Sự kiện do Công ty du lịch Duy Nhất Đông Dương phối hợp với hiệp hội du lịch các tỉnh, thành tổ chức tại Furama Resort Đà Nẵng. Mục tiêu là kích hoạt, kiến tạo hệ sinh thái cùng đón dòng khách đặc thù đạo Hồi.
Khách đạo Hồi là nguồn tiềm năng
Ông Nguyễn Sơn Thủy - giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương - cho biết thị trường khác du lịch Hồi giáo rất rộng lớn và đang phát triển mạnh mẽ.
Theo thống kê, số lượng người theo đạo Hồi trên thế giới là 1,8 tỉ người, khu vực ASEAN là 255 triệu người. Việc sớm mở lại đường bay trực tiếp giữa Đà Nẵng và Singapore, Malaysia, Ấn Độ… đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách ở các nước theo đạo Hồi tham quan.
Tại Việt Nam lượng khách Hồi giáo lựa chọn đến tham quan, trải nghiệm cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo ông Thủy, thị trường này chưa thực sự được chú trọng, chưa kiến tạo cơ hội phát triển và kêu gọi đầu tư rộng rãi dịch vụ du lịch đặc thù tại các địa phương, điểm đến chính trong cả nước.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình - phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, đến nay lượng khách quay lại Đà Nẵng và thị trường miền Trung vẫn còn rất ít. Do đó, việc các doanh nghiệp tìm thêm dòng khách Hồi giáo là rất quan trọng.
Chuẩn bị kỹ để đón khách đạo Hồi
Bà Marina Muhamad - giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch người Hồi giáo tại Việt Nam - cho rằng dòng khách theo đạo Hồi thường đến các nước có các hoạt động trải nghiệm, dịch vụ phù hợp với tín ngưỡng của mình.
Ông Ramlan Osman - giám đốc Trung tâm Chứng nhận thực phẩm Halal tại Việt Nam - nói rằng chỉ riêng năm 2018, đã có 850.000 khách du lịch từ Malaysia tới Việt Nam. Điều này chứng tỏ Việt Nam là điểm đến yêu thích và có nhiều điều kiện thích hợp để đón dòng khách theo đạo Hồi.
"Việt Nam sở hữu nguồn nguyên liệu phù hợp cho người Hồi giáo như cà phê, lúa gạo, hải sản, quả hạch, rau và trái cây…" - ông Ramlan nói.
Để tiếp cận tốt với dòng khách này, ông Ramlan cho rằng quan trọng nhất là cần tăng cường hiểu biết về người theo đạo Hồi cho cộng đồng làm du lịch tại miền Trung, cung cấp và sắp đặt các sản phẩm riêng biệt phù hợp.
"Cách đây 5 năm tôi tới TP.HCM thì có khoảng 10 nhà hàng dành cho người đạo Hồi, ở Đà Nẵng thì có tầm 5 cái như vậy. Con số đó hiện nay có thể hơn nhưng vẫn là rất ít.
Khách đạo Hồi đi đâu thì điều họ quan tâm nhất vẫn là thực phẩm, là ăn uống… Thực phẩm hải sản dồi dào ở Việt Nam là lợi thế nhất để đón khách đạo Hồi.
Nhưng sự hiểu biết về chăm sóc khách đạo Hồi hiện nay rất hạn chế. Làm sao họ có thể tới nơi mà họ không biết con gà mà họ đang ăn có được giết mổ đúng theo cách của Halal hay không? Không có chứng nhận nào về quy trình giết mổ, nấu nướng thực phẩm thì làm sao khách dám đưa vào cơ thể?" - ông Ramlan đặt câu hỏi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận