Minh bạch hóa thông tin đất đai: Yêu cầu bắt buộc

XUÂN LONG 13/04/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Ông Mai Văn Phấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - môi trường), khẳng định việc số hóa và công khai cơ sở dữ liệu đất đai kịp thời sẽ giúp thông tin về đất đai được minh bạch, nhưng trên thực tế, dù xem đất đai là nguồn lực, việc đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn rất hạn chế.

Theo lời ông Phấn, đến cuối năm 2020, cả nước đã có 100% đơn vị cấp huyện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai, nhưng mức độ ứng dụng khác nhau. 

Hết năm 2020, mới có 192/707 (27%) đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 49 tỉnh/thành phố hoàn thành đầy đủ cơ sở dữ liệu đất đai, vận hành, quản lý khai thác, sử dụng đồng bộ.

Ông Mai Văn Phấn. -Ảnh: Xuân Long

 Trong các đơn vị hành chính cấp tỉnh, mới có 6 tỉnh thành cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đưa vào vận hành, khai thác theo mô hình tập trung cấp tỉnh gồm Vĩnh Long, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Định, Bến Tre.

Ngoài 192 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành đầy đủ cơ sở dữ liệu dạng số hóa theo đúng chuẩn của thông tư 75 của Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT), những nơi chưa chuẩn hóa số liệu, dữ liệu đất đai được quản lý ra sao, thưa ông?

- Những nơi đó, dữ liệu đang tồn tại song song cả dạng giấy và số. Về dữ liệu số, trước nay nhiều nơi cũng đã xây dựng, nhưng chưa theo chuẩn cấu trúc và dữ liệu quy định, giờ phải tiếp tục chuẩn hóa, còn dữ liệu giấy thì phải số hóa trước.

Với tiến độ hiện nay, cơ sở dữ liệu đáp ứng đến mức nào thì người dân có thể tự tra cứu qua mạng để biết rõ thông tin, cơ sở pháp lý của thửa đất họ muốn tìm hiểu?

- Đây là hai việc khác nhau, vì hiện các đơn vị hành chính cấp huyện đều đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính. Còn việc đưa cơ sở dữ liệu đất đai lên mạng, công khai trên cổng thông tin điện tử của địa phương thì cần công cụ, cái đó do địa phương chủ động. Thực tế chúng tôi vẫn yêu cầu công khai thông tin dữ liệu, nếu đã số hóa rồi thì công khai ở dạng số hóa, kể cả dữ liệu ở dạng PDF cũng công khai.

Như ở 192 đơn vị hành chính cấp huyện nói trên, khi công khai trên cổng thông tin điện tử địa phương, người dân có thể truy cập được hết. Thực tế cả 63 tỉnh thành hiện đều có cổng thông tin điện tử, vì thế tùy mức độ đáp ứng của cơ sở dữ liệu đã xây dựng mà đưa lên, nhưng việc tra cứu thì khó hơn.

Đương nhiên, khi đã hoàn thành cơ sở dữ liệu đầy đủ, người dân có thể tra cứu, biết được hình hài, diện tích, đã được cấp sổ đỏ hay chưa, thông tin pháp lý của thửa đất cụ thể. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng có thể tra cứu để biết thông tin phục vụ việc xây dựng kế hoạch phát triển, tiết kiệm được thời gian, chi phí.

Thực tế ở những nơi chưa hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu theo chuẩn, vướng mắc ở đâu? Và lộ trình đến khi nào hoàn thành, thưa ông?

- Hiện nay gần như các địa phương đã có đầy đủ công cụ để công khai cơ sở dữ liệu đất đai, vấn đề chính là chất lượng dữ liệu. Với những nơi đã xây dựng cơ sở dữ liệu nhưng chất lượng chưa đạt, rất cần được bố trí kinh phí từ ngân sách để nâng cấp chất lượng dữ liệu, công khai dữ liệu số hóa, nhưng việc này không phải ngày một ngày hai mà làm được. Chính vì vậy, Bộ TN-MT đã chỉ đạo tháo gỡ theo hướng cơ sở dữ liệu có đến đâu thì công khai đến đó, không chờ dữ liệu phải đáp ứng đủ quy chuẩn mới đưa lên, sau đó cập nhật tiếp để đảm bảo lúc nào cũng có dữ liệu hiện thời.

Còn về mục tiêu, đến năm 2025 đảm bảo chất lượng cung cấp dữ liệu theo chuẩn quy định, nhưng đi kèm mục tiêu này cũng là khó khăn về nguồn lực đầu tư. Về kỹ thuật thì không khó vì đã có mô hình hệ thống, cấu trúc dữ liệu, nhưng cái khó nhất hiện nay là nguồn vốn để triển khai.

Ví như khi xây dựng dữ liệu dân cư, có đủ nguồn vốn thì làm tổng điều tra, tổng thể, thời gian hoàn thành sẽ ngắn. Còn việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, do không có nguồn vốn lớn cùng lúc nên không thể triển khai tổng thể, vì vậy phải làm theo hướng phân kỳ, có vốn đến đâu làm đến đó.

Bộ TN-MT đã nhiều lần đề nghị các địa phương ưu tiên trong phân bổ vốn, đầu tư hằng năm để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu. Thực tế, dù coi đất đai là nguồn lực, nhưng việc tái đầu tư để xây dựng cơ sở dữ liệu còn bị xem nhẹ, ít được phân bổ vốn.

 
 Ảnh: NYTimes

Bộ TN-MT cũng đã chỉ đạo số hóa giao dịch nhà đất để hạn chế nhiễu loạn thông tin về giao dịch bất động sản, việc này đang được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Chuyển đổi số và số hóa dữ liệu giao dịch chuyển nhượng nhà đất là rất cần thiết, việc này đã được Bộ TN-MT chỉ đạo, các địa phương đang tiếp tục triển khai. Đây cũng là một trong những giải pháp khi không có kinh phí lớn để xây dựng dữ liệu tổng thể. Tất cả những giao dịch độc lập, khi các cơ quan thực hiện đều làm trên môi trường số, chuẩn hóa theo dữ liệu bộ ban hành luôn, đáp ứng yêu cầu công khai dạng số.

Tất nhiên, khi công khai sẽ có rất nhiều ưu điểm như quản lý dữ liệu hiện đại, người dân, doanh nghiệp cũng tiện lợi trong tra cứu; các cơ quan, các ngành có thể tra cứu để tham khảo trong xây dựng các chiến lược. ■

Ngày 28-5-2015, Bộ TN-MT đã ban hành thông tư 75 quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai, quy định rõ về nội dung, cấu trúc, kiểu thông tin; chất lượng dữ liệu; trình bày dữ liệu; trao đổi và phân phối các bộ phận thành phần của cơ sở dữ liệu đất đai, gồm dữ liệu địa chính, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai. Theo thông tư 75, cơ sở dữ liệu đất đai là tập hợp các dữ liệu đất đai được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận