Một số nhà vườn nối ống để bơm nước vào ao hồ trữ dù biết nguồn nước đã bị nhiễm mặn. Họ lo lắng rằng những ngày tới nước sẽ mặn hơn nên việc trữ nước có nồng độ mặn ít lúc này là cần thiết - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Theo thông báo mới nhất của ngành nông nghiệp huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, độ mặn đo được tại các nhánh sông trên địa bàn huyện này đang ở mức cao, có những chỗ đo được 4.63‰ - mức được xem là "cao bất thường".
Chợ Lách là địa phương năm xa biển nhất của tỉnh Bến Tre, trong đợt hạn, mặn lịch sử 2016, tòa tỉnh chỉ có một xã thuộc huyện này không bị xâm nhậm mặn.
Tuy vậy, năm nay huyện có hơn 13.000 hộ sản xuất trên 11 triệu sản phẩm hoa kiểng đa chủng loại phục vụ thị trường tết Nguyên đán Canh Tý 2020 này lại bị xâm nhập mặn sớm hơn, nặng nề hơn.
Do mặn vào sớm, đang ngay thời điểm làng hoa kiểng Cái Mơn cần nước tưới cho hoa, cây cảnh vấn đề đau đầu nhất lúc này là nguồn nước tưới.
Chị Phan Thị Bé, ngụ xã Long Thới, huyện Chợ Lách, cho biết do nước kênh đã bị mặn nên 3 ngày qua chị phải múc nước dự trữ trong hồ để tưới cho 1.000 chậu cúc mâm xôi của mình.
"Do khan hiếm nước nên việc tưới cũng khó khăn hơn trước. Trước đây dùng máy bơm tưới xịt một xíu là xong nhưng giờ cũng phải mất cả buổi trời. Chưa kể bây giờ chỉ dàm múc từng ca nhỏ để đổ trực tiếp vào gốc hoa cho đỡ hao nước", chị Bé nói.
Tương tự, hàng ngàn hộ dân trồng hoa tại huyện Chợ Lách mấy ngày nay đứng ngồi không yên vì nguồn nước tưới đã cạn kiệt. Nhiều hộ dân khác đã hùn tiền đặt máy bơm để tranh thủ bơm nước ngoài sông vào trữ trong ao, hồ dù nguồn nước này cũng đã bị nhiễm mặn nhẹ.
Còn tại Vĩnh Long, sáng 12-12, thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức họp triển khai phòng, chống hạn, mặn xâm nhập mùa khô 2019-2020.
Theo báo cáo của đài khí tượng thủy văn và ngành nông nghiệp tỉnh, đợt lần này vượt ngưỡng 4‰ hầu hết ở các trạm đo được.
Xâm nhập mặn năm nay xuất hiện từ rất sớm so với dự báo từ 20 ngày đến 2 tháng, ghi nhận mặn từ ngày 4-12 kéo dài đến nay.
Ông Nguyễn Văn Lợi - phó giám đốc phụ trách đài khí tượng thủy văn tỉnh Vĩnh Long - cho biết, độ mặn đo được ở các trạm trên sông Hậu, sông Cổ Chiên giáp tỉnh Trà Vinh diễn biến rất bất thường.
Cụ thể, sáng ngày 10-12 tại cống Nàng Âm (Vũng Liêm) là 5,9‰, Tích Thiện (Trà Ôn) 4,9‰, Quới An (Mang Thít) 4,5‰ và vàm sông Măng Thít là 4,4‰.
"Tuy nhiên, đến 16 giờ chiều cùng ngày thì độ mặn tại các trạm trên lần lượt đo được là cống Nàng Âm đã lên đến mức 8,2‰, vàm Vũng Liêm 6,6‰, Tích Thiện 6,3‰ và Quới An 5,8‰. Diễn biến vô cùng phức tạp" - ông Lợi nói.
Số liệu đo được mới nhất vào ngày 11-12 thì độ mặn tại cống Nàng Âm 7,6‰, Tích Thiện 6,5‰ và Quới An 6,1‰.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã xây dựng 3 phương án ứng phó với đợt hạn mặn từ nay kéo dài cho đến đầu năm sau, trong đó có phương án đóng các cống ven sông chính, mở các cống nội đồng trữ nước tưới tiêu.
Nguồn nước tưới tại làng hoa kiểng Cái Mơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre hầu hết đã bị nhiễm mặn, không thể tưới cho hoa - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Nhà vườn vét những giọt nước cuối cùng để tưới cho hoa - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Nguồn nước kênh đã nhiễm mặn, những giỏ hoa tết tại Làng hoa kiểng Cái Mơn, huyện Chờ Lách nằm chịu khát - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Một nhà vườn nhăn mặt khi nếm nguồn nước sông bị nhiễm mặn - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Những chậu cúc mâm xôi sắp bung hoa, rất cần nguồn nước tưới nhưng hiện nay đã bị nhiễm mặn khiến nhà vườn đứng ngồi không yên - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Hàng triệu giỏ hoa, cây kiểng tại Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đang khát nước - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận