12/04/2012 21:38 GMT+7

Minh bạch hóa tiền công đức?

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TTO - Quản lý tiền công đức thế nào tại 30.000 cơ sở thờ tự tôn giáo và hàng trăm ngàn cơ sở tín ngưỡng - vấn đề đặt ra tại hội thảo “Tăng cường thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng” ngày 12-4.

Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội này đi thẳng vào vấn đề chính: quản lý tiền công đức.

mseFiZFj.jpgPhóng to
Cúng dường vào thùng công đức ở một ngôi chùa ở TP.HCM dịp tết - Ảnh: N.C.T.

Ông Bùi Hữu Dược (vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ) bày tỏ: nếu vấn đề này đặt ra 5-7 năm trước thì đã giảm bớt rất nhiều chi phí cho xã hội.

Không ai phủ nhận những mặt tích cực của hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, nhưng những năm gần đây nó cũng bộc lộ nhiều hạn chế.

“Chính Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã kêu mỗi năm chi không biết bao nhiêu tỉ cho việc sản xuất tiền lẻ. Tiền lẻ chỉ sử dụng để đưa tiền giọt dầu trong khi đó in tiền lẻ tốn hơn tiền chẵn, chưa nói đến việc rải tiền ra khắp nơi gây phản văn hóa. Hơn nữa, năm nay rải tiền mới, nhưng năm sau tiền cũ rồi họ không dùng nữa, giao cho kho bạc địa phương họ cũng không muốn nhận”, ông Dược nói.

Theo PGS.TS Lương Hồng Quang (Viện Văn hóa nghệ thuật VN): “Ai cũng biết nguồn tiền vào rất lớn, nhưng thu chi thế nào thì đến cả người nghiên cứu cũng gặp khó trong việc thu thập số liệu”. Đặc biệt, việc sử dụng nguồn tiền đó đang trở thành vấn đề nóng trong dư luận.

Thậm chí, một đại biểu của tỉnh Ninh Bình gay gắt: “Đây không chỉ là vấn đề tiền, về quản lý mà còn là về lòng dân. Nếu 10 năm trước có người tu hành đi xe Dream thì giờ đi xe Hummer, xe xịn nhiều chấm. Người dân nhìn vào sẽ thế nào?”.

Không phải “kẹp chặt”

Tại hội thảo, Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ VH-TT&DL) cũng giới thiệu dự thảo thông tư liên tịch và quy chế về thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo đó, quy chế này hướng đến việc minh bạch hóa thu chi, thống nhất quản lý tại các điểm có tiền công đức. Nội dung minh bạch hóa theo quy định của thông tư bao gồm: tổng số tiền công đức, cúng tiến, tài trợ, danh sách các hiện vật nhận được, sử dụng và chưa sử dụng…thông qua mô hình ban quản lý.

Tuy nhiên, nhiều kiến nghị cho rằng thông tư chỉ nên giữ vai trò hướng dẫn chứ không thể áp đặt lên tất cả các chủ thể.

Ông Nguyễn Khắc Huy (Ban Tôn giáo Chính phủ) góp ý dự thảo: "Vô hình chung chúng ta gói hết các cơ sở này vào để quản lý. Nếu nội dung đề cập quá nhấn mạnh đến yếu tố quản lý hòm công đức sẽ dẫn đến phản ứng tiêu cực từ phía người quản lý và họ sẽ tìm đối sách đề lách các quy định đó”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Vĩnh Ái (thứ trưởng Bộ VH-TT&DL) cho rằng: “Tiền trong hòm công đức không được bao nhiêu đâu, tiền cúng dường mới nhiều, có người cúng đến hàng tỉ đồng. Cũng có nhiều ý kiến trao đổi không nên đụng đến bởi vì sẽ xảy ra xung đột lợi ích. Vấn đề ở đây là làm sao hướng dẫn để các cơ sở tín ngưỡng thờ tự tiến tới việc minh bạch hóa số tiền đó”.

Với tư cách là đơn vị thực hiện đề tài nghiên cứu tiền công đức, PGS.TS Lương Hồng Quang cho rằng đề tài này đang gặp khó trên mọi phương diện. Một trong những điểm khó, theo ông Quang, là một số người đứng đầu cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cho rằng Nhà nước đang muốn “kẹp chặt”.

Tuy nhiên, PGS.TS Lương Hồng Quang cũng khẳng định: Nếu không quản lý tốt đến một lúc nào đó chúng ta sẽ có lỗi đối với xã hội. Điều cần phải nói rõ với các chủ thể là nếu có một khung pháp lý chung thì các bên đều có lợi.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên