24/10/2016 11:57 GMT+7

Miệng cống, hố ga chờ "nuốt” mạng người

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MẠNH KHANG

TTO - Hố ga, miệng cống không có nắp đậy, không có biển cảnh báo khi sửa chữa xuất hiện tràn lan. Hai tai nạn xảy ra liên tiếp gần đây, cướp đi mạng sống của một bé trai 8 tuổi và một người đàn ông.

Hố ga mở nắp không che chắn tại đường Lê Văn Việt (Q.9) - Ảnh: LÊ PHAN
Hố ga mở nắp không che chắn - Ảnh: LÊ PHAN

Ngày 16-10, do trời mưa lớn, một bé trai 8 tuổi đã tử vong vì bị nước cuốn trôi xuống miệng cống trên đường số 4 thuộc trung tâm hành chính Dĩ An (Bình Dương).

Trước đó, cũng tại Bình Dương, vào tháng 9-2014, hai bé trai tại thị xã Tân Uyên và thị xã Thuận An cũng bị nước cuốn xuống cống thiệt mạng.

Ngày 4-10, một phụ nữ cũng bị nước cuốn xuống cống tại khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.Thủ Dầu Một nhưng rất may được cứu sống.

Mới nhất, ngày 21-10, khi chạy đón xe buýt, một người đàn ông khoảng 40 tuổi đã rơi xuống hố ga đang thi công bên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân, TP.HCM) khiến người này tử vong ngay sau đó.

Ở TP.HCM, vào những ngày mưa to và triều cường, người dân chạy trên đường cứ nơm nớp lo sợ không biết có vấp phải “hố tử thần” nào hay không. Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, tại rất nhiều tuyến đường, hố ga, miệng cống nguy hiểm vẫn “trơ trơ” và không có ai xử lý để bảo đảm an toàn.

Nhiều người đặt vấn đề về trách nhiệm của những người làm công tác xây dựng công trình khi để những “hố tử thần” tênh hênh như bẫy người đi đường. Nhiều ý kiến cho rằng sao phải đợi khi tai nạn xảy ra mới truy trách nhiệm?

Không tuân thủ nguyên tắc an toàn, thiếu trách nhiệm

Một hố ga trên đường Đình Phong Phú hư hỏng chưa được sửa chữa, người dân phải dùng ván che chắn tạm - Ảnh: LÊ PHAN
Một hố ga trên đường Đình Phong Phú hư hỏng chưa được sửa chữa, người dân phải dùng ván che chắn tạm - Ảnh: LÊ PHAN

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp - nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết những tai nạn thương tâm do hố ga, miệng cống… đều do không tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn trong xây, sửa công trình, thiếu tinh thần trách nhiệm của đơn vị thi công, quản lý. Phải xử lý đơn vị chịu trách nhiệm duy tu, sữa chữa các tuyến đường trong thành phố.

Ngoài ra, cũng cần phải nhìn nhận rằng khi sự cố xảy ra, cách xử phạt của chúng ta chưa nghiêm, chưa rốt ráo. Nếu người nhà nạn nhân không khởi kiện thì vẫn phải truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính những đơn vị tắc trách, gây hậu quả nghiêm trọng là mất mạng người”, ông Hiệp thẳng thắn.

Ông Hiệp cho biết thêm ở nhiều nước trên thế giới, ngay khi phát hiện mặt đường, công trình xây dựng… có khả năng gây hại cho phương tiện, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của mình thì người dân hoàn toàn có thể khởi kiện đòi quyền lợi chứ không phải đến khi xảy ra hậu quả đau lòng mới tính đến vấn đề truy trách nhiệm, đòi bồi thường.

Một chuyên gia về xử lý rủi ro cho rằng dù nạn nhân có bất cẩn hay không thì trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về đơn vị thi công, quản lý công trình. “Các hố ga và miệng cống không khác gì đang chờ "nuốt” mạng người. Lẽ ra công trình do anh xây dựng, anh sửa chửa, anh quản lý thì anh phải luôn có phương án bảo đảm an toàn cho người dân. Chứ đợi đến khi tai nạn xảy ra thì anh mới cho người đến lắp đặt các thanh chắn, vỉ chắn thì đã quá muộn màng”, vị này nhận xét.

Có thể khởi tố mà không cần đơn tố cáo

Một vị trí bị mất nắp cống trên quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Q.Định
Một vị trí bị mất nắp cống trên quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Q.Định

Luật sư Thái Văn Chung (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng đối với những công trình đang thi công hoặc đã thi công xong nhưng chưa bàn giao cho Nhà nước trực tiếp quản lý thì khi xảy ra sự cố, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư dự án.

Theo LS Chung, chủ đầu tư phải có cơ chế thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ giai đoạn khảo sát đến thiết kế, thi công xây dựng công trình để bảo đảm các nhà thầu thực hiện đúng, đầy đủ các quy định. Riêng những trường hợp người dân bị lọt xuống hố ga, lọt vào cống thoát nước vừa qua đã thể hiện rõ sự vi phạm quy định về xây dựng.

Ngoài ra, chính quyền địa phương, cơ quan ban ngành quản lý hoạt động xây dựng như Sở Xây dựng, Phòng Quản lý xây dựng của địa phương nơi xảy ra tai nạn cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do sự thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động xây dựng dẫn đến các sai phạm, thiếu sót của chủ đầu tư, nhà thầu không được phát hiện kịp thời.

Ông Chung cho biết nếu tai nạn gây chết người, tức gây hậu quả nghiêm trọng thì Cơ quan Cảnh sát điều tra có quyền kiểm tra, xác minh thông tin, sự việc theo quy định. Sau khi có kết quả kiểm tra, xác minh ban đầu, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cơ quan này có quyền khởi tố vụ án, bị can để tiếp tục điều tra, truy tố đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan chứ không nhất thiết phải có đơn tố cáo của gia đình nạn nhân vì các tội phạm vi phạm quy định về xây dựng không thuộc nhóm tội khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại (căn cứ Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự).

“Trong trường hợp này, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án, bị can theo quy định tại Điều 229 Bộ Luật hình sự về tội vi phạm quy định trong xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 - 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm”, ông Chung nêu rõ.

Tránh thi công cẩu thả kiểu "sống chết mặc bay"

Chủ tịch UBND các tỉnh, TP cần phải chỉ đạo các đơn vị có trách nhiệm rà soát lại toàn bộ hệ thống công trình đang thi công theo các tiêu chí về điện, hệ thống thoát nước, phòng cháy chữa cháy…để vừa bảo đảm chất lượng công trình vừa bảo đảm tính an toàn cho người dân sử dụng.

Đối với các công trình vi phạm nghiêm trọng quy định về xây dựng cũng cần phải được xử lý kịp thời. Nếu có dấu hiệu phạm tội, cần khởi tố, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội để bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa chung. Tránh trường hợp thi công, xây dựng cẩu thả theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Luật sư Thái Văn Chung

Thấy “bẫy tử thần”, gọi ngay 0903.812.723

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh - giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 - đơn vị quản lý máy georadar có chức năng dò tìm hố tử thần cho biết đơn vị vẫn định kỳ tiến hành khảo sát, lên kế hoạch hằng quý, dò tìm, xử lý những điểm nguy hiểm của các công trình ngầm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bật Hận, phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết rất mong chờ người dân, bạn đọc khi thấy những điểm nguy hiểm, bẫy-hố tử thần trên đường thì thông báo đến số điện thoại 0903.812.723 hoặc thông báo qua Facebok, Zalo của ông để có hướng xử lý kịp thời, nhanh chóng, đảm bảo an toàn cho mọi người.

 

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục