28/10/2020 00:24 GMT+7

Miền Trung trắng đêm đón bão

NHÓM PV BÁO TUỔI TRẺ
NHÓM PV BÁO TUỔI TRẺ

TTO - Từ lúc 0h ngày 28-10, phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt ở hầu khắp các khu vực ven biển các tỉnh miền Trung được dự báo nơi bão số 9 sẽ đổ bộ để ghi nhận tình hình ứng phó của người dân và chính quyền địa phương...

Phóng viên Phước Tuần báo Tuổi Trẻ tại Quảng Ngãi lúc 5h sáng 28-10 - Video: QUANG ĐỊNH

Miền Trung trắng đêm đón bão - Ảnh 2.

Tại Sa Huỳnh, khi phóng viên Tuổi Trẻ đang trú trong văn phòng Trường tiểu học Phổ Thạnh 2 thì nghe tiếng ầm rất lớn. Cổng kéo của trường vừa bị gió giật sập. Do cánh cổng phụ còn mở, thầy Trường sợ sẽ bị gió giật hư luôn. Chúng tôi vừa ra hỗ trợ thầy cột lại cánh cổng phụ. Gió thổi rất mạnh - Ảnh: SƠN LÂM

Gió giật mạnh tại thị xã Sông Cầu - Video: An Bang

4h30, tại Phú Yên, gió đã giật mạnh hơn từng cơn liên tục với những tiếng rú, rít. Nhiều nơi ở thị xã Sông Cầu và thị xã Đông Hòa mất điện.

4h15, tại trung tâm thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) đã có gió rất mạnh, giật từng hồi. Nhiều cửa sổ kính của một khách sạn cao tầng trên đường Lê Lợi run theo từng đợt gió. 

Phía dưới đường phố vẫn có nhiều người dân vẫn bất chấp gió bão vẫn đi lại bằng xe máy và ô tô. Theo ghi nhận, gió và mưa đang dần lớn lên. Những tiếng rít dài của gió xuất hiện nhiều hơn. 

Những hàng cây dọc đường Lê Lợi, Quang Trung đang hứng những cơn gió tạt ngang từ hướng biển vào. Quảng Ngãi được dự báo là nơi tâm bão đổ bộ vào sáng sớm hôm nay. 

Ông Võ Văn Khương, chủ tịch xã Tịnh An (TP Quảng Ngãi) cho biết trên địa bàn xã đã có gió rất mạnh. Hiện nay lượng mưa ở khu vực xã Tịnh An vẫn chưa lớn. 

Các cơ quan chức năng của xã vẫn đang túc trực, ứng phó với bão số 9. Người dân ở vùng xung yếu giữa cồn An Phú đã được sơ tán, di dời dân đến điểm an toàn.

Gió giật mạnh tại TP Quảng Ngãi lúc 4h20 sáng 28-10 - Video: PHƯỚC TUẦN

Miền Trung trắng đêm đón bão - Ảnh 5.

Gió giật mạnh và mưa lớn trên đường Lê Lợi, thành phố Quảng Ngãi lúc 4h35 sáng 28-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Miền Trung trắng đêm đón bão - Ảnh 6.

Người dân chạy xe máy trên đường Quang Trung, thành phố Quảng Ngãi lúc 4h sáng 28-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Miền Trung trắng đêm đón bão - Ảnh 7.

Người dân xã Phổ An, TX Đức Phổ, Quảng Ngãi, trú bão tại UBND xã. Từ khuya 27-10 tới rạng sáng nay hầu như không mấy ai ngủ được do lo lắng, trừ trẻ nhỏ. Khi trời về sáng, bão càng áp sát đất liền và mưa gió thêm mạnh hơn. Gió giật mạnh liên hồi, chà xát các mái tôn và tán cây bên ngoài kèm tiếng hú, rít làm ai nấu đều lo lắng cho căn nhà thiếu kiên cố của mình - Ảnh: TẤN LỰC

4h00: Gió càng ngày càng mạnh, hiện hai phóng viên Tuổi Trẻ đang tạm trú trong văn phòng Trường tiểu học Phổ Thạnh 2, P.Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi cùng thầy Phùng Đình Trường - giáo viên được phân công ở lại trường. 

Gió mạnh dần lên ở khu vực huyện Núi Thành, Quảng Nam - Video: NGỌC HIỂN

Trường tiểu học Phổ Thạnh 2 cách cảng cá Sa Huỳnh khoảng 200m, cũng là điểm được địa phương bố trí để dân sơ tán, đặc biệt đối với 102 hộ dân xóm Cồn nằm giữa Đầm Nước Mặn, nơi dễ bị gió và sóng tấn công khi bão vào. 

Tuy nhiên vào đầu giờ tối, chỉ có 3 hộ dân chọn đến trường để tránh bão. Và mới đây, khi cùng với thầy Trường qua kiểm tra phòng có ba hộ dân đang tá túc, thì cũng phát hiện họ đã rời đi. 

Hiện khu vực này đã cúp điện nên ngoài trời rất tối, chỉ còn nghe tiếng gió quật cây cối và tiếng mái tôn các nhà lân cận rung theo từng đợt. Thầy Trường cùng chúng tôi vào lại văn phòng đóng cửa, hai cánh cửa đã gài chốt và được thầy Trường cẩn thận dùng dây buộc thêm hiện đang rung bần bật theo gió. 

Phía bên ngoài sân trường đã bắt đầu xuất hiện các nhành cây tươi bị gió quật rơi xuống.

Miền Trung trắng đêm đón bão - Ảnh 9.

Thầy Trường néo thêm dây để cửa khỏi bật ra - Ảnh: SƠN LÂM

3h15, tại huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), phóng viên Ngọc Hiển cho hay gió rít từng cơn liên hồi trong khi trời đã giảm mưa. Đây là địa bàn tiếp giáp với tỉnh Quảng Ngãi nên sẽ là một trong những vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, sức gió sẽ tiếp tục tăng khi bão tiến sát vào đất liền. 

Ngay trong khuôn viên của trụ sở UBND huyện Núi Thành, gió thổi từng cơn khiến người bước đi chao đảo. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Văn Sinh - chủ tịch UBND huyện Núi Thành - cho biết các hộ dân ở các khu vực nguy hiểm trên địa bàn huyện, đặc biệt là các xã ven biển đã được địa phương di dời đến nơi an toàn. Ngư dân trên các thuyền tránh trú bão cũng đã được vận động lên khỏi thuyền để tránh bão. Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam đặt tại Núi Thành đã dành một tầng để người dân đến lánh bão. 

Gió bão lúc gần 3h tại Đức Phổ - Video: TẤN LỰC

Gần 3h sáng 28-10, phóng viên Tấn Lực ghi nhận những cơn gió giật cường độ mạnh dần đang quét qua khu vực thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Dù trời đang có mưa nhỏ nhưng gió thì lớn từng giờ với tiếng rít khi quét qua các toà nhà khá đáng sợ. 

Mặc dù chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân không ra đường từ 20h đêm nhưng đến 3h15 sáng phóng viên vẫn nhìn thấy có xe máy chạy trên đường Quang Trung, TP Quảng Ngãi.

Xe máy trên đường phố Quảng Ngãi lúc 3h15 ngày 28-10 - Video: QUANG ĐỊNH

Dự báo mới nhất cho thấy tâm bão số 9 sẽ quét qua khu vực tiếp giáp 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định sáng hôm nay. 

Trong khi đó, từ cảng cá Sa Huỳnh, phóng viên Sơn Lâm cho hay gió tại đây cũng bắt đầu rít từng đợt khá mạnh với sức gió khoảng cấp 6, cấp 7. Lúc này, toàn bộ khu vực đã được cắt điện, chỉ còn nghe tiếng cây cối rú theo gió, chưa xuất hiện mưa.

Tại Quảng Ngãi, có mặt ở cảng cá Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ lúc 0h, phóng viên Sơn Lâm cho biết từng đợt gió mạnh lùa qua khu vực cảng cá.

Trước đó, khu vực này xuất hiện mưa từ 16g và sau đó trải qua một đợt yên tĩnh khá lâu.

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 0h bão đang cách bờ biển các tỉnh Đà Nẵng – Phú Yên hơn 300km. Cường độ vẫn đang giữ ở cấp 14, giật cấp 17.

“Qua phân tích ảnh mây vệ tinh cho thấy cấu trúc bão rất hoàn chỉnh và sự mở về phía Bắc. Hiện nay đảo Lý Sơn cách tâm bão 400km đã ghi nhận được gió giật cấp 10, ở đất liền Bình Định – Phú Yên đã ghi nhận có gió giật cấp 6-7. Hoàn lưu bão cũng đã gây mưa tại các tỉnh trên đất liền. Hiện nay từ Quảng Trị đến Khánh Hòa đã có mưa lớn, có nơi trên 50mm trong vòng 6h vừa qua.

Trong những giờ tới, khi bão tiến sát vào đất liền thì mưa lớn và gió mạnh sẽ tăng lên, đặc biệt trong sáng mai bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Trung Bộ”- ông Năng thông tin thêm

Hiện tại, dù gió mạnh nhưng lượng mưa vẫn rất ít, chủ yếu mưa phùn lất phất theo gió. Thông tin mới nhất từ Trung tâm khí tượng thủy văn Trung Ương cho thấy tâm bão có khả năng đổ bộ vào khu vực này khiến nhiều người dân thêm lo lắng.

Miền Trung trắng đêm đón bão - Ảnh 13.

Thuyền neo đậu tại Cảng cá Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh, TX Đức Phổ - Ảnh: SƠN LÂM

Một số thuyền câu mực vẫn đang trong giai đoạn sắp xếp lại vị trí, tìm hướng chằng cặp lại thuyền để tránh va đập. Trong khi đó, nhiều người dân có thuyền đậu ở cảng cá, dù đã được khuyến cáo không ra khỏi nhà từ 20h, nhưng vẫn xuất hiện ở cảng để canh thuyền.

Miền Trung trắng đêm đón bão - Ảnh 14.

Gió lớn, mưa xối xả đổ xuống tỉnh Quảng Ngãi lúc 0h ngày 28-10 - Ảnh: TRẦN MAI

0h ngày 28-10, ông Nhâm Xuân Sỹ, giám đốc đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi nói với Tuổi Trẻ Online dù bão chưa chính thức vào nhưng lượng gió vừa đó được ở Lý Sơn đạt cấp 10, trong khi đó tại Dung Quất (khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) gió đạt cấp 8.

“Không thể nói tâm bão ở đâu vào lúc này, bởi chắc chắn tỉnh Quảng Ngãi sẽ đón một trận cuồng phong cực lớn. Những chuyên gia khí tượng cho rằng đây là cơn bão 20 năm mới có 1 lần”, ông Sỹ nói. Trong khi đó, tính toán lượng mưa vừa đo được vào lúc 23g tối 27-10, trong 2 giờ liên tục tại Quảng Ngãi lượng mưa lên đến 37mm và sẽ lớn khủng khiếp khi bão vào.

Ngoài cảnh báo lượng mưa cực lớn, ông Sỹ cũng lưu ý lũ, sạt lở trở thành nguy cơ cực lớn tại Quảng Ngãi. Với cường độ mưa hiện tại, lượng mưa sẽ xấp xỉ với trận mưa lịch sử vừa xảy ra ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.

Trong khi đó, ghi nhận của phóng viên tại khu kinh tế Dung Quất, gió lớn, kèm mưa to đang quật liên tục. Cảm giác của phóng viên như bão đã vào đất liền, nhưng theo ông Sỹ đó không phải bão. Bão sẽ vào đất liền rạng sáng 28-10. “Toàn bộ tỉnh Quảng Ngãi gió sẽ thấp nhất ở cấp 12, nhiều nơi bão giật cấp 15, thậm chí cấp 17”, ông Sỹ cảnh báo.

Tại Quảng Nam, Lúc 0h ngày 28-10, TP Tam Kỳ gió bắt đầu tăng cấp độ mạnh dần kèm theo mưa mù mịt, gió quật khiến nhiều cây xanh trong công viên xiêu vẹo, nghiêng ngửa. Đứng trên gác cao có thể cảm nhận được gió rít lên từng hồi. Dù trước đó chỉ chừng một giờ khu vực này chỉ có mưa nhưng gió rất nhẹ. 

Hiện nay từng giờ gió đã tăng cấp độ, có thể nghe được tiếng mái tôn nhà cửa, mái hiên ở khu vực rung lên bần bật. 

Khẩn trương cứu nạn 3 tàu cá mất liên lạc, chết máy ở Bình Định

Tại cuộc họp lúc 23h tối 27-10, phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo phải khẩn trương cứu nạn hai tàu cá mất liên lạc và 1 tàu khác chết máy tại Bình Định.

123114591_356959255381598_6064442086512841539_n

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc họp - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Tại cuộc họp ở sở chỉ huy tiền phương (Đà Nẵng), ông Hoàng Đức Cường - phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn - cho biết hiện bão số 9 có dấu hiệu đi chậm lại, và giảm cấp nhưng mức độ giảm không lớn. Dự báo 10h sáng mai 28-10 bão sẽ vào đến đất liền, gió bắt đầu giật mạnh vào khoảng 2h sáng mai.

Cục trưởng cục cứu hộ cứu nạn, thiếu tướng Doãn Thái Đức cho biết hiện vẫn chưa liên lạc được với 2 tàu cá mất tích và 1 tàu cá khác chết máy cũng ở Bình Định khi đang trên đường về nơi tránh trú bão số 9.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh phải đảm bảo an toàn trên biển vì hiện nay vẫn còn tàu thuyền đang ở khu vực nguy hiểm, đặc biệt là 92 tàu ở Bình Định và có 3 tàu (2 tàu mất liên lạc và 1 tàu chết máy). Mặc dù các tàu đã vào khu vực an toàn nhưng cần đảm bảo khi neo đậu tàu không còn người dân cố thủ trên tàu.

“Chúng ta đã cơ bản sơ tán được dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, cơ bản đưa được tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn, đã hỗ trợ người dân bảo vệ được bản thân, gia đình, các công trình, tài sản. Tuy nhiên, đây là cơn bão rất mạnh, thời gian yêu cầu rất gấp, khi bão đã vào thì rất khó có thể ứng phó”- phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng đề nghị các lực lượng công an, quân đội, cán bộ địa phương đến trực tiếp các khu neo đậu tàu thuyền để kiểm tra neo đậu an toàn, đồng thời cưỡng chế người dân còn trên tàu thuyền về khu an toàn.

Phó thủ tướng cũng lưu ý việc rà soát các cơ sở trường học, nhà công cộng là nơi người dân đến tránh trú bão, các cửa kính có chống được bão mạnh không, nếu cửa bị vỡ thì rất nguy hiểm.

Việc đảm bảo an toàn các công trình hồ đập, chủ động rà soát các khu vực nguy hiểm ở miền núi, tăng cường cảnh báo cho khu vực Tây nguyên, cũng được phó thủ tướng lưu tâm.

Về việc cứu hộ 2 tàu cá Bình Định bị mất liên lạc, mà nguy cơ cao đã mất tích, Phó thủ tướng yêu cầu các cơ quan tập trung nghiên cứu phương án, dù điều kiện vô cùng khó khăn.

Phải cẩn thận đảm bảo an toàn cho cả những người đi cứu nạn. Tại cuộc họp cũng đã lên phương án điều động xe bọc thép, xe chuyên dụng như xe BTR B1, BTR 152 cho sở chỉ huy tiền phương di chuyển, kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão.

ĐOÀN NHẠN

Bão số 9 chưa giảm cấp, còn 92 tàu thuyền của Bình Định trong vùng nguy hiểm Bão số 9 chưa giảm cấp, còn 92 tàu thuyền của Bình Định trong vùng nguy hiểm

TTO - Trong chiều tối nay 27-10, bão chủ yếu di chuyển theo hướng Tây với tốc độ rất nhanh là 20-25 km/h, đi thẳng vào bờ.

NHÓM PV BÁO TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên