23/04/2022 12:17 GMT+7

Miệt mài giúp trẻ khiếm thị đọc sách

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Suốt 5 năm qua, chị Thanh cùng đội ngũ tình nguyện viên tự tay thiết kế từng trang sách xúc giác dành riêng cho các bạn nhỏ khiếm thị.

Miệt mài giúp trẻ khiếm thị đọc sách - Ảnh 1.

Chị Thanh (trái) và các học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội - Ảnh: HÀ THANH

"Hôm nay, chúng mình nghe và khám phá đồ vật trên trang sách nhé. Cô mời các bạn khoanh tay, thẳng lưng, ngồi đẹp nào. Chúng mình cùng lắng nghe câu chuyện Đi chợ cùng bà của tác giả Hoài Anh nhé" - chị Trịnh Thị Thu Thanh (35 tuổi, Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) mở đầu buổi đọc sách ở một lớp học can thiệp sớm tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

Sách xúc giác giúp học sinh hứng thú hơn so với việc học chữ nổi, giúp học sinh phát triển ngôn ngữ thông qua các câu chuyện, được sờ và khám phá các mô hình, đồ vật có trong sách để hiểu hơn, dễ tưởng tượng hơn.

Cô VŨ THỊ THƠM (giáo viên lớp can thiệp sớm, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu)

Gắn kết từ tình yêu trẻ

Tính đến nay, chị Thanh đã có 12 năm gắn bó với giáo dục đặc biệt. Tình yêu thương con trẻ đã dẫn lối cho chị và đội ngũ cộng sự, tình nguyện viên miệt mài triển khai dự án "Phát triển sách xúc giác dành cho trẻ khiếm thị" suốt 5 năm qua. 

Công trình đã được gửi đến tham gia chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" - do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và đào tạo, báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Nhận ra khó khăn của các em nhỏ khiếm thị ở Việt Nam, nhất là lứa tuổi từ 1 - 6, khi có rất ít sách và đồ dùng học tập để làm quen với chữ nổi, năm 2017 nhóm dự án lên ý tưởng thiết kế sách xúc giác dành riêng cho trẻ khiếm thị. 

Chị Thanh cho biết sách được thiết kế với các vật nhỏ, các mô hình đính trên trang vải (hoặc bìa cứng) để sắp xếp, tạo ra những hình ảnh có thể cảm nhận được bằng cách chạm vào (được gọi là hình ảnh xúc giác). 

Với mỗi trang sách xúc giác đều có cả văn bản chữ in và chữ nổi. Thông qua sách xúc giác có thể hỗ trợ phát triển đọc cho trẻ khiếm thị bằng nhiều cách khác nhau như luyện tập lật từng trang sách, định hướng đúng chiều và lề của quyển sách, tìm hiểu sự vật được mô tả trong sách, di chuyển tay để sờ chữ nổi.

"Chúng tôi chia sách thành bốn trình độ khác nhau gồm A, B, C, D. Trong đó, trình độ A là sách xúc giác sử dụng đồ vật thật (gắn lên trang sách) gần gũi với trẻ như khăn mặt, bàn chải đánh răng. Trình độ B sử dụng tranh ảnh xúc giác đơn giản, có thể lựa chọn thêm đồ vật thật hoặc mô hình phù hợp. 

Trình độ C là những câu chuyện đơn giản sử dụng tranh ảnh xúc giác phức tạp. Trình độ D (khó nhất) là những câu chuyện về thế giới bên ngoài trải nghiệm của trẻ, sử dụng tranh ảnh xúc giác phức tạp" - chị Thanh mô tả về bốn trình độ của sách xúc giác.

Từng là tình nguyện viên tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, bà Louise France (người Anh) nhận ra được những khó khăn của các em nhỏ khiếm thị ở Việt Nam. 

"Không có sách cho trẻ khiếm thị sờ, khám phá, nhận biết chữ nổi, tôi phải làm gì đó" - bà quả quyết. 

Được chị Thanh ngỏ lời, bà Louise quyết định dành toàn bộ thời gian khi còn ở Việt Nam để cùng tham gia dự án. Trong dự án này, bà tham gia phần thiết kế nội dung, kể lại những câu chuyện trải nghiệm, câu chuyện diễn ra trong cuộc sống của trẻ khiếm thị.

Đến nay, sau 5 năm đã có khoảng 50 cuốn sách xúc giác làm bằng chất liệu vải hoặc bìa cứng được hoàn thiện. Bên cạnh lựa chọn chuyển thể nội dung từ sách dành cho trẻ mắt sáng và điều chỉnh lại cho phù hợp với trẻ khiếm thị, nhóm cũng mời một tác giả sách thiếu nhi hoặc chính đội ngũ dự án gắn bó với giáo dục đặc biệt đã viết thêm câu chuyện dành tặng các bạn nhỏ. 

Những câu chuyện kể từ chính trải nghiệm của trẻ khiếm thị, gần gũi với cuộc sống thường ngày vừa giúp các bạn thư giãn khi đọc sách vừa học được các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống.

Lan tỏa văn hóa đọc sách

Không dừng lại ở việc các bạn nhỏ khiếm thị tự đọc và tự khám phá mỗi trang sách, điều mà nhóm dự án mong mỏi nhất là làm sao chuyển tải văn hóa đọc sách giữa cha mẹ, người thân, bạn bè của các em.

"Khi đọc sách, chính bố mẹ, ông bà, người thân phải là người khơi gợi được những trải nghiệm của trẻ, thôi thúc trẻ tự nói ra được. Thậm chí cha mẹ và con cùng thu thập đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như bàn chải, kem đánh răng và cùng nhau tự viết lời, câu thoại gần gũi cho sách" - chị Thanh kỳ vọng.

Để lan tỏa điều đó, mỗi tuần chị cùng tình nguyện viên Louis France dành ra một giờ đồng hồ đọc sách cho các em nhỏ ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Mỗi giờ đọc đều có sự tham gia của cô giáo, các bậc phụ huynh, người thân của các em nhỏ để tham gia trải nghiệm sách cùng con.

Tham gia chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục", đội ngũ phát triển dự án mong muốn lan tỏa rộng rãi cho nhiều người biết đến mô hình sách xúc giác giúp cho trẻ khiếm thị khám phá tri thức, cuộc sống xung quanh cũng như tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nhiều hơn nữa để đồng hành cùng trẻ khuyết tật nói chung và trẻ khiếm thị nói riêng.

"Hiện tại trong túi chúng tôi chỉ còn khoảng... 6 triệu đồng trong khi mục tiêu của dự án là thiết kế được 100 cuốn sách xúc giác, chúng tôi rất mong tìm kiếm được nguồn kinh phí hỗ trợ triển khai dự án" - trưởng nhóm dự án chia sẻ.

Sau nhiều lần tìm kiếm các địa điểm ở Hà Nội để giới thiệu và tổ chức đọc sách xúc giác cho trẻ khiếm thị, hiện nay điều mà đội ngũ dự án "Phát triển sách xúc giác dành cho trẻ khiếm thị" mong mỏi là nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các đơn vị để tạo ra được một thư viện sách dành riêng cho trẻ khiếm thị ở Hà Nội. 

Qua đó mở ra không gian đọc, tạo cơ hội cho các bạn khiếm thị có cơ hội giao lưu, hòa nhập với các bạn mắt sáng.

11 công trình vào vòng chung khảo

Sau hơn 6 tháng triển khai, chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2021 - 2022 đã nhận được 1.555 công trình, sáng kiến gửi về tham dự từ 827 tác giả và nhóm tác giả trên cả nước.

Ban tổ chức đã tiến hành chấm sơ khảo và lựa chọn ra 11 sản phẩm dự kiến sẽ lọt vào vòng chung khảo của chương trình.

Sinh viên chế tạo máy đọc sách cho người khiếm thị Sinh viên chế tạo máy đọc sách cho người khiếm thị

TTO - Máy gồm camera, bộ phận xử lý và loa. Khi người dùng tra tay lên chữ và bấm nút, camera sẽ chụp lại các ký tự, chuyển cho hệ thống xử lý thành âm thanh.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên