Gần đây nhiều vụ việc phụ huynh tổn thương người thầy khiến dư luận giật mình, từ bắt cô giáo quỳ đến miệt thì thầy... - Tranh: DAD
Clip dài gần bốn phút về cuộc tạm gọi là "trao đổi", nói đúng hơn là những lời miệt thị, xốn tai của vị phụ huynh đối người thầy về việc thầy vứt quần của con gái phụ huynh này vào sọt rác khi quần bỏ trên bàn làm việc của thầy đang dậy sóng trên mạng xã hội.
Có lẽ, xem clip này, nhiều bậc phụ huynh, nhất là giáo viên rất bất ngờ lẫn bất bình trước cách xử sự của vị phụ huynh.
Là một người thầy, cũng là người cha của những đứa con đang tuổi ăn học, xem clip này tôi rất cảm thông cho người thầy, bất bình trước những lời nói quá xem thường thầy giáo, thậm chí là có những lời xúc phạm thầy, những lời ấy không thể chấp nhận được.
Tôi tự hào mình là người thầy hạnh phúc! Dẫu cũng từng có những tình huống "oái oăm" diễn ra trong vài năm đầu mới ra trường, cũng gặp những "phụ huynh cá biệt" nhưng không đến nỗi như vị phụ huynh này.
Có những vị phụ huynh lúc đầu lớn tiếng, thậm chí còn đòi… kiện, nhưng khi họ bình tĩnh nghe những lời tâm sự của tôi, tình huống diễn ra ở lớp, ở trường, họ nguôi cơn giận và hiểu tôi hơn. Thú thật, từ những "phụ huynh cá biệt", họ biết lắng nghe những lời tâm huyết của người thầy, chính họ đã trở thành phụ huynh thân thiết.
Là một phụ huynh, mỗi lần họp phụ huynh tôi thường phát biểu, nói lên nỗi niềm của thầy cô khi phải đối diện với những học sinh chưa ngoan.
Thời đại này, không ít phụ huynh bao bọc con quá, coi con mình là nhất nên khi ai đó đụng tới con mình, kể cả thầy cô thì họ sẵn sàng… xù lông. Tôi thẳng thắn trao đổi vấn đề này với quý phụ huynh để con em tốt hơn cho con em họ, gia đình họ.
Trở lại diễn biến câu chuyện trong clip, người thầy vẫn bình tĩnh khi đối thoại với vị phụ huynh, mặc cho cô ta có những lời xúc phạm - miệt thị. Đó cũng là điều đáng quý khi thầy đã làm được chữ "nhẫn".
Nếu một người thầy khác, chưa hẳn họ giữ được bình tĩnh khi nghe phụ huynh so sánh rằng: "Chưa chắc bộ đồ thầy mặc trên người nó giá trị hơn cái quần con tui đâu nghe". Làm sao có thể chấp nhận được lời nói ấy.
Ngay từ đầu thầy cũng đã hạ mình nhận ra sự sai sót. Đó là điều phụ huynh cần hiểu được lời nói ấy. Thầy cũng đã cho hay, nếu là cái áo khoác hay cái gì khác thì thầy giữ lại, đằng này là cái quần đùi. Thầy vứt sọt rác là phải vì đơn giản nghĩ cái quần này là đồ đã bỏ, chưa kể, đó là sự xúc phạm người thầy.
Trái với sự điềm tĩnh của thầy, phụ huynh này càng chanh chua, càng làm tới, càng xúc phạm thầy. Khi con họ nghe được những lời này, thậm chí những lời tệ hơn khi không có mặt thầy thì con họ càng xem thường thầy.
Chị đã gieo những điều xấu xí cho con ắt hẳn chị sẽ gặt lại điều đó. Cứ giáo dục con kiểu này, sớm muộn gì con chị cũng sẽ là đứa con hư, và chị sẽ khổ tâm vì điều đó.
Làm giáo viên áp lực đủ điều: bệnh thành tích, những việc không tên vô bổ từ cấp cơ sở đến cấp cao hơn, từ học sinh, từ phụ huynh, đồng lương chưa tương xứng… nên nhiều giáo viên đã bỏ nghề. Xem clip này, không ít giáo viên bị tổn thương, dẫu mình không phải là "nhân vật chính". Ngẫm mà buồn.
Câu chuyện rất nhỏ, rất vụn vặt thế nhưng vị phụ huynh lại xé ra to. Vì sao đến nỗi này? Lẽ ra phụ huynh phải nhận ra việc cái quần của con mình trong hoàn cảnh ấy, điều quan trọng là cần giáo dục, dạy dỗ con mình đường để tình trạng này xảy ra (dẫu học sinh khác bỏ trên bàn thầy). Đằng này phụ huynh lại làm tổn thương người thầy dạy con mình.
Chúng tôi, những giáo viên, những bậc phụ huynh rất hiểu và cảm thông cho thầy. Mong thầy hãy vững tin, yêu nghề, yêu trò, bỏ qua những điều không hay ho từ phụ huynh cá biệt ấy!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận