là chi phí nuôi con nhỏ, khiến việc tích lũy mua nhà trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Anh Hiếu chia sẻ với mức lãi suất cao, có giai đoạn thả nổi vượt 10% như thời gian qua, việc tìm đến ngân hàng để vay mua nhà là điều anh không dám nghĩ đến. Do đó nếu được ngân hàng hỗ trợ lãi suất với mức ưu đãi cao và cố định trong thời gian dài, vợ chồng anh sẽ tìm cách mua một căn hộ vùng ven, vay mượn thêm người thân để mua nhà và tích góp để trả lãi vay hằng tháng.

Tương tự, anh Trần Văn Thanh (32 tuổi, quê Ninh Bình) cho biết đã ra Hà Nội làm việc hơn chục năm nhưng chưa thể mua nhà vì giá nhà hiện tăng quá cao.

Anh Thanh tính toán, với thu nhập 15 triệu đồng/tháng thì trừ chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, khoản tiết kiệm cả năm cũng chỉ đủ tiền mua 1-2m2 nhà tại Hà Nội. Vì vậy anh Thanh chờ mong Chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ lãi vay với thời hạn vay kéo dài từ 20-30 năm để có cơ hội mua nhà ở.

Mở cơ hội cho người trẻ mua nhà - Ảnh 2.

Giá nhà ở tại TP đã tăng trung bình 15 - 20% mỗi năm. Trong ảnh: một dự án được xây dựng theo mô hình tích hợp nhà ở xã hội (block B) và thương mại trên đường Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

"Cơ hội vàng" sở hữu nhà

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trung Tín - chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư TT Capital - cho biết nhu cầu mua nhà của người trẻ nói chung và người dân mong muốn an cư hiện rất lớn. Tuy nhiên với mức lãi suất thông thường từ 9-10%/năm, việc trả nợ trở thành gánh nặng quá lớn đối với người mua nhà.

Vì vậy ông Tín cho rằng việc Thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng nghiên cứu gói vay ưu đãi cho người trẻ mua nhà sẽ mở ra cơ hội để người trẻ tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để sở hữu được nhà, mở ra cơ hội an cư lạc nghiệp và đây cũng là cú hích cho thị trường bất động sản nói chung.

Ông Tín cũng cho biết, ngay khi Ngân hàng ACB công bố gói vay ngôi nhà đầu tiên dành cho người dưới 35 tuổi với lãi suất từ 5,5% được cố định trong năm năm, doanh nghiệp này đã liên hệ với ngân hàng để hỗ trợ người mua nhà tiếp cận vốn.

Với vai trò là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá vừa túi tiền, ông Tín cho hay doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chính sách thanh toán linh hoạt, hỗ trợ lãi suất cũng như làm việc với các đối tác ngân hàng để người mua hưởng ưu đãi cao nhất, song không phải ai cũng dễ dàng vay được vốn để mua nhà.

Do đó, những chính sách ưu đãi như mua nhà trả góp chỉ dưới 10 triệu đồng/tháng, cộng với hỗ trợ lãi suất thấp, chỉ ở mức 5,5%/năm sẽ là "cơ hội vàng" để các gia đình trẻ nói riêng và những người có nhu cầu an cư sở hữu được nhà.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Hùng - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cũng cho rằng chủ trương có thêm một gói vay ưu đãi dành cho người dưới 35 tuổi mua nhà rất hay nếu nhìn về lâu dài.

Những người dưới 35 tuổi là những người có sức lao động, đã đi làm, có thu nhập thường xuyên nên cần có cơ chế hỗ trợ họ an cư lập nghiệp ở các đô thị. Đây cũng là những người tạo ra của cải cho tương lai nên cần hỗ trợ họ có nhà ở.

Tuy nhiên khi triển khai gói vay này cần có cơ chế để các ngân hàng dành nguồn vốn với thời hạn cho vay dài, với mức lãi suất hợp lý. Với đặc thù cho người trẻ vay mua nhà thì gói vay ưu đãi mua nhà này cần có thời hạn tối thiểu từ 15-20 năm. Và vấn đề đặt ra là sẽ huy động nguồn vốn dài hạn từ đâu trong khi các ngân hàng thường chỉ huy động vốn ngắn hạn, chủ yếu huy động vốn kỳ hạn 12 tháng, còn 24-36 tháng không được nhiều, ông Hùng nêu vấn đề.

Mở cơ hội cho người trẻ mua nhà - Ảnh 3.

Người lao động thuê nhà ở trong khu thiết chế công đoàn tại tỉnh Hà Nam với 244 căn hộ - Ảnh: NAM TRẦN

Sẽ khó mua nhà nếu chỉ trông vào vốn ngân hàng

Lý do là ngân hàng cũng bị ràng buộc về tỉ lệ an toàn khi cho vay. Theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước thì chỉ được sử dụng khoảng 30% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Hiện nay tỉ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng cũng xấp xỉ 30% rồi, nên việc cân đối nguồn vốn là khó.

Vì vậy ông Hùng khuyến nghị nên huy động vốn từ nhiều nguồn để thực hiện gói vay ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà như phát hành trái phiếu, thông qua các quỹ tài chính, từ thị trường chứng khoán. Đồng thời cần cho phép doanh nghiệp được huy động trái phiếu với thời hạn dài từ 15-20 năm để xây nhà bán cho người dưới 35 tuổi hoặc có cơ chế để các ngân hàng cho vay ứng trước.

Còn theo ông Lê Hữu Nghĩa - tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng, thương mại Lê Thành, việc triển khai gói vay mua nhà ưu đãi cho người dưới 35 tuổi là cần thiết để giúp người trẻ tạo lập chỗ ở.

Tuy nhiên nếu triển khai cần đi kèm các điều kiện như người vay mua nhà phải có tỉ lệ tiền tích lũy hằng tháng bao nhiêu để thúc đẩy người trẻ nỗ lực làm việc.

Khi người trẻ đáp ứng được điều kiện về tiền tích lũy thì Nhà nước sẽ hỗ trợ cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi kỳ hạn dài. Như vậy sẽ thúc đẩy những người trẻ ra trường phải nỗ lực làm việc, tăng năng suất lao động, có được mức lương phù hợp để mua nhà.

Anh HOÀNG VĂN DANH (34 tuổi, ngụ quận Tân Bình):

Hết sức cấp thiết

Việc thiết kế gói cho vay ưu đãi đối với những gia đình trẻ mua nhà lần đầu như chúng tôi là hết sức cấp thiết, nếu ngân hàng tung ra chính sách này sẽ giúp chúng tôi có cơ hội sở hữu căn hộ ở TP.HCM sớm hơn. Tuy nhiên có một vấn đề mà chúng tôi cho rằng chính sách thuế thu nhập cá nhân cần tính một cách thực tế các khoản mà người lao động như chúng tôi đang phải chi trả mà chưa được tính đúng, tính đủ. Do đó chúng tôi mong muốn khi thiết kế chính sách hỗ trợ, cần nâng mức giảm trừ gia cảnh và đưa vào các chi phí hợp lý hợp lệ, đó cũng là một gói hỗ trợ cho người lao động.

Lãi suất phải phù hợp khả năng thanh toán

Mở cơ hội cho người trẻ mua nhà - Ảnh 4.

Công nhân chế biến bữa ăn chiều sau khi tan tầm ở Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

Một trở ngại khác đó là lãi suất cho vay phải phù hợp với khả năng thanh toán của người mua nhà nhưng đã vay dài hạn thì lãi suất lại cao, giải bài toán này thế nào? Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia.

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU (chuyên gia tài chính) cho rằng trong bối cảnh chương trình tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho vay đầu tư, mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp hơn lãi bình quân thị trường từ 1,5-2% có thời gian vay ngắn, gần như không giải ngân được. Chính phủ cần tính tới chủ trương phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp hơn lãi vay thương mại, thời gian vay dài hơi hơn để hỗ trợ người trẻ mua nhà, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn đầu tư dự án nhà ở vừa túi tiền. Theo đó Chính phủ có thể dùng số tiền huy động được từ phát hành trái phiếu chính phủ cho các ngân hàng thương mại vay lại, các ngân hàng sẽ dùng số tiền này cho doanh nghiệp vay đầu tư dự án nhà ở, cho người trẻ vay mua nhà với lãi suất thấp.

Và để hỗ trợ người trẻ mua nhà thì lãi suất càng thấp càng tốt. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào mức lãi suất huy động của trái phiếu chính phủ, nếu Chính phủ phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất 4 - 5%/năm thì lãi vay mua nhà ở sẽ khoảng 6 - 7%/năm vì phải cộng thêm 2% chi phí quản lý của các ngân hàng thương mại. Trong trường hợp lãi suất huy động trái phiếu chính phủ quá thấp sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư trái phiếu, không huy động được vốn.

TS LÊ XUÂN NGHĨA (thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia) khuyến nghị để hỗ trợ người trẻ mua nhà, Chính phủ nên phát hành trái phiếu chính phủ để tài trợ cho các dự án nhà ở xã hội thông qua việc cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội vay lại. Ví dụ Chính phủ phát hành trái phiếu với lãi suất từ 3 - 3,5%/năm thì cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội vay lại với mức lãi suất khoảng 5%/năm, thời hạn cho vay có thể khoảng 20 năm. Điều kiện cho doanh nghiệp vay lại trái phiếu để làm nhà ở xã hội cần thuận lợi. "Còn với người trẻ mua nhà ở Chính phủ nên tạo điều kiện hỗ trợ vay ngân hàng với một mức lãi suất ưu đãi cứng nào đó, như tại Singapore lãi vay mua nhà khoảng 2,5%/năm. Phần chênh lệch lãi suất so với thị trường sẽ do ngân sách cấp bù" - ông Nghĩa đề xuất.

TS Oh Dongkun (tổng giám đốc Công ty TNHH Becamex Tokyu) cho hay ở thị trường Nhật Bản đa phần người dân chỉ sở hữu một căn nhà nên được vay mua nhà với lãi suất thấp, chỉ 1 - 2%, thậm chí không lãi suất. Nếu cho vay mua nhà với lãi suất thương mại ở mức 8 - 10% sẽ rất khó để giải quyết bài toán nhà ở cho người dân, do đó ông Oh Dongkun nhận định mấu chốt là cần chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà.

TS HUỲNH PHƯỚC NGHĨA (giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý - CTELG) cho rằng để giải quyết bài toán về vốn cho người dân mua nhà lần đầu, cần có các giải pháp đồng bộ và hiệu quả, trong đó cần xây dựng quỹ phát triển nhà ở cho người mua lần đầu để hỗ trợ cho thuê và thuê mua nhà ở, tương tự như mô hình ở Singapore. Với mô hình này, người mới ra trường hoặc có thu nhập thấp sẽ có chỗ ở ổn định để phát triển sự nghiệp.

Ông TRẦN MẠNH CHÍ (phó tổng giám đốc Công ty Đông Tây Property):

Thúc đẩy các giải pháp tăng nguồn cung

Nhiều dự án chưa thể phát triển, chưa thể cung ứng căn hộ ra thị trường do vướng mắc ở khâu thủ tục pháp lý như thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, hệ số sử dụng đất, định giá đất... Trong đó nhiều dự án gặp vướng hàng năm trời nên dù khách hàng chờ đợi nhưng chủ đầu tư cũng chưa thể hoàn tất các thủ tục để xây dựng. Bên cạnh đó, quỹ đất tại các đô thị như TP.HCM hạn chế kèm theo bảng giá đất mới cao hơn giai đoạn trước cũng là nguyên nhân dẫn đến giá nhà ở các đô thị tăng cao.

Với các chủ đầu tư, chi phí phát triển dự án bao gồm chi phí đất đai, chi phí lãi vay đều tính vào giá thành và người mua nhà trực tiếp chi trả khiến định giá đất cao, thời gian phát triển lâu, chi phí tài chính lớn đều là gánh nặng của người mua nhà. Do đó bên cạnh chính sách về lãi suất cho các gia đình trẻ mua nhà lần đầu, Nhà nước cần thúc đẩy hơn nữa trong tháo gỡ vướng mắc pháp lý, có các giải pháp để các chủ đầu tư tiếp cận được nguồn lực đất đai với chi phí hợp lý, điều này sẽ giúp tăng nguồn cung, trực tiếp hỗ trợ cho các gia đình trẻ có nhu cầu an cư thông qua giá bán hợp lý hơn.

TP.HCM: giá nhà ở tăng trung bình 15-20%/năm

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, giá nhà ở tại TP đã tăng trung bình 15 - 20% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2023. Trong khi đó thu nhập bình quân của người dân chỉ tăng khoảng 8 - 10% mỗi năm khiến các gia đình trẻ khó có thể mua được nhà ở TP.

Ông Nguyễn Quốc Anh - phó tổng giám đốc Batdongsan (thành viên Tập đoàn PropertyGuru) - cho biết số liệu tính toán của đơn vị này cho thấy một người trẻ lứa 9X cần đến 25,8 năm thu nhập để mua căn hộ giá khoảng 3 tỉ đồng trong điều kiện lãi suất huy động là 4,5%/năm. Theo ông Quốc Anh, giá bất động sản tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn tới mong muốn sở hữu nhà ở của người dân khi tăng trưởng giá nhà của Việt Nam đạt mức 59%, cao hơn nhiều quốc gia khác như Mỹ (54%), Úc (49%), Nhật Bản (41%) và Singapore (37%).

Singapore, Thái Lan hỗ trợ mua nhà ra sao?

Mở cơ hội cho người trẻ mua nhà - Ảnh 4.

Người dân tham quan các phòng mẫu trong dự án “Nhà ở cho người Thái” tại khu trưng bày ở sảnh trung tâm ga Bang Sue Grand, quận Chatuchak - Ảnh: Bangkok Post

Singapore đang tích cực triển khai các chính sách nhằm giúp người trẻ dễ dàng tiếp cận nhà ở, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong bối cảnh giá bất động sản leo thang, trong đó nổi bật là chương trình mua nhà theo đơn đặt hàng Build-To-Order (BTO).

Cụ thể, BTO là một hình thức nhà ở mới nằm trong chương trình của Hội đồng Nhà ở và Phát triển Singapore (HDB), cho phép người dân đặt mua căn hộ trước khi chúng được xây dựng. Chương trình ưu tiên các cặp vợ chồng trẻ và người mua nhà lần đầu, nhằm khuyến khích họ lập gia đình và ổn định cuộc sống sớm. Khác với mô hình xây sẵn, BTO chỉ khởi công khi đủ số lượng đăng ký, giúp giảm lãng phí và đáp ứng nhu cầu thực tế.

Người mua có thể đăng ký mua các căn hộ sẽ được xây dựng trong tương lai, với thời gian hoàn thiện thường kéo dài từ 3 - 4 năm. Chương trình BTO đặc biệt phù hợp với người trẻ vì giá bán các căn hộ được chính phủ trợ giá, cùng với đó là nhiều khoản trợ cấp hấp dẫn như Enhanced CPF Housing Grant (EHG), với mức hỗ trợ lên đến 80.000 SGD (khoảng 60.000 USD), tùy thuộc vào thu nhập và điều kiện cụ thể của hộ gia đình. Ngoài ra người mua có thể vay mua nhà trực tiếp từ HDB với lãi suất ưu đãi, giảm gánh nặng tài chính.

Thái Lan mới đây cũng đã khởi động sáng kiến nhà ở công cộng đầy tham vọng mang tên "Nhà ở cho người Thái" (Houses for Thais), nhằm cung cấp nhà ở giá rẻ và dễ tiếp cận cho khoảng 1 triệu người dân, đặc biệt hướng đến các chuyên gia trẻ và những người mới tốt nghiệp cao đẳng, đại học, theo báo The Nation.

Được khởi động ngày 17-1, chương trình đã thu hút sự quan tâm lớn của công chúng, với trang web chính thức nhận được hơn 60 triệu lượt truy cập chỉ trong vòng bốn ngày. Sáng kiến này ưu tiên những người trẻ có mức thu nhập hằng tháng tối đa 50.000 baht (khoảng 1.500 USD).

Người tham gia sẽ được thuê nhà dài hạn với khoản trả góp hằng tháng chỉ 4.000 baht (tương đương 120 USD) mà không cần trả trước. Đặc biệt nhà ở trong chương trình này có hợp đồng thuê với thời hạn tối đa lên đến 99 năm.

Mở cơ hội cho người trẻ mua nhà - Ảnh 6.Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị về phát triển nhà ở xã hội trong tháng 1-2025

Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng việc tổ chức hội nghị thúc đẩy nhà ở xã hội và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên