29/09/2015 12:13 GMT+7

Mỏ cá đồng miệt rừng bây giờ

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Cách xa tới 300 cây số, nhiều người Sài Gòn bây giờ vẫn nhớ món cá đồng miệt U Minh. Bây giờ dân phố không còn mấy người được hưởng đặc sản dưới rừng tràm vì còn quá ít.

Anh Sáu Thái gỡ con cá lóc dính lưới ở U Minh - Ảnh: Quốc Việt
Anh Sáu Thái gỡ con cá lóc dính lưới ở U Minh - Ảnh: Quốc Việt

>> Kỳ 1: 

>> Kỳ 2: 

>> Kỳ 3: 

>> Kỳ 4: 

>> Kỳ 5:

Về tận Cà Mau, nghe chính dân mần cá truyền đời xứ này: “So với đời tía má tụi tui, con cá rừng U Minh thời này so với trước một phần trăm cũng chưa chắc đã được”...

Theo dây lưới U Minh

“Ông đi gỡ lưới cá với tui không? Thiệt bụng trăm nghe không bằng mắt thấy, khỏi nói chuyện nhiều cũng đủ hiểu thực tế cỡ nào. Dạo rày miệt này lùm xùm nhiều chuyện dữ lắm.

Miếng ăn từ cây lúa, con tôm của người này lại không đặng cho người kia mần cá tự nhiên. Có bận người ta suýt chém nhau đó ...” - anh Sáu Thái ở ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, Cà Mau rủ rê tôi đi mần cá chung với mình.

Chưa nghe dứt lời, chúng tôi gật đầu cái rụp. Ở tuổi 50 nhưng anh Nguyễn Văn Thái trông trẻ hơn hẳn. Người bự tròn, nước da đen như than tràm.

“Đời tía má rồi đời tui ở miệt rừng này đều mần cá kiếm cơm” - Sáu Thái nói rổn rảng.

Sáng U Minh mưa đổ hạt theo bóng mây. Mới nắng đó đã ướt như chuột lội. Sáu Thái chèo xuồng đưa chúng tôi vô rừng tràm.

Hôm nay anh và bạn bè mình giăng cả lưới rắn lẫn lưới cá. Lưới rắn thì họ giăng lé đé trên mặt nước. Còn lưới cá thì chìm bên dưới để con cá nào bơi qua sẽ mắc phải. Chiếc xuồng tam bản dần bỏ qua gần 30m lưới vẫn chưa có con nào để dừng lại gỡ.

Sáu Thái như hiểu sự sốt ruột của người bạn đường: “Hồi mấy cây mưa đầu mùa cá nhiều hơn. Tháng này ít rồi. Nhưng anh cứ ráng ngồi thêm chút nữa, nhiều ít cỡ nào cũng phải dư mồi để lai rai”.

Mưa lại bất ngờ trút xuống. Luồn qua mấy cành tràm lùm xùm xòa xuống mặt nước thì cũng đến lúc Sáu Thái được dịp gỡ lưới. Tôi bất ngờ nhìn thấy mấy con cá rô biển bự hơn ba ngón tay, mình dẹp dẹp đặc trưng.

Hồi xưa, miệt dưới hạ nguồn như Long An, Tiền Giang cũng thấy con cá nước ngọt mà lại có tên biển này nhưng bây giờ đã hiếm lắm rồi.

Lát sau Sáu Thái tiếp tục gỡ thêm mấy con cá trê vàng, cá lóc đen cỡ ngót nghét hơn nửa cổ tay. Có cả một con cá tra hơn 1kg nhưng nó sổng lưới mất trước khi kịp gỡ.

Gần 200m lưới giăng rải rác ở mấy đoạn kênh ngang dọc. Cuối cùng Sáu Thái cũng thu được hơn 4kg cá nhưng không con nào bự hơn 1kg. Anh rẽ sang đoạn lưới rắn trong mạn rừng tràm rậm rịt hơn.

Chúng tôi rờn rợn. Nhưng cuối cùng, hơn 50m lưới trống không. Sáu Thái có vẻ đã quen với cảnh này vẫn cười rổn rảng: “Bữa trúng bữa thất, bình thường thôi mà. Nhưng nói thiệt bụng, bận tui còn trẻ mà giăng cỡ đây lưới thì phải gỡ khẳm xuồng cá”.

Anh nói khẳm chiếc xuồng tam bản nhỏ này tức chở cỡ hai người cỡ chúng tôi, phải nặng trên trăm ký.

Trên đường về căn nhà lá dừa giữa rừng, Sáu Thái vớt thêm ít ngọn muống nước, rau ôm, rau dừa, rau trai dại mọc dại đầy bên kênh. Với người U Minh, đó là món dân dã quen thuộc, rất ngon miệng khi ăn kèm với cá nướng.

Cá đồng U Minh đang ngày càng ít dần - Ảnh: Quốc Việt
Cá đồng U Minh đang ngày càng ít dần - Ảnh: Quốc Việt

Mơ mỏ cá còn mãi

Cơm nước chưa bày xong đã gần chục người lục đục kéo đến. Chuyện cá mú cứ tự nhiên tuôn ra như chảy từ trong huyết quản những cựu dân miệt rừng.

Ông Hai Xíl, 62 tuổi, miên man tâm sự năm 1975 sau chiến tranh, dân nghèo tứ xứ đổ về U Minh khiến nơi đây chộn rộn hẳn. Người chặt tràm, bán củi. Người đốt lò than. Kẻ chỉ chuyên mần cá tự nhiên kiếm sống...

So bận ông Hai Xíl còn nhỏ, tức hồi chiến tranh, con cá U Minh bắt đầu giảm nhưng vẫn còn nuôi sống được nhiều người dân dưới tán rừng mãi đến đầu những năm 1990. Dân thạo nghề cũng duy trì được những cách bắt cá độc đáo có một không hai ở U Minh.

Đến mấy lỗ bom biết có nhiều cá, họ chỉ lấy cành tràm đập đập xuống mặt nước hay móc đất sình liệng xuống. Cá sợ động chui vô lùm rễ cây, hang hóc. Họ chỉ mò bắt một chút đã đầy cả thùng cá lóc, cá trê to đùng.

Tía má ông Hai Xíl kể dân miệt này xưa đã biết đào đìa, chờ mùa nắng kiệt nước cá phải rút xuống chỗ trũng, tức nơi đìa sâu. Một ngày chụp đìa (tát nước) bắt được cả tấn cá. Họ chỉ bắt con lớn, còn con nhỏ cho người nghèo mót tự do.

Nhiều khi người ta còn chê không thèm bắt cá rô vì ngạnh đâm rát tay. Qua cơn giặc giã, dân xa đến làm kinh tế mới, kẻ bản xứ quy về cố hương sau cuộc lánh nạn đạn bom.

Người đông, cá tự nhiên phải ít dần, chuyện đào đìa để chụp cá mùa khô lại càng rộ lên. Nó giống cách nuôi bán tự nhiên nhưng thịt cá vẫn săn thơm như thịt cá đồng.

“Khoảng đến giữa những năm 1990 mới thật sự thấy cá đồng U Minh kiệt hẳn. Tui nhớ hồi những năm cuối 1970 và cả thập niên 1980, dân mần cá chuyên nghiệp còn chứa cả xuồng, đem ra chợ bán buôn cho thương lái chuyển lên Sài Gòn.

Độ hơn mươi năm trở lại đây, người ta đựng trong cái thùng nhỏ cũng hiếm đầy. Chỉ trong lõi rừng quốc gia là cá mú còn giữ được tàm tạm nhưng Nhà nước quản lý rồi”.

Ông Hai Xíl gắp cho chúng tôi con trê vàng nướng béo ngậy rồi chép miệng: “Hồi 20 năm trở về trước, dân trực tiếp mần cá rừng còn sống đỡ đỡ. Chứ bây giờ mười người mần hết chín người rưỡi nghèo rớt hột mồng tơi.

Người ta phải xoay xở được thêm nghề gì đó. Dính dáng con cá rừng thời này mà khá chỉ có thương lái. Càng hiếm thì nó càng mắc. Dân tay chân mần cá ở rừng bán được một đồng, kẻ chợ muốn ăn phải tốn ba đồng”.

Tâm sự của ông Hai Xíl được nhiều người bên mâm cơm hưởng ứng. Họ rành rẽ nêu hàng loạt lý do.

Ngoài chuyện con người khai thác cá ngày càng quá tay, còn nguyên nhân cây tràm bị tàn phá, đất rừng xưa bị chuyển đổi thành ruộng lúa hay vuông tôm làm thay đổi cả nguồn nước sống tự nhiên của con cá...

Tuy nhiên, sau những nỗi niềm sản vật U Minh hiếm dần, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự mải mê của họ với cái nghiệp tổ tiên truyền đời. Trên cả nghề kiếm sống quen thuộc, hình như nó còn ăn sâu vào trong máu phận người khoái kiếp sống lênh đênh trên rừng dưới nước.

Về U Minh bây giờ, chúng tôi vẫn còn thấy cây xà búp (chĩa nhọn ba mũi) của các tay săn cá cao niên dựng góc nhà để lại cho con cháu.

Cái cảnh người săn cá thu mình bên bờ kênh, phục đâm những con lóc đen sống lâu “thành tinh” bự như con chó mực vẫn chưa phai mờ trong ký ức dân U Minh.

Người dùng xà búp lão luyện chỉ một phát ra tay trúng ngay đầu cá, làm nó hết cơ hội sổng thoát dù lớn cỡ nào và bộ lòng cá ngon nhất không bị nát.

Chuyện những ông thầy đìa mù mắt hay điếc tai chỉ cần sờ tay xuống bờ ao cũng biết cá nhiều hay ít, vẫn còn rổn rảng trên các bàn nhậu giữa rừng.

Trong tâm hồn người U Minh, mỏ cá đồng nổi tiếng này vẫn còn sống mãi...

Ông lão Nguyễn Văn Ngộ, vừa ngoài tuổi 80, dẫn chúng tôi ra tận bờ kênh Tư để chỉ cái hang mà mình từng bắt được bảy thúng cá lóc.

“Bận đó, thanh niên tụi tui đi câu kiết cho vui lúc rảnh rỗi, mò cái hang này chút xíu là quá xá binh thiên. Được bảy thúng. Đó là tui mới chỉ bắt con nào đáng cỡ cùm tay trở lên, còn nhỏ thả lại xuống sông chứ nếu gom hầm bà làng hết chắc phải cỡ chục thúng” - ông Bảy Ngộ kể chuyện xưa mà nghe rạo rực.

Bà xã ông lặc lè khiêng bảy thúng cá, mỗi thúng nặng hơn 20kg về nhà để... cho hàng xóm, bởi hôm đó không có ghe buôn mà giữa rừng U Minh đầy cá thì bán cho ai.

__________________________________________

Kỳ tới: Những con cá khủng trên đầm Thị Tường

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên