18/03/2019 08:31 GMT+7

Minh bạch trong khảo sát xã hội học

HÀ MY - HỒNG VÂN ghi
HÀ MY - HỒNG VÂN ghi

TTO - Nhiều người phản ứng khi báo chí thông tin gần 63% người dân (trên 35.000 phiếu phát ra) tại TP.HCM được khảo sát đồng tình hạn chế xe cá nhân trước năm 2030. Một số người nước ngoài am hiểu về khảo sát xã hội học chia sẻ ý kiến về việc này.

Minh bạch trong khảo sát xã hội học - Ảnh 1.

Cuộc khảo sát xã hội học về hạn chế xe cá nhân ở TP.HCM diễn ra trong tình hình TP có nhiều điểm nóng kẹt xe. Trong ảnh: xe buýt kẹt cứng trong vòng vây xe máy trên đường Quang Trung, Q.Gò Vấp - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Ông JOHN BAYARONG (giảng viên, người Philippines):

Dân nước tôi khá cởi mở với khảo sát

john bayarong

Phản ứng của người dân dù đồng tình hay không đồng tình với kết quả của những cuộc là chuyện bình thường, vì vốn "9 người đã 10 ý".

Tuy nhiên, lý do vì sao chúng ta thường thấy có nhiều sự phản đối với kết quả khảo sát hơn đồng tình có lẽ do nhóm người phản đối luôn ồn ào và thường xuyên lên tiếng hơn.

Thực tế việc người dân phản đối kết quả khảo sát cũng là hết sức bình thường, nhất là khi vấn đề được khảo sát có ảnh hưởng đến quyền lợi và đời sống cá nhân của họ như khảo sát về việc cấm vào trung tâm TP.HCM.

Là giảng viên, tôi cũng thường xuyên phải phát những bảng khảo sát để sinh viên đánh giá cuối mỗi khóa học.

Dù tôi có nỗ lực hết sức thì vẫn sẽ có nhiều sinh viên không vui, đặc biệt là khi tôi nghiêm túc tuân thủ quy định của nhà trường hoặc chấm điểm thấp xuyên suốt khóa học khi chất lượng bài vở sinh viên nộp lại không đạt yêu cầu.

Kết quả khảo sát để tôi tham khảo và điều chỉnh hành động của mình. Tuy nhiên, qua khảo sát tôi hiểu việc được sinh viên đánh giá cao không có nghĩa tôi là giảng viên tốt và ngược lại.

Đồng thời cần nhớ rằng kết quả của một cuộc khảo sát thể hiện ý kiến của người trả lời ngay tại thời điểm đó và ý kiến này có thể thay đổi trong tương lai.

Ở Philippines, việc khảo sát khá phổ biến với nhiều công ty khảo sát lớn. Chính vì vậy mà dân nước tôi đã quá quen với việc thấy kết quả khảo sát trên báo chí, hay các kênh truyền thông khác.

Nhìn chung, phần lớn người Philippines đều tin tưởng kết quả khảo sát được công bố, đặc biệt là những cuộc khảo sát liên quan đến vấn đề bầu cử chính trị.

Cũng chính vì tin tưởng kết quả được công bố mà người Philippines khá cởi mở trong việc tham gia các cuộc khảo sát tương tự, bởi lẽ họ đều có nguyện vọng được nêu ý kiến của mình.

Ở nước chúng tôi, các chính sách công đều được phát triển và chịu ảnh hưởng lớn bởi ý kiến chung của cộng đồng, nên việc nêu ý kiến đối với chúng tôi vô cùng quan trọng.

Kết quả cuộc khảo sát nên được thông tin rộng rãi nhất có thể. Như ở nước chúng tôi, những kết quả này thường được đăng tải trên trang web của các cơ quan ban ngành, đồng thời in ra dán tại các cơ quan chức năng nơi nhiều người dân phải lui tới và đưa cho các kênh truyền thông.

Đồng thời, cơ quan, ban ngành thực hiện những cuộc khảo sát cần trả lời mọi thắc mắc từ phía người dân về kết quả khảo sát nhằm tăng độ tin cậy.

Chúng ta có thể tiến hành hai hoặc ba khảo sát độc lập với nhau và so sánh kết quả. Nếu cả ba kết quả đều giống nhau và cho phép đi đến một kết luận chung sẽ giúp chúng ta tiến hành các phân tích tổng thể có giá trị.

Ông STEVE URBANSKI

Ông STEVE URBANSKI (giảng viên, người Mỹ):

Cần cung cấp thông tin đầy đủ

steve urbanski

Nghiên cứu xã hội thông qua khảo sát là một việc rất bình thường và phổ biến, tương tự như nghiên cứu thị trường của các công ty.

Khi đọc một kết quả khảo sát, nếu chỉ thấy những con số kết quả, tôi cho rằng đây là thông tin không đầy đủ. Đơn vị khảo sát cần cung cấp luôn thông tin chi tiết và rõ ràng về phương pháp khảo sát.

Ngoài ra, còn phải nhắc đến biên sai số. Những yếu tố này là quan trọng, phải thể hiện trong thông tin về kết quả khảo sát để tăng mức độ minh bạch của nghiên cứu.

Thực tế cho thấy đa số mẫu khảo sát đều khá nhỏ, nhưng cần phải cực kỳ khoa học để đảm bảo kết quả chính xác.

Tôi muốn nói về những cuộc thăm dò dư luận được tiến hành trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tất cả dường như chỉ ra rằng ứng cử viên Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng.

Tại nhiều bang quan trọng như Wisconsin, Michigan, Minnesota, Ohio và thậm chí cả Pennsylvania, cạnh tranh giữa hai ứng viên rất sát sao nhưng các cuộc khảo sát vẫn chỉ ra rằng bà Clinton sẽ giành chiến thắng.

Có điều dự đoán đó đã không xảy ra, dù các cuộc thăm dò vẫn nằm trong biên sai số cho phép.

Tôi không chắc chắn liệu có một cuộc khảo sát nào có thể mang lại kết quả được chấp nhận rộng rãi bởi mọi thành phần dân số hay không.

Trên thực tế, tất cả đơn giản chỉ là: nếu đồng ý với kết quả của một cuộc khảo sát, nhiều khả năng bạn sẽ cho rằng kết quả đó là đáng tin cậy hay hợp lệ. Còn nếu kết quả ngược với những gì bạn tin tưởng, bạn sẽ coi đó là không đáng tin!

Điều duy nhất tôi có thể góp ý là hãy minh bạch nhất có thể trong cách thực hiện khảo sát, và đảm bảo với công chúng bằng cách giải thích với họ rằng không đồng ý với một khảo sát dựa trên cơ sở khoa học thuần túy cũng không thể phủ nhận được sự thật rằng kết quả đó có giá trị.

Ông John Lim (người Singapore):

Nước tôi cũng tranh cãi về kết quả khảo sát

Ở nước tôi, chính phủ cũng thực hiện các khảo sát về giao thông công cộng, môi trường sống, công việc và các vấn đề về lao động khác.

Tôi có thể nói rằng khoảng 70% người dân Singapore chấp nhận các kết quả khảo sát và cũng luôn có những người chống lại các kết quả đó (đặc biệt trên mạng xã hội).

Một ví dụ cho việc đó là gần đây chính phủ chúng tôi tuyên bố phần lớn hành khách đồng ý rằng hệ thống tàu của chúng tôi đã được cải thiện sau nhiều sự cố trong các năm qua. Điều này đã được nhiều người tranh cãi sôi nổi trên mạng xã hội.

Để có được một bảng khảo sát tốt thì nên khảo sát người dân trên diện rộng, mọi tầng lớp địa vị xã hội. Để kết quả khảo sát không gây hiểu lầm, đơn vị thực hiện khảo sát nên minh bạch hết sức có thể.

Họ nên công bố các câu hỏi khảo sát, quy mô khảo sát, địa vị kinh tế của các nhóm người được khảo sát, các bảng thống kê thể hiện kết quả của câu hỏi khảo sát...

Nếu không minh bạch, sẽ rất khó để thuyết phục người ta tin vào khảo sát. Thậm chí kể cả khi đã minh bạch rồi vẫn sẽ luôn có người nghi ngờ tính chính xác của khảo sát.

Tuy vậy, minh bạch và trung thực trong phương pháp và thông tin kết quả khảo sát vẫn luôn là một điều tốt.

NGỌC ĐÔNG ghi

63% người dân TP.HCM ủng hộ hạn chế xe cá nhân là những ai?

TTO - Thông tin 63% người dân đồng tình trước năm 2030 được công bố mới đây khiến nhiều người thắc mắc việc này được thực hiện như thế nào, đối tượng nào được khảo sát...

HÀ MY - HỒNG VÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên