25/05/2018 14:15 GMT+7

Minh bạch chi ngân sách Việt Nam thua Campuchia

L.THANH
L.THANH

TTO - Trong khi điểm trung bình về công khai ngân sách của thế giới là 42 điểm thì Việt Nam chỉ đạt 15 điểm, xếp sau Campuchia với 20 điểm.

Minh bạch chi ngân sách Việt Nam thua Campuchia - Ảnh 1.

PGS - TS Vũ Sĩ Cường, chuyên gia tài chính - Ảnh L.THANH)

Người dân phản ứng dữ dội bất kỳ đề xuất tăng thuế nào là do minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chi của chúng ta rất kém.

Đó là nhận định của PGS - TS Vũ Sĩ Cường, chuyên gia tài chính, tại buổi công bố báo cáo công bằng thuế Việt Nam năm 2017 do Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách tổ chức, hôm 25-5.

Cụ thể, thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo nêu trên, ông Vũ Sĩ Cường cho biết minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chi ngân sách của Việt Nam rất kém.

Điểm trung bình về công khai ngân sách của thế giới là 42 điểm, trong khi Việt Nam chỉ đạt 15 điểm, còn Campuchia đạt 20 điểm; Đông Timor đạt 40 điểm, Philippines đạt 67 điểm....

Như vậy, chỉ tiêu minh bạch trong chi ngân sách của Việt Nam thua cả Campuchia, Đông Timor, Philippines...

Theo báo cáo, những thông tin tiền thuế đã được các bộ ngành, địa phương sử dụng vào việc gì, bao nhiêu tiền thường công bố rất chậm, thường là sau 2 năm.

Số liệu doanh nghiệp được miễn giảm, ưu đãi thuế… cũng không được công bố...

"Đây là câu trả lời chính cho việc người dân luôn phản ứng dữ dội với bất kỳ đề xuất tăng thuế nào", ông Cường nói.

Theo ông Cường, trong khi đa phần người dân các nước đều ý thức được rằng tăng thuế là để phục vụ chính người dân vì họ được hưởng lợi từ tiền thuế đã đóng góp, vì thể các khoản chi tiêu công được Chính phủ giải thích một cách minh bạch, rõ ràng.

"Còn ở nước ta, người dân chưa cảm nhận được việc đóng thuế như vậy thì được hưởng lợi như thế nào. Khi người dân phản ứng mỗi lần tăng thuế thì cũng nhận được rất ít lời giải thích từ cơ quan chức năng", ông Cường nhận định.

Minh bạch chi ngân sách Việt Nam thua Campuchia - Ảnh 2.

Ngoài ra, về tính công bằng trong các chính sách thuế, theo báo cáo, Việt Nam đang có xu hướng tăng thuế gián thu, gây khó khăn cho người nghèo.

Cụ thể đó là đề xuất tăng thuế thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường... của Bộ Tài chính.

Ông Cường giải thích nếu tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% thì những người nghèo sẽ là đối tượng bị tác động chính.

Gánh nặng thuế được đo là tỷ lệ nộp thuế so với thu nhập chứ không phải đo bằng số tiền thuế phải nộp, vì thế người nghèo có thể có số tiền nộp thuế không nhiều bằng người giàu nhưng tỉ lệ trong thu nhập của họ rất cao.

Ông Cường ví dụ như một người dân trên miền núi nộp thêm 100.000 mỗi tháng là rất khó khăn vì thu nhập của họ đã quá ít ỏi. Trong khi đó, các "đại gia" dù có nộp thêm vài triệu/ tháng cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến đời sống của họ.

Theo vị chuyên gia này, cần phải có các loại thuế tài sản ở Việt Nam vì đây là loại thuế đóng vai trò quan trọng đối với ngân sách của địa phương và nó có ảnh hưởng đến việc nâng cấp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống cơ sở hạ tầng ở địa phương.

Nhiều nước thường gọi là thuế địa phương, và điều quan trọng là mức thuế suất như thế nào cho hợp lý.

Tiền thuế bảo vệ môi trường của dân được sử dụng thế nào?

TTO - Dư luận rất băn khoăn về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 4.000 đồng/lít của chính phủ. Nhiều người đặt câu hỏi số thu từ thuế bảo vệ môi trường được chi để bảo vệ môi trường như thế nào?

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên