TTCT - Cua ẩn sĩ (dịch từ tên tiếng Anh hermit crab của loài Paguroidea, mà người Việt còn gọi là ốc mượn hồn) là sinh vật của những đổi thay không ngừng. Để phát triển, chúng phải tìm kiếm những chiếc vỏ lớn hơn sao cho vừa vặn với tầm vóc mới. WILLOW DEFEBAUGHHằng tuần, tôi giật mình trước lời mời gọi kỳ lạ và đôi khi choáng ngợp về việc cố gắng thấu hiểu một thế giới vốn đang thay đổi. Và hằng tuần, tôi thấy mình kinh ngạc trước chính thế giới ấy: tất cả những người thầy ở đó, to lớn lẫn bé nhỏ. Chạy dọc bờ biển đầy cát và đáy đại dương là một sinh vật liên tục biến đổi, những kẻ mang trên lưng không chỉ có chiếc vỏ, sự tồn tại của chúng được gói gọn trong những vòng xoắn ốc của sự phát triển, và chúng hiểu quá rõ những được và mất khi người ta rời khỏi vùng an toàn của mình: những con cua ẩn sĩ.Có hơn 800 loài cua ẩn sĩ nhưng điều quan trọng nhất mà ta cần biết là tên gọi của chúng gây hiểu nhầm bởi hai lý do. Thứ nhất, chúng không phải là cua: chúng không phát triển bộ xương ngoài (exoskeleton) bao bọc toàn bộ cơ thể, điểm này khiến chúng thực ra giống với tôm hùm hơn. Chúng có mặt ngoài cứng cáp ở thân trước, nhưng có chiếc đuôi mềm với hình dạng móc câu để giữ lấy một lớp bảo vệ khác: những cái vỏ xoắn của nhiều loài ốc biển. Khi cua ẩn sĩ phát triển, chúng phải tìm kiếm những chiếc vỏ lớn hơn để phù hợp hơn với tầm vóc mới.Cua ẩn sĩ xếp thành hàng để trao đổi ''nhà'' theo kiểu ''cũ người mới ta''. Ảnh cắt từ phim của BBC EarthQuá trình nhiều loài cua ẩn sĩ lấy được những chiếc vỏ mới sẽ giải thích lý do còn lại khi ta nói chúng bị hiểu nhầm. Mặc dù được gọi là "ẩn sĩ", chúng thực ra khá hòa đồng và có thể sống thành đàn hơn một trăm con trong tự nhiên. Khi một chiếc vỏ ốc mới xuất hiện, người ta đã quan sát thấy chúng xếp thành hàng từ con lớn nhất đến nhỏ nhất và chuyền nhau ngôi nhà mới để xem nó vừa với ai nhất. Sau đó, chúng sẽ nhượng lại chiếc vỏ mình đã dùng cho người sau trong khi nhận nhà mới từ người hàng xóm phía trước: một ví dụ rõ nét về sự phát triển vừa bền vững vừa mang tính cộng đồng.Tất nhiên, quá trình này không phải là không có rủi ro. Phát triển hiếm khi nào như thế. Để thay vỏ, cua ẩn sĩ buộc phải đặt mình giữa hiểm nguy. Và giống như nhiều sinh vật biển, chúng trở thành nạn nhân của ô nhiễm, tưởng nhầm chai nhựa là mái nhà tiềm năng, nơi mà sau đó chúng bị mắc kẹt. Một nghiên cứu năm 2020 đăng trên Journal of Hazardous Materials đã phát hiện 570.000 con cua ẩn sĩ chết theo cách này mỗi năm chỉ trên hai đảo miền nam Thái Bình Dương. Một phần là vì khi chết, những con cua này tiết ra một loại tín hiệu hóa học pheromone loan báo cho những con khác biết rằng đang có một chiếc vỏ trống - thu hút nhiều kẻ đi theo cái chết của chúng.Trong thế giới con người, chúng ta có đủ mọi loại cạm bẫy nguy hiểm gắn với sự phát triển. Và vì vậy, chúng ta phải tách biệt các định nghĩa của mình khỏi định nghĩa của chủ nghĩa tư bản: phát triển nghĩa là "nhiều hơn". Cua ẩn sĩ nhắc nhở chúng ta rằng phát triển xoay quanh những gì ta cho đi cũng như những gì ta nhận lại. Nó có thể như một bài học mở rộng về lối sống tối giản. Nó có thể như buông bỏ mọi sự gắng sức và thả lỏng với những gì ta được trao cho - lời dạy cũ kỹ và đúng đắn. Nó có thể chỉ đơn giản là một cách nhìn mới. Và nó không phải lúc nào cũng hiển hiện; đôi khi những quá trình phát triển sâu sắc nhất lại là những quá trình chúng ta không thể diễn tả bằng lời, mà ta chỉ có thể sống theo đó.Một con cua ẩn sĩ mắc kẹt vào rác thải. Ảnh: Shawn MillerPhát triển vẫn thường là một quá trình xoắn ốc khó nắm bắt khi chúng ta đang ở bên trong nó. Sẽ ra sao nếu chúng ta xem cảm giác khó chịu của mình chỉ đơn giản là chỉ dấu cho thấy một vài khía cạnh trong cách sống hiện tại của chúng ta có thể không còn phù hợp nữa? Như nhà văn Alice Walker đã viết trong Living by the Word: "Một số giai đoạn phát triển của chúng ta khó hiểu đến nỗi ta thậm chí chẳng nhận ra rằng sự phát triển đó đang diễn ra. Chúng ta có thể cảm thấy hung hăng hoặc tức giận hoặc mềm yếu hoặc nực cười, hoặc chúng ta có thể cảm thấy trầm cảm. Trừ khi đã hữu duyên tìm được một quyển sách hoặc một người biết giải thích, ta sẽ chẳng bao giờ ngờ rằng chúng ta thực ra đang ở trong quá trình thay đổi, thực ra đang trở nên lớn hơn, về mặt tinh thần, so với ta lúc trước".Có lẽ "ẩn sĩ" không hẳn là một cái tên sai cho những con vật này: chúng có sự khôn ngoan. Xét cho cùng, phần lớn sự sống nằm ở việc học cách nhận diện khi nào chúng ta đã lớn hơn chiếc vỏ của mình và có đủ can đảm để chui ra khỏi cái bọc của những thói quen, mặc cho chúng có dễ chịu đến đâu. Để tin tưởng rằng những khoảnh khắc lặng thinh của sự khó chịu cũng là một phần của việc đó, chẳng kém những bước nhảy vọt anh hùng, điều chắc chắn sẽ bao gồm việc thử lên người những lớp vỏ khác nhau, cho phép bản thân trở nên lộn xộn và trần trụi trước những rủi ro. Để biết rằng chúng ta không cần phải đi một mình, rằng tất cả chúng ta đều đang ở trong quá trình thay đổi thuộc các giai đoạn và quy mô khác nhau. Để nhớ rằng nỗi sợ hãi sẽ luôn giữ chân ta lại nơi nhỏ hẹp, nhưng chúng ta được sinh ra để lớn lên.LÊ MY dịch từ Tạp chí Atmos Tags: Đáy đại dươngThái Bình DươngCua ẩn sĩGiai đoạn phát triểnSinh vật biểnNam Thái Bình DươngỐc mượn hồn
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam và Malaysia chia sẻ những lợi ích chiến lược trong thế giới biến động THANH HIỀN 22/11/2024 Sáng 22-11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và phát biểu tại trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất của Malaysia.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.