Công nhân của một công ty da giày ở Bình Dương trong công đoạn sản xuất giày qua thị trường Mỹ - Ảnh: T.T.D.
Thủ tướng cũng cho biết VN đã chủ động hợp tác với các đối tác Mỹ và đạt nhiều kết quả rất tích cực, nhất là về thương mại, đầu tư...; hai bên cùng xử lý những tồn tại, vướng mắc, duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.
Thế nào là "thao túng tiền tệ"?
Theo thạc sĩ Trần Kim Long, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, trong giao dịch hàng hóa giữa hai quốc gia, tỉ giá có thể ảnh hưởng rất lớn đến cán cân thương mại song phương.
Chẳng hạn nếu đồng nội tệ được định giá thấp hơn so với đồng ngoại tệ, khi đó đối với người nước ngoài, giá sản phẩm nhập khẩu sẽ rẻ hơn so với các sản phẩm trong nước, kích thích người dân mua hàng nhập.
Còn thao túng tiền tệ để chỉ một quốc gia cố tình can thiệp vào tỉ giá hối đoái để mang lại lợi ích về mặt thương mại. Thao túng tiền tệ có thể khiến quốc gia nhập khẩu phải chịu thâm hụt thương mại ngày càng lớn và khiến họ sẽ có các biện pháp phòng vệ.
Tuy nhiên, xuất khẩu của VN tăng mạnh trong thời gian qua chủ yếu do dịch chuyển sản xuất hàng xuất khẩu từ các nước khác, chủ yếu là Trung Quốc, sang VN.
Chi phí lao động tăng, sau này là bị trừng phạt do chiến tranh thương mại, nhiều công ty nước ngoài đã dời nhà máy từ Trung Quốc sang.
Từ đó, hàng xuất khẩu của VN đã tăng từ 150 tỉ USD năm 2014 lên 264 tỉ USD năm 2019 và tăng trưởng 2%.
Tuy vậy, nhập khẩu của VN cũng tăng nhanh, từ 148 tỉ USD năm 2014 lên 253 tỉ USD năm 2019. Điều này phản ánh dù VN có thặng dư xuất khẩu với Mỹ nhưng đầu vào nhập khẩu rất nhiều từ châu Á.
"Bên cạnh đó, số liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai 4,9% GDP trong năm 2014 và giảm xuống 2,2% GDP vào năm 2019.
Như vậy số liệu từ thặng dư thương mại, cán cân vãng lai cho thấy không có dấu hiệu bất thường của việc thao túng tiền tệ", ông Long nhận định.
Về việc mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước, đưa dự trữ ngoại hối lên hơn 92 tỉ USD tính đến cuối quý 3-2020 là việc rất cần thiết. "Dự trữ ngoại hối giống như vùng đệm giúp trung hòa được tác động của biến động tỉ giá trong ngắn hạn và dài hạn.
Hiện tại dự trữ ngoại hối của VN chỉ bằng 3,87 tháng nhập khẩu, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Do đó, việc mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối chính là nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô", ông Long nhận định.
VN không thao túng tiền tệ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Trương Văn Phước, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng với khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết", ông Trump muốn thâm hụt thương mại của Mỹ phải thấp xuống, thậm chí phải tiến tới cân bằng.
Nước Mỹ không đi mua nhiều hàng của các nước trong khi hàng xuất khẩu ra thế giới ít hơn. Từ đó, ông Trump đặt ra vấn đề thao túng tiền tệ.
Để giảm nhanh thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước, Mỹ đặt ra tiêu chí là nước nào xuất siêu sang Mỹ trên 20 tỉ USD và cán cân vãng lai thặng dư 2% GDP thì coi như vi phạm. Đó là hai tiêu chí liên quan thuần túy đến thương mại và các giao dịch vãng lai của một nước.
Còn tiêu chí thứ ba liên quan đến tiền tệ mà Mỹ đặt ra là việc ngân hàng trung ương của một nước trong vòng ít nhất 6 trên 12 tháng có tổng lượng ngoại tệ mua ròng vào liên tục lớn hơn 2% GDP.
Có nghĩa Mỹ ám chỉ một quốc gia mua nhiều ngoại hối là đang làm suy yếu đồng nội tệ hay phá giá tiền tệ. Nếu quốc gia nào vi phạm cả 3 tiêu chí này thì sẽ bị Mỹ kết luận là nước đó thao túng tiền tệ.
Theo ông Phước, việc VN xuất siêu sang Mỹ, có thặng dư thương mại với Mỹ lớn có nhiều lý do nhưng chủ yếu là do cấu trúc của cán cân thương mại VN. Hàng VN xuất sang Mỹ là dệt may, da giày, thủy sản, kể cả điện thoại... đều xuất phát từ nhân công giá rẻ - lợi thế của VN.
Phần lớn nguyên liệu sản xuất đều nhập khẩu, trong đó có nhập từ Mỹ. Như đôi giày của Hãng Nike xuất sang Mỹ, từ đế đến dây, da giày đều nhập khẩu.
Tương tự, hàng may mặc VN chỉ đóng góp nhân công hoàn thiện sản phẩm nhưng khi xuất khẩu toàn bộ trị giá của sản phẩm tính cho VN. Tóm lại, xuất khẩu của VN chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ, không liên quan tỉ giá.
Về cán cân vãng lai - gồm cán cân thương mại và các khoản chuyển tiền từ nước ngoài về, nhất là kiều hối - theo ông Phước, năm nay VN xuất siêu hơn 20 tỉ USD, những năm trước chỉ 5 - 10 tỉ USD. Cán cân vãng lai của VN chủ yếu do nhận tiền kiều hối từ nước ngoài về.
Đây là tiền mà người VN ở nước ngoài chuyển về trợ cấp cho thân nhân trong nước và tiền do người lao động VN ở nước ngoài chuyển về. Phải khẳng định kiều hối chuyển về là yếu tố khách quan, không phải do tỉ giá cao hay thấp.
Do đó, tỉ giá không phải là yếu tố làm cán cân vãng lai thặng dư vượt quá tiêu chí Mỹ quy định mức 2% GDP.
Vì sao VN mua ngoại tệ?
Theo ông Phước, những năm trước, dự trữ ngoại tệ của VN chưa đạt 12 tuần nhập khẩu, từ đó IMF khuyến cáo VN cần phải mua dự trữ ngoại hối. Mấy năm nay chúng ta có mua nhưng lượng dự trữ ngoại hối cũng chỉ đạt hơn 12 tuần nhập khẩu.
Nguồn dự trữ ngoại hối của VN chủ yếu là từ kiều hối về, mỗi năm mười mấy tỉ USD. Bên cạnh đó, trên lãnh thổ VN phải sử dụng VND. Doanh nghiệp xuất khẩu có ngoại tệ khi cần vốn phải bán cho ngân hàng.
Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chuyển vốn vào đầu tư trực tiếp (FDI) hay mua chứng khoán cũng phải chuyển sang VND.
Tương tự, người nhận kiều hồi cũng phải bán ngoại tệ để lấy VND tiêu xài. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước phải mua, thực hiện chức năng chuyển đổi ngoại tệ ra VND để tạo phương tiện thanh toán tại VN.
Về việc Mỹ cho rằng VN mua ngoại tệ để can thiệp nhằm định ra giá trị đồng tiền dưới giá trị thật, ông Phước nói VN cần phải giải thích rõ hơn với Mỹ về mức ngang giá tiền tệ của tiền đồng so với USD.
Mức ngang giá tiền tệ phụ thuộc chủ yếu vào chênh lệch lạm phát giữa VN với các đối tác thương mại chính, nhất là với Mỹ. Những năm gần đây, lạm phát bình quân của VN là 4%, có năm là 5%, còn tỉ giá vẫn phổ biến giữ mức tăng 1 - 1,5%.
So với lạm phát, tỉ giá vẫn tăng thấp hơn. Về phương diện tiền tệ thuần túy không có khái niệm phá giá, đặt ra tỉ giá thấp hơn giá trị, thậm chí VND còn trên giá trị thực của nó. Đây là những yếu tố cho thấy VN không thao túng tiền tệ.
Năm 2020, VND lên giá 0,2% so với USD
Khối nghiên cứu kinh tế toàn cầu HSBC cho biết như trên trong báo cáo vừa công bố. Theo HSBC, nhìn chung cả năm 2020, diễn biến tỉ giá không giống như những năm trước, VND thậm chí tăng giá nhẹ khoảng 0,2% so với USD và thị trường ngoại hối gần như không có áp lực cuối năm. Ngày 19-12, giá bán USD tại Vietcombank là 23.220 đồng/USD, giảm khoảng 10 đồng so với đầu tháng 1-2020.
Cần làm gì để tháo mác “thao túng tiền tệ”?
Theo thạc sĩ Trần Kim Long, những việc VN cần làm là: thứ nhất, tiếp tục minh bạch hóa thông tin với phía Mỹ. Cần giải thích VN không sử dụng can thiệp vào tỉ giá để tạo ra lợi thế cạnh tranh về xuất khẩu và mục đích dự trữ ngoại hối để ổn định chính sách vĩ mô.
Sự hợp tác chặt chẽ với phía Mỹ có thể tạo điều kiện để giải quyết vấn đề thông qua đối thoại song phương.
Kiều hối đóng góp rất lớn vào nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam - Ảnh: Tự Trung
Thứ hai, giảm bớt thặng dư thương mại với Mỹ bằng các nhóm giải pháp: đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phòng chống gian lận xuất xứ để ngăn chặn nước thứ ba lợi dụng xuất xứ VN để né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Còn theo ông Trương Văn Phước, đừng quá bi quan khi Mỹ dán nhãn "thao túng tiền tệ". VN sẽ nỗ lực hết sức cung cấp các thông tin khách quan, chi tiết để thuyết phục họ.
Đương nhiên trong bối cảnh hiện nay, một số doanh nghiệp, kể cả nhà đầu tư, không tránh khỏi tình trạng lo ngại, hoang mang.
Tuy nhiên, với quan hệ đối tác quan trọng giữa hai nước cùng chia sẻ nhiều lợi ích tương đồng, theo ông Phước, khả năng Mỹ áp thuế lên hàng xuất khẩu của VN vào Mỹ là rất thấp. VN cũng đang xúc tiến nhanh việc giải trình với Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận