Phóng to |
Thi sĩ Tản Đà có hai câu thơ: “Mình với ta tuy hai mà một/ Ta với mình tuy một mà hai”. Hình như hai câu thơ đó đã đúng với tác phẩm của anh chị. Còn trong cuộc sống đời thường?
- Phạm Công Luận: Câu thơ đó có lẽ cũng đúng trong cuộc sống đời thường. Chúng tôi là hai cá tính khác nhau, nhưng trong cuộc sống hôn nhân đôi khi tôi có cảm giác chúng tôi đã cùng tách một phần cá thể của mỗi người để cùng tạo thành một con người thứ ba. Nói một cách dễ hình dung, con người thứ ba đó chính là con người gia đình. Gia đình đối với cả hai chúng tôi không phải là một khái niệm, mà giống như một cơ thể sống vậy. Khi làm việc và đối thoại về những vấn đề xã hội, chúng tôi là hai người, có khi tranh luận, nhưng khi nói chuyện và xử lý những vấn đề thuộc về gia đình mình như nhà cửa, con cái thì chúng tôi là một, dễ đồng thuận với nhau.
* Chị có thể bật mí về bút danh chung Phạm Lữ Ân?
- Đông Vy: Lữ Ân vốn là một bút danh đã dùng của anh Luận trước đây. Khi bắt đầu viết cho mục “Cảm thức” của Chuyên đề 2! (thuộc báo Sinh Viên Việt Nam), sau này in lại trong cuốn Nếu biết trăm năm là hữu hạn, chúng tôi dùng lại bút danh này một cách tình cờ thôi, không suy xét nhiều.
* Khi viết một bài ký bút danh chung, anh thực hiện như thế nào?
- Phạm Công Luận: Cả hai đều viết lách, nên thường chúng tôi viết bài riêng. Đến khi viết “Cảm thức” chúng tôi mới làm việc chung. Làm báo cho độc giả trẻ, chúng tôi nhận ra các bạn đang bị khủng hoảng niềm tin và các giá trị nên chúng tôi muốn chia sẻ trải nghiệm và cách nhìn của mình một cách cởi mở và thành thật, không định kiến, không áp đặt. Chúng tôi trò chuyện rất nhiều mỗi ngày, khi ăn, khi đi trên đường..., trao đổi từ đề tài đến cách viết, chia sẻ từng kinh nghiệm riêng, tranh luận và phản biện... Cuối cùng, khi ý tưởng đã chín thì một người chấp bút, rồi người kia bổ sung, gọt giũa lại. Thường thì Vy là người chấp bút.
* Trong bài Nhà văn của tôi, anh Luận cho biết đã say mê nhà văn Sơn Nam. Và trong một số bài viết của anh, có chút ảnh hưởng cách viết của nhà văn này. Còn chị yêu thích nhà văn nào và có chịu ảnh hưởng trong cách viết?
- Đông Vy: Tôi thích nhà văn Colette, nhưng thật tình không ý thức được là có ảnh hưởng hay không. Chỉ biết là tôi thích viết giọng văn trong sáng, từ ngữ giản dị, câu văn có nhịp điệu và mạch văn phải logic, dễ hiểu. Cuộc sống quanh ta vốn đã phức tạp và nhiều bi kịch, nên tôi muốn ai đó khi đọc bài viết của tôi có thể cảm thấy nhẹ nhàng, kể cả nếu buồn thì cũng buồn nhẹ nhàng thôi.
* Sài Gòn cách đây 50 năm, nơi anh sống thời thơ ấu, đã để lại nhiều ấn tượng trong các bài viết của anh. Còn Sài Gòn hiện nay chưa quyến rũ được anh viết?
- Phạm Công Luận: Thành phố này với tôi là thành phố tuổi thơ, tuổi trẻ và chắc là của tuổi... già. Tôi sinh ra, lớn lên ở vùng Phú Nhuận và hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng vẫn cùng anh chị lui tới khu trung tâm Sài Gòn mua sách, xem phim, đi chợ hoa và ghé chỗ làm việc của ba tôi tại chợ Bến Thành. Sài Gòn là quê ngoại lâu đời của tôi, có Sở Hỏa xa Đông Dương - nơi ông ngoại tôi làm thư ký trước 1945.
Những bài tôi viết về thành phố này như để nhớ lại những kỷ niệm êm đềm bên gia đình, khi cha mẹ tôi còn sống và anh em còn sum vầy trong căn nhà nhỏ ở Phú Nhuận, cùng hưởng những cái tết vui. Khi lập gia đình, tôi có may mắn là sống ngay bên cạnh ngôi nhà trong con hẻm nhỏ thời thơ ấu. Hai con trai của chúng tôi đang lớn lên ở nơi cha chúng sinh ra.
Sài Gòn bây giờ cũng mang đến nhiều cảm xúc với tôi. Tết vừa rồi, vợ chồng tôi chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt bên dòng kênh xuôi về Chợ Lớn và thích thú nhìn hoa Tết đưa về từ đồng bằng sông Cửu Long, cập các bến ở đây, như đã có từ lâu nay. Sài Gòn bây giờ thay đổi nhiều, phát triển hơn, nhưng cảm xúc để viết thì lại gắn với những kỷ niệm cụ thể trong cuộc sống nhỏ nhoi của mình.
* Quê chị ở một vùng biển miền Trung. Phải chăng Những lối về ấu thơ viết bằng hoài niệm vẫn đẹp, dù thuở ấy còn nghèo?
- Đông Vy: Quê tôi ở Cam Ranh, Khánh Hòa. Tôi trải qua tuổi thơ ở đó, đầy ắp kỷ niệm đẹp. Thuở đó đúng là thiếu thốn hơn bây giờ nhiều nhưng quanh tôi ai cũng vậy, có nhiều người còn ngặt nghèo hơn. Dù sao tôi tin rằng thời thơ ấu là phần đời vô cùng quan trọng của mỗi người, vì vậy tôi viết về nó.
* Từ bài thơ của Jacques Prévert, Phạm Lữ Ân đã rút gọn thành: “Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi”. Anh Luận có đồng ý nhiều khi “Tình trong giây phút mà thành thiên thu” (Félix Arvers)?
- Phạm Công Luận: Thật ra ý nghĩ “hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi” không phải là phần rút gọn từ thơ của Jacques Prévert mà ngược lại, bài thơ được dùng như một ví dụ minh họa cho ý nghĩ đó. Đó cũng không phải là tuyên ngôn mới cho kiểu tình yêu “ngắn hạn” như một số bạn trẻ nhầm tưởng. Càng không có nghĩa là chúng tôi không tin vào “tình thiên thu”. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng hứa và giữ lời hứa là việc của lý trí, còn yêu hay hết yêu là bởi trái tim. Chúng ta có thể ép buộc lý trí nhưng không thể ép buộc tình cảm. Chúng ta không thể đoán trước được sự thay đổi của trái tim, nên khi yêu đừng khiên cưỡng, đừng quá cố chấp vào bản thân cũng như đối phương, bởi như thế chỉ dễ tổn thương hơn.
* Trong tiệc cưới người ta thường chúc cô dâu chú rể “Trăm năm hạnh phúc”. Chị có thấy câu chúc đó sáo rỗng?
- Đông Vy: Nói chung thì tôi nghĩ những câu chúc theo mẫu đều sáo rỗng cả... Tôi thích những câu chúc gần gũi và hướng đến cá nhân người được chúc hơn. Ví dụ trong đám cưới, bạn tôi không chúc “Trăm năm hạnh phúc” mà nói “Chúc mày không bị say xe khi đi hưởng tuần trăng mật”. Khi đó, tôi muốn khóc vì cảm động và biết mình thật sự được quan tâm.
* Xin cảm ơn anh chị.
|
Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận