Phóng to |
Thế đấy, trong cơ quan nội bộ đoàn kết như một. Còn lúc cơ quan bị thanh tra ông lại nói: “Mình không hà, tụi tui rút cả ruột gan cho các đồng chí xem, đâu có giấu giếm gì!” Nhờ câu nói ấy mà cơ quan được an toàn. Lúc về hưu, do quen miệng nên ông cũng hay thường dùng câu nói này. Lần nọ, ông bị bệnh nặng người nhà đưa ông vào bệnh viện. Vẫn câu nói cũ, ông nói với bác sĩ ca trực: “Mình không hà, bệnh tui âm ỉ mấy năm trời nhờ bác sĩ giúp giùm!” Nghe xong câu nói ấy, bác sĩ lắc tay ra hiệu “bó tay chấm cơm”, bảo người nhà đưa ông về lo hậu sự!
Đời chỉ thế mà thôi
Đêm đã khuya, nhưng ông bà viên ngoại vẫn không ngủ được. Ông đi đi lại lại, ngồi uống nước, suy nghĩ, rồi lại đi. Bà lên tiếng:
- Ông cứ đi lại hoài làm tôi nhức cả óc.
Ông nói:
- Nghĩ mà giận, cơ ngơi này tôi đã bỏ ra hàng chục tỉ chứ ít gì, thế mà… không biết con mình tìm đâu ra đám thợ non tay nghề; nhà mới làm, mới ở mà trần đã bong, tường nứt, nền thì sụt lún.
Bà viên ngoại:
- Ông đừng trách thợ mà phải tội, hãy trách các con ông.
Ông viên ngoại ngạc nhiên:
- Chúng thì làm sao? Chúng nó vẫn ngoan hiền đấy thôi. Tôi bảo gì chúng cũng vâng vâng dạ dạ, không bao giờ dám cãi lời.
- Trước mặt ông là thế - bà viên ngoại thở dài.
- Xe con tôi đã mua cho chúng nó, tiền hàng tháng bà cũng chu cấp cho chúng nó tiêu xài…
- Đúng, đầy đủ cả.
Ông tỏ vẻ tự hào:
- Chúng là con viên ngoại mà, còn thiếu gì nào?
Đến lúc này, quan bà không chịu nổi thái độ của ông, liền bảo:
- Ông không theo dõi nên không biết. Này nhé, ông giao thằng lớn làm con đường từ cổng làng về nhà mình, đến nay không còn ổ gà ổ voi…
- Thì tốt chứ sao - quan ông cướp lời.
- … mà toàn là ổ khủng long.
Mắt ông viên ngoại mở to. Bà tiếp tục:
- Thằng hai chịu trách nhiệm công trình này, nó cắt xén vật liệu, mua một báo mười, hỏi thợ nào làm nổi, cơ ngơi này không sập đổ mới là chuyện lạ.
Ông viên ngoại:
- Đồ vô trách nhiệm, cả hai thằng vô trách nhiệm.
Bà viên ngoại tiếp:
- Thằng út thì…
- Ừ… tôi hy vọng ở thằng út - Ông viên ngoại vớt vát - Nó lễ phép, hiền lành nhất nhà. Tôi đã giao sổ sách, giấy tờ cho nó, tay hòm chìa khóa rồi cũng giao cho nó, nó sẽ là người củng cố, xây dựng cơ ngơi này thịnh vượng, không giống như hai thằng anh trời đánh của nó, chỉ biết “bẻ cò”.
Bà viên ngoại thở đánh thượt một cái rõ dài, cao giọng:
- Niềm tin của ông đặt nhầm chỗ rồi! Chính nó, chính thằng út đã lập chứng từ khống, hóa đơn khống, làm sổ sách khống, vật liệu thì mua một báo mười, nó qua mặt ông, nó thông đồng với hai thằng anh nó quét sạch két sắt nhà này rồi.
Đến đây, ông viên ngoại thật sự nổi giận:
- Cắt hết. Tôi ra lệnh ngày mai bà cắt ngay khoản phụ cấp hàng tháng của chúng nó, cấm không được đi ô-tô, cho đi bộ.
- Nhưng… – bà viên ngoại chưng hửng.
Ông quát:
- Không nhưng nhị gì hết, quản không được chúng thì cắt hết. Cấm tiệt.
Con thạch sùng già đang thiu thiu ngủ bỗng chặc lưỡi kêu lên mấy tiếng nhìn ông viên ngoại ôm đầu rầu rĩ:
- Đời chỉ thế mà thôi!
Một ý nghĩ… táo bạo
Ông là cán bộ văn hóa phụ trách mảng văn minh đô thị vừa về hưu. Chả biết ở Tây, Tàu, Trung cận Đông… thế nào, chứ ở xứ mình, làm văn hóa có tiếng là nghèo… mạt rệp!
Loay hoay mãi, chẳng biết làm gì thêm để nuôi con ăn học dù ông đã hỏi ý kiến bạn bè nối khố toàn tiến sĩ cả. Cuối cùng, ông quyết định kinh doanh… vệ sinh công cộng. Nghe tên dự án, vợ con ông phản đối kịch liệt vì đó là nghề… không có trong danh bạ!
Nhưng nói là làm. Căn nhà được nhà nước cấp thời bao cấp - dù có tới 4 cái “xuyệt” nhưng ở trung tâm thành phố - bị ông thiết kế thành nhà vệ sinh công cộng, chỉ chừa lại diện tích vừa đủ cho gia đình sinh hoạt.
Công trình làm xong, chỉ để một bảng to tướng… quảng cáo kiêm hướng dẫn “Nhà vệ sinh công cộng” với bốn, năm thứ tiếng nước ngoài.
Thật ngạc nhiên, người đầu tiên đến khai trương không phải người Việt mà là một anh thanh niên người Ca-na-đa với cô bạn gái có làn da Thổ Nhĩ Kỳ. Như vết dầu loang, một người rồi ba người, chín người… Theo cấp số nhân, khách đến công trình của ông không ngừng tăng vọt theo thời gian, doanh thu thì khỏi phải nói.
Xin nói thêm, ngoài dịch vụ vệ sinh, ông còn bán thêm những tờ bướm mà người Tây gọi là bờ-rờ-xuya (brochure) về những điểm du lịch của thành phố cũng như cả nước, đặc biệt có phần chỉ dẫn những toa-lét công cộng tại mỗi điểm tham quan, để khách không bối rối mỗi khi… Tuy phụ nhưng thu nhập khoản này cũng đủ tiền chợ.
Khi việc “làm ăn” của ông đã ổn định, một hôm có chút men rượu cay, ông nói vu vơ với vợ: “Bà thấy chưa, tôi mà đã định hướng thì chẳng gì sai hết. Bây giờ bà chỉ ngồi một góc mà thâu tiền thôi nhé! Mai mốt, đừng bao giờ cãi lại”. Nghe xong, vợ ông cười còn hơn nụ cười thu hoạch.
Nghe đâu, ông đang tìm kiếm những điểm độc, nơi đông đúc người qua lại tại trung tâm thành phố - dĩ nhiên nơi đó chưa từng có nhà vệ sinh công cộng - để mở thêm dịch vụ này. Một dịch vụ tuy tên không được mỹ miều nhưng doanh thu thì khỏi chê vào đâu được.
Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận