Gia đình hạnh phúc của anh Nguyễn Quang Trung và chị Trương Thụy Hoàn Mỹ - Ảnh: HÀ THANH
"Hay là ai đó nhắn tin trêu mình?" - anh Nguyễn Quang Trung (39 tuổi, ngụ ở Hà Nội) nhớ lại cảm xúc đọc dòng tin nhắn lúc nửa đêm. Tối đó, họ hẹn nhau sáng mai cùng mở webcam nói chuyện, xem "người thật việc thật" để tạo niềm tin cho đối phương trên môi trường mạng.
Xin cưới liền vì sợ... mất
"Lúc đó mình đang tìm trải nghiệm về vật lý trị liệu với các bạn khuyết tật vận động, lang thang trên mạng thì tình cờ quen nhau" - chị Trương Thụy Hoàn Mỹ (31 tuổi, quê Cần Thơ) mỉm cười hạnh phúc, nhìn về phía anh.
Điều gì ở anh cuốn hút chị? Người vợ bẽn lẽn: "Anh thật thà, nhìn... mặt tiền cũng thấy được"! Ấn tượng ban đầu ấy đã kéo hai người ở cách xa gần 2.000 km xích lại gần nhau, dần thấu hiểu và cảm thông với nhau.
Năm 2005, vụ tai nạn giao thông khiến anh Trung bị chấn thương cột sống, liệt tứ chi không đi lại được, không tự chủ được cả chuyện vệ sinh cá nhân. Nhưng với chị Mỹ, điều đó không quan trọng, không phải bạn đời có đi lại được hay không hay sẽ cho chị được điều gì, quan trọng là cả hai phải chia sẻ được với nhau những điều trong cuộc sống, tìm được người đồng điệu tâm hồn.
Hai năm đằng đẵng, rất nhiều biến cố ập đến, những tưởng thuyền tình không thể cập bến. Anh Trung nhớ lại lúc mới yêu, anh bị bệnh nặng, đến bệnh viện xét nghiệm cho kết quả suy thận. Suốt một tháng nằm viện, đêm nào anh cũng trằn trọc suy nghĩ. Nhưng càng thương nhớ người yêu, tình thương lớn dần, anh càng mong người yêu sẽ luôn tìm thấy được hạnh phúc.
"Mình đã không đi lại được, lại thêm suy thận nữa thì làm khổ người khác làm gì!" - anh suy nghĩ dằn vặt bản thân. Buổi sáng cầm kết quả xét nghiệm trên tay, anh nhắn cho chị dòng tin: "Thôi mình chia tay đi, đừng yêu nhau nữa".
Giây phút nhận dòng tin nhắn, chị Mỹ lo lắng rất nhiều, không biết chuyện gì đang xảy ra với anh. Gọi điện cho bố mẹ anh mới biết tin anh bệnh. Cũng may trời thương, kết quả chẩn đoán anh chỉ suy thận cấp chứ không phải suy thận mãn. Giờ bên người bạn đời, hai mắt anh Trung lại đỏ hoe chực trào khi nhớ lại chuyện đó, bà xã ngồi cạnh động viên: "Chuyện đã qua rồi".
Yêu xa, hai người ở hai đầu Tổ quốc chủ yếu gọi điện, nhắn tin, liệu có đủ xây đắp một tình yêu? Chị kể trước khi cưới đã lặn lội ra thủ đô thăm người yêu ba lần. Lần 1 ra chơi với người yêu, lần 2 chị ở lại ăn tết cùng gia đình người yêu, đến lần 3 cả hai quyết định chụp ảnh cưới. "Sợ... mất em, tốt nghiệp xong là mình xin gia đình cưới em luôn" - anh Trung cười.
Niềm vui trọn vẹn
Lúc yêu nhau còn "màu hồng", cưới rồi vợ chồng không tránh khỏi nhiều lúc xô bát xô đũa. Mỗi lúc như vậy, vợ chồng ngồi lại với nhau, nhắc nhau cần nhường nhịn, khi một trong hai nóng lên, bên kia phải xuống nước mới giữ được lửa hạnh phúc.
Thương vợ vất vả, hy sinh, xa nhà xa người thân, anh Trung quả quyết dù thế nào cũng luôn nhường nhịn vợ. "Vợ chồng nếu có vấn đề phải tâm sự, chia sẻ, giải quyết ngay lúc đó cùng nhau chứ không để tích tụ dần sẽ thành chuyện. Khúc mắc mà cộng dồn sẽ khó giải quyết được nữa" - anh giãi bày.
Hơn 10 năm kết hôn, đôi lúc chị Mỹ không hiểu điều gì đã giúp chị đi xa được đến thế. Những lần gặp biến cố, đôi lúc nản chí, chị nhớ lại lời mẹ dặn "Đã chọn thì bước tiếp" làm động lực, làm sức mạnh để bước đi. "May mắn đứa con trai ra đời làm dung hòa mọi chuyện. Con ra đời, không giấu hết mừng vui, niềm vui trọn vẹn" - chị tâm sự.
Nhưng cháu nội vừa đầy tháng, lại phát hiện ông nội bị ung thư, nỗi đau lại ùa về. Thời gian đó, chị cùng mẹ chồng - hai người phụ nữ chắc là khỏe mạnh còn lại trong nhà - hợp lực lại, cáng đáng tất cả, đưa gia đình vượt qua thử thách.
Con trai lớn dần, chị cho con đi học và tìm công việc mới. Lúc trước, chị làm cho một công ty Hàn Quốc nhưng công việc lại gò bó thời gian nên chị đến xin làm tại Hợp tác xã Vụn Art dành cho người khuyết tật, nơi mọi người cùng hoàn cảnh nên thấu hiểu và sẵn sàng chia sẻ với nhau.
"Số của vợ chồng tôi cũng may mắn, không giàu nhưng đủ chi tiêu, đủ lo cho cuộc sống của gia đình. Gia đình chồng cũng thương yêu con cái. Hàng xóm, đồng nghiệp cũng luôn thương yêu. Mỗi yếu tố góp vào một ít mới giữ được hạnh phúc, nắm tay nhau cùng đi đến hôm nay" - người vợ hạnh phúc bày tỏ.
Còn người chồng không giấu được xúc động nói để có cuộc sống như hôm nay, công sức lớn nhất là nhờ bà xã đã vực anh dậy, để anh có mục tiêu sống khỏe mạnh, vun đắp gia đình nhỏ hạnh phúc, nuôi dạy con cái thành tài. "Hiện tại vợ chồng chỉ mong ước có sức khỏe, con cái học hành giỏi, chăm ngoan, điều đơn giản của một gia đình nhỏ mà hạnh phúc to" - hai vợ chồng mong ước.
Dạy con ứng xử với người khuyết tật
"Nào, Kiên giúp bố nhé. 2, 3 lên, giỏi lắm, cảm ơn con". Trong căn phòng nhỏ, Nguyễn Trung Kiên (9 tuổi) giúp bố Trung từ giường xuống chiếc xe lăn và đẩy chiếc xe ra phòng khách. Giờ không chỉ có bà nội, có mẹ mà còn cả Kiên biết giúp bố Trung di chuyển xe lăn, hỗ trợ vệ sinh cá nhân.
Ngày con chào đời, vợ chồng nói với nhau phải dạy con từ nhỏ biết bố mình đặc biệt ra sao, cho con biết khuyết tật là gì, cách đối xử với người khuyết tật ra sao, dạy cho con cách ứng xử với người xung quanh khi họ xì xào bàn tán về bố để con không cảm thấy thua kém bạn bè.
Anh kể có lần anh đi xe lăn đến trường đón con, đến nơi mấy đứa trẻ tò mò xúm lại hỏi han, chuyện trò. Lúc về, anh hỏi con trai: "Bố đi xe lăn con có ngại không?", cậu bé hồn nhiên nói: "Bố nổi tiếng như vậy, được nhiều 'fan' vây quanh". Anh hiểu ra rằng con trai mình đã chững chạc, hiểu chuyện hơn rất nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận