Xuất khẩu xe sơ mi rơ moóc (thuộc ngành công nghiệp) tại một tổ hợp sản xuất ở miền Trung - Ảnh: LÊ TRUNG
Hàng loạt dự án công nghiệp lớn từ vốn FDI và doanh nghiệp trong nước đã đổ vào khu vực này.
Sôi động các đại dự án
Hạ tuần tháng 11-2022, dự án Trung tâm nghiên cứu phát triển và sản xuất Fujikin Đà Nẵng chính thức khai trương đi vào hoạt động.
Đây là dự án công nghệ cao mới nhất tại miền Trung hoạt động với mục tiêu nghiên cứu và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực robot, thiết bị bay không người lái, thiết bị năng lượng hydro, thiết bị nano, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu mới... Đồng thời, trung tâm sẽ nghiên cứu phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết bị y tế với sự hợp tác chặt chẽ cùng Trường đại học Bách khoa (ĐHBK) Đà Nẵng.
TS Tào Quang Bảng, trưởng phòng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế Trường ĐHBK, cho biết doanh nghiệp này vào khu vực một phần là do sự tin tưởng vào năng lực cung ứng lao động chất lượng cao tại đây. Ngay khi xác định đầu tư, Fujikin đã tích cực tham gia các hoạt động đào tạo, tài trợ trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, bố trí phòng nghiên cứu cho giảng viên, sinh viên trong công ty.
Ngược lại, Trường ĐHBK bố trí không gian xây dựng phòng nghiên cứu phát triển với các thiết bị của Fujikin ngay tại trường. Nhiều giảng viên, sinh viên kết hợp với chuyên gia, kỹ sư từ Fujikin bước đầu thực hiện nghiên cứu và chuyển giao các sản phẩm.
Được biết, đây là dự án thứ bảy với quy mô hàng chục triệu USD mà doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Tính đến cuối tháng 9-2022, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã thu hút 1.759 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 28,23 tỉ USD. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo có 572 dự án, tổng vốn đăng ký gần 7,6 tỉ USD. Xu hướng phát triển công nghiệp không còn tập trung tại vài tỉnh mà đã lan rộng toàn miền.
Bên cạnh nhiều dự án FDI quy mô hàng trăm triệu USD được đầu tư vào Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, các doanh nghiệp trong nước cũng không kém cạnh khi liên tiếp rót vốn hàng ngàn tỉ đồng vào công nghiệp chế biến, chế tạo.
Quan sát dòng vốn đầu tư vào miền Trung, ông Lê Minh Dương - trưởng đại diện xúc tiến đầu tư tại Đà Nẵng, Cục Đầu tư nước ngoài - nhận định khu vực này là điểm sáng thu hút đầu tư hậu COVID-19.
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư tại khu vực này. Với những lợi thế tự nhiên do vị trí địa lý mang lại, các tỉnh miền Trung có nhiều cảng nước sâu và các ngành công nghiệp dựa vào cảng biển có cơ hội phát triển như lọc hóa dầu, đóng tàu, sản xuất thép, công nghiệp nặng, công nghiệp ô tô.
Những sản phẩm công nghiệp từ miền Trung nay đã xuất đi khắp thế giới, mang về hàng tỉ USD cho đất nước/năm.
Chuỗi sản xuất trong giai đoạn thành hình
Miền Trung đang nổi lên với nhiều sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ ngày càng cao. Như Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina) đã tham gia sản xuất sản phẩm cho gần 400 dự án với tổng giá trị đơn hàng hơn 3 tỉ USD, xuất đi 35 quốc gia. Trong đó, có các sản phẩm thiết bị khử mặn, module cho các nhà máy công nghiệp, lọc dầu, y tế, nhà máy điện. Từ khi bước chân vào vùng đất này, doanh nghiệp tạo việc làm cho 3.000 - 5.000 lao động tại chỗ và nhà thầu phụ.
Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 5 triệu tấn thép các loại, tạo việc làm cho 14.000 lao động của doanh nghiệp và nhiều lao động của hàng trăm nhà thầu phụ. Nhận thấy lợi thế của khu vực, Hòa Phát đang triển khai thêm khu liên hợp thứ hai trị giá 85.000 tỉ đồng, dự kiến sau khi hoạt động từ năm 2025 sẽ nộp vào ngân sách trên 10.000 tỉ đồng mỗi năm.
Các doanh nghiệp "đầu đàn" khi vào khu vực đã kéo theo các nhà thầu phụ, dần tạo sự phát triển lan tỏa. Hàng trăm doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, nhà thầu phụ mọc lên.
Theo Doosan Vina, để sản xuất sản phẩm siêu trường siêu trọng với tính năng kỹ thuật cao, công ty đã có một số đối tác quan trọng tại địa phương tham gia vào chuỗi sản xuất như THACO, OGS, Chiến Thắng, Đại Dũng, Công ty Kim khí miền Trung, LILAMA...
Để đảm bảo sản phẩm của đối tác đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, Doosan cho hay đã chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát chất lượng và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho một số công ty. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp này cử cả kỹ sư và nhân viên đến làm việc tại các công ty đối tác để hướng dẫn và giám sát, để các công ty địa phương phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tại nhà máy sản xuất săm lốp cao su ở miền Trung - Ảnh: T.LỰC
Cần hình thành mạng lưới liên kết
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn đều chung nhận định rằng nền tảng công nghiệp phụ trợ tại miền Trung hiện vẫn còn quá yếu để đáp ứng được nhu cầu phát triển, đặc biệt trong các ngành có hàm lượng công nghệ cao. Tính liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương trong vùng còn lỏng lẻo, chưa tạo được hệ thống cung ứng đủ mạnh.
Ông Lee Young Bong, giám đốc khối quản lý Doosan Vina, nói rằng hiện miền Trung không có chuỗi cung ứng mạnh về nhà cung cấp gia công, nhà cung cấp vật liệu, vận chuyển. Với các sản phẩm công nghiệp nặng, hàm lượng kỹ thuật cao, các doanh nghiệp thường phải liên kết, sử dụng dịch vụ và sản phẩm lẫn nhau. Vì vậy, việc hình thành một mạng lưới công nghiệp hỗ trợ là hết sức cần thiết.
Là một doanh nghiệp sản xuất chế tạo lớn tại miền Trung, Công ty TNHH Huỳnh Đức là nhà gia công cơ khí chính xác và thiết bị tự động hóa cho nhiều ngành công nghiệp. Doanh nghiệp này luôn trăn trở vì nguồn nguyên vật liệu, thiết bị đầu vào hầu hết phải nhập từ hai đầu Hà Nội, TP.HCM và nước ngoài bởi nguồn cung tại chỗ hầu như không có. Việc này làm kéo dài thời gian giao hàng, tăng chi phí sản xuất, giảm tính cạnh tranh.
Ông Lâm Phùng Út, giám đốc điều hành, nói rất mong muốn các nhà cung ứng đặt nhà máy tại chỗ để tương tác chặt chẽ và hiệu quả hơn, chọn được sản phẩm đúng yêu cầu kỹ thuật và tính kinh tế. Tuy nhiên công nghiệp hỗ trợ miền Trung còn rất yếu do thị trường chưa lớn nên ít doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc. Một số mặt hàng nhu cầu thị trường cần không nhiều nên khi khách hàng hỏi thì không có.
Theo ông Út, để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển dây chuyền đòi hỏi đơn hàng phải đủ lớn, đạt được hiệu quả kinh tế.
Thúc đẩy các diễn đàn tăng cường hợp tác
Theo Ban quản lý Khu công nghệ cao & các khu công nghiệp TP Đà Nẵng, ngành công nghiệp hỗ trợ miền Trung đã có bước phát triển ban đầu, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí chính xác, cao su, kính, điện tử.
Tuy nhiên, vấn đề gặp phải là các doanh nghiệp chưa liên kết với nhau do chưa tìm hiểu nhu cầu năng lực lẫn nhau hoặc lâu nay phụ thuộc bạn hàng truyền thống. Do đó, cần có diễn đàn để các doanh nghiệp ngồi lại cùng trao đổi, tìm hiểu thế mạnh của nhau để tăng cường liên kết, hợp tác.
Ở góc độ chính quyền, các địa phương trong vùng cần chủ động hợp tác, tạo thành không gian kinh tế thống nhất, hạn chế các vấn đề cạnh tranh không lành mạnh. Xây dựng hạ tầng theo hướng liên kết phát triển vùng nhằm chuyển thế mạnh kinh tế địa phương sang khai thác lợi thế toàn vùng theo quy hoạch vùng.
"Thóc ở đâu, bồ câu theo đó"
Ông Nguyễn Tiến Quang, giám đốc Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đà Nẵng, cho rằng việc thiếu vắng chuỗi cung ứng tại khu vực do chưa nhiều doanh nghiệp hàng đầu về miền Trung đặt bản doanh. Một khi các tỉnh thu hút được nhiều tập đoàn lớn, quy mô tỉ USD về xây dựng nhà máy thì tự khắc chuỗi cung ứng sẽ kéo theo và hình thành nền công nghiệp phụ trợ tại khu vực.
Do đó, theo ông Quang, nhiệm vụ chính của miền Trung hiện nay là làm sao tiếp tục kêu gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tàu về đứng đầu chuỗi cung ứng để kéo toàn nền công nghiệp phát triển.
Một lãnh đạo doanh nghiệp lớn tại Hà Nội cũng cho rằng miền Trung cần được hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng và "phần mềm" là cơ chế chính sách để phát triển. Cần tầm nhìn vượt trội, như trước đây chúng ta quyết làm Nhà máy lọc dầu Dung Quất ở miền Trung dù phương án tài chính thì làm ở phía Bắc hoặc phía Nam đều tốt hơn.
Cần thành lập khu miễn thuế
Việc thiếu hụt chuỗi cung ứng tại miền Trung được các doanh nghiệp điện tử cảm nhận rõ nét nhất, làm giảm lợi thế cạnh tranh của họ. Các nhà máy sản xuất bảng mạch, thiết bị điện tử khu vực này đều phụ thuộc nặng nề vào chuỗi cung ứng ở các trung tâm công nghiệp hai đầu Bắc - Nam hoặc nước ngoài.
Ông Nguyễn Anh Huy - giám đốc Công ty cổ phần Trung Nam Electronics Manufacturing Services, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng - nói rằng nhà máy sử dụng sản phẩm phụ trợ chủ yếu từ khu vực lân cận TP.HCM và Hà Nội vì tại đó có hệ sinh thái công nghiệp điện tử, nhiều nhà máy sản xuất các loại linh kiện, thiết bị liên quan.
Theo ông Huy, dù rất muốn xây dựng mạng lưới nhà cung cấp tại chỗ để tối ưu chi phí nhưng khó có thể làm được vì khu vực không có nhiều công ty đủ năng lực sản xuất trong mảng này. Sau nhiều nỗ lực, đến nay Trung Nam EMS chỉ mới thiết lập được hợp tác cung ứng sợi cáp với THACO và đang nghiên cứu việc hợp tác với hai doanh nghiệp điện tử Nhật Bản tại Đà Nẵng.
Theo các doanh nghiệp, để hỗ trợ hình thành chuỗi cung ứng tại chỗ, chính quyền các địa phương cần thành lập các khu miễn thuế với nhiều ưu đãi vượt trội để thu hút các tên tuổi sản xuất chế tạo lớn nước ngoài về lập bản doanh. Từ đó có chính sách hỗ trợ nuôi dưỡng các doanh nghiệp sản xuất trong nước để họ dần tham gia vào chuỗi cung ứng với các ông lớn này.
Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nền sản xuất trong nước qua việc ưu tiên lựa chọn trong các chương trình đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị của doanh nghiệp nội địa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận