04/10/2011 10:34 GMT+7

Mình ơi, cơm sôi bớt lửa...

NGUYỄN KIM HẢI NGUYÊN
NGUYỄN KIM HẢI NGUYÊN

TTO - Câu chuyện Quá nuông chiều vợ, vợ "leo lên đầu"? thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc. Không hẹn mà gặp, nhiều ý kiến cho rằng ngày nay nên hiểu linh hoạt cụm từ "dạy vợ", chồng nên khéo léo trong việc chiều chuộng, chăm sóc vợ và vợ cũng không nên hiểu lầm yêu thương nhiều là nhu nhược.

Nhiều "hiến kế" cũng được gửi riêng đến bạn Nguyễn Tuấn Dũng - người "phát pháo" chủ đề với câu chuyện

Tuổi Trẻ Online xin tạm khép lại câu chuyện "nuông chiều vợ", vợ nắm "kèo trên" với những bí quyết giữ gìn hòa khí vợ chồng.

hHYHpwg2.jpgPhóng to

Cảm thông, sẻ chia, quan tâm, chăm sóc là chìa khóa để giữ gìn tình cảm vợ chồng - Ảnh minh họa: từ Internet

Đi đâu cũng quay về hai chữ "cảm thông"

Vợ chồng cần biết tôn trọng, giữ sĩ diện cho nhau. Vợ đừng vội cau mày, mắng mỏ, quậy tưng bừng khi chồng nhậu nhẹt cùng bạn bè. Đàn ông ngoài gia đình còn phải có đồng nghiệp, bạn bè, đối tác.

Thấy vậy chứ đàn ông có trách nhiệm lắm! Làm chồng, làm cha, làm cái gánh gánh cả nhà! Vì thế phụ nữ hãy hiểu cho đàn ông nhé! Cứ nghĩ "của chồng công vợ" thì sẽ êm ấm thôi.

Phụ nữ cũng có những lúc như thế, ví dụ như đi mua sắm, bắt chồng đợi gần chết luôn! Nhưng khi bạn đi ra với mấy túi đồ và vài người bạn thì chồng bạn dù mệt cũng cười thật tươi để giữ hình ảnh đẹp với bạn bè của bạn! Vậy tại sao bạn không làm được như thế với chồng?

Nói tóm lại, vợ chồng phải thông cảm, hiểu nhau mới hạnh phúc. Nếu bạn muốn đàn ông mà tối ngày trong bếp, ở nhà với vợ thì cũng không phải là người đàn ông mơ ước của phụ nữ đâu. Nếu bạn thích chồng mình như thế thì mình dám chắc với bạn là sau này bạn sẽ chán ngấy chồng mình vì tối ngày trong bếp ở nhà đợi vợ sai, vợ bảo, dạ vâng với vợ thì có ngày bạn nhận ra: "Sao chồng mình như phụ nữ vậy, chẳng có chút phong độ nào cả?".

Lúc đó bạn thấy người đàn ông nào phong độ, bảnh trai là bạn "đê mê" ngay và ít nhiều đem chồng mình so sánh. Và nếu lỡ yếu lòng mà tiếp tục "say nắng" thì trước sau gia đình bạn cũng không yên vui.

Thêm nữa, vợ phải dịu dàng, mềm mỏng, phải biết làm đẹp (nhiều đàn ông thích vẻ đẹp tự nhiên), đôi khi phải yếu đuối tí xíu vì đàn ông luôn tự tin vào sức mạnh của mình là phải bảo vệ phụ nữ nên khi được bảo vệ bạn, họ sẽ rất vui. Lúc đó họ thấy họ cần phải có trách nhiệm với bạn hơn, sẽ yêu thương bạn nhiều hơn.

Nhưng bạn cũng đừng quá yếu đuối đến mức quá dựa dẫm vào chồng. Đôi lúc phụ nữ cũng phải cứng rắn, vượt qua áp lực công việc, phải có phong cách riêng, phải khiến chồng hãnh diện về mình. Như thế mới hấp dẫn chồng mãi!

Đàn ông cũng cần "giỏi việc nước, đảm việc nhà"

Nếu từ đầu vợ hay chồng đã thấy rõ người kia đang giữ “kèo trên” nhưng cảm thấy vẫn đáp ứng được (chứ không phải nhẫn nhịn, chịu đựng) thì đó cũng có thể coi là gia đình hạnh phúc. Bản thân mỗi người tự cảm thấy thoải mái là được.

Người lo việc đối ngoại cũng phải hỗ trợ người kia trong việc gia đình, bằng cách này hay cách khác. Điều này sẽ thể hiện được sự tôn trọng và yêu thương.

Vợ chồng phải hướng đến mục tiêu chung của gia đình. Nếu người chồng hoặc vợ đã không còn quan tâm ý kiến người kia thì người bị chèn ép phải biết nên nói và làm những gì để hàn gắn gia đình. Đây không phải là trận chiến mà có kẻ thắng người thua.

Ranh giới giữa bình đẳng giới trong quan hệ vợ chồng vẫn còn khá mơ hồ trong quan niệm của nhiều người. Vì sao châm ngôn “giỏi việc nước đảm việc nhà” chỉ hướng đến phụ nữ mà không là nam giới?

"Đấu tranh" không khoan nhượng với vợ

Thân gửi bạn Tuấn Dũng trong tâm sự , bạn hãy thử không nhường nhịn vợ một vài lần để xem cô ấy phản ứng thế nào.

Bạn hãy cứ để bếp núc lạnh tanh, quần áo không giặt, cửa nhà bề bộn... Cô ấy chắc chắn sẽ giận dỗi, chắc sẽ lại xị mặt ra như bạn đã kể. Bạn cứ vui vẻ đi uống bia, đi bất cứ nơi đâu mà bạn muốn. Hãy để cho cô ấy thấy trống vắng.

Rồi khi trở về nhà, bạn mời cô ấy ngồi lại, bình tĩnh phân tích cho cô ấy hiểu mọi chuyện, điều gì bạn có thể giúp cô ấy, điều gì bạn không thể. Đâu là trách nhiệm và nghĩa vụ của bạn, đâu là trách nhiệm và nghĩa vụ của cô ấy. Hãy nhớ rạch ròi, thẳng thắn, không khoan nhượng. Đó là cách để vợ nhận thức được giá trị của bạn và cũng là phương thuốc cho cuộc hôn nhân mệt mỏi của bạn.

Những lần sau bạn vẫn có thể giúp cô ấy nhưng đính kèm câu: "Lần sau anh sẽ không làm/ không nghe/ không giúp em nữa đâu đấy nhé!".

Phụ nữ rất mong muốn được chồng giúp đỡ, chia sẻ, yêu thương. Nhưng nếu vì yêu vợ mà nhường nhịn đến mức nhu nhược thì không nên. Điều gì hợp lý, nằm trong phạm vi trách nhiệm và nghĩa vụ của bạn, hãy giúp đỡ cô ấy hết mức có thể. Nhưng nếu đó là những điều vô lý đến tai ngược thì bạn phải có chính kiến.

Có đi cùng trời cuối đất, cũng không ai bằng vợ

Tính đến mùa hè năm nay vợ chồng tôi cưới nhau trên 20 năm. Trong ngần ấy năm chung sống, tất nhiên những bất đồng quan điểm nho nhỏ không phải là không có nhưng rồi đâu cũng vào đó. Khi đã gần vào độ tuổi vào thu tôi ngộ ra: “Dù có đi cuối đất cùng trời, tôi cũng không bao giờ tìm được người đàn bà nào tốt hơn vợ tôi".

Đã là vợ chồng, đừng bao giờ đi tìm chân lý ai đúng ai sai, đừng bao giờ nói đến sự công bằng hay lời xin lỗi. Đừng đòi hỏi người phụ nữ phải thế này hay thế kia. Người đàn bà hoàn hảo chỉ có trong tiểu thuyết, trong những chuyện phim tình cảm lãng mạn hay trong những giấc mơ đẹp mà thôi…

Bí quyết để giải quyết mọi mâu thuẫn trong gia đình là sự cảm thông, yêu thương đùm bọc san sẻ, sự khoan dung độ lượng, hi sinh... Nhưng cái khó là những điều này nên bắt đầu từ ai?

Người chồng đừng bao giờ để gia đình lâm vào cảnh “cơm không lành canh không ngọt”, phải nhìn thấy “hiểm họa” mà chặn đứng ngay từ khó có những “nguy cơ”. Nếu đã hiểu về phụ nữ tội gì đàn ông không “nâng cao quan điểm”, hay nói đúng hơn là xem những thuộc tính của phụ nữ là những “ưu điểm” để bạn phải là người bắt đầu tạo hạnh phúc gia đình?

"Kế sách" để vợ thôi "leo lên đầu"

Tôi mạn phép bày cho bạn Tuấn Dũng trong tâm sự mấy cách sau:

1. Cần tỏ thái độ cương quyết hơn với những đòi hỏi vô lý của vợ. Đặc biệt là đối với những hờn dỗi vô cớ, cần "tảng lờ" nhưng vẫn ngầm theo dõi thái độ để "xử lý".

2. Đưa vợ đến chơi nhà một số bạn bè có "vợ ngoan" để cô ta chứng kiến, lấy đó mà soi vào mình. Nhờ bạn bè của vợ khuyên bảo để cô ta bỏ dần những "nết xấu". Tất nhiên phải kín đáo, đừng lộ ra là mình "chủ mưu".

3. Thỉnh thoảng phải cho "cả nhà nhịn đói" để xem khi "đói", "đầu gối" cô ta có "phải bò" không.

4. Giới hạn sự giúp đỡ vợ trong những việc quan trọng, không phải bạ những việc lặt vặt gì cũng giúp. Đi đôi với việc đó là cần "tán tỉnh" cô ta cùng làm với mình "cho vui". Đừng cặm cụi làm một mình để cô ta quen nghĩ mình là nô bộc. Cần động viên, khích lệ, "nịnh nọt" cô ta chút đỉnh mỗi khi cô ta tự mình làm được một việc gì đó cho gia đình.

5. Cần chia sẻ với gia đình nhạc gia, nhất là "bà nhạc" để bà ấy góp thêm vào việc dạy vợ. Nếu thuyết phục được các cụ thì có tác dụng rất lớn. Bên cạnh đó, thỉnh thoảng đưa vợ về thăm quê, ở quê với mẹ chồng vài chuyến để mẹ chồng dạy bảo thêm về cách làm vợ, làm dâu.

6. Hai vợ chồng nên sớm có con. Việc phải chăm sóc trẻ sơ sinh thì không ai thay thế được các bà mẹ. Từ chỗ làm vợ được "lên chức" làm mẹ, vợ của bạn sẽ có thái độ trách nhiệm hơn, trước hết là với con, sau đó là với chồng.

Để yêu thương, chiều chuộng là tự nguyện

Vợ chồng phải cùng thông cảm - thấu hiểu - chia sẻ lẫn nhau cả trong công việc và tài chính. Chẳng lẽ vợ chồng suốt ngày gặp nhau thì cứ "gay gắt" - "không bên nào chiều bên nào"? Vậy thì làm gì còn có cảnh "cơm lành - canh ngọt", "gia đình hạnh phúc"? Nếu thế thì hôn nhân khác nào địa ngục trần gian?

Vợ chồng tôi không khá giả gì nhưng được cái chồng rất thương vợ con, lúc nào anh cũng làm theo yêu cầu của tôi (dĩ nhiên là những yêu cầu của tôi rất phù hợp, không vượt quá giới hạn). Còn tôi luôn nói năng nhẹ nhàng, thể hiện sự quan tâm - chăm sóc - thương yêu. Thử hỏi làm sao chồng tôi không chiều tôi cho được?

NGUYỄN KIM HẢI NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên