16/01/2020 08:27 GMT+7

Miền Tây tất bật chống mặn xuyên Tết

M.TRƯỜNG - C.QUỐC - T.TRÌNH - C.CÔNG - S.LÂM
M.TRƯỜNG - C.QUỐC - T.TRÌNH - C.CÔNG - S.LÂM

TTO - Đặc biệt, theo thạc sĩ Kỷ Quang Vinh (nguyên cán bộ Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ), xâm nhập mặn nguy hiểm có thể xảy ra ngay thời điểm Tết Canh Tý.

Miền Tây tất bật chống mặn xuyên Tết - Ảnh 1.

Đắp đập tạm trên kênh rạch để ngăn nước mặn xâm nhập sâu vào đồng ruộng ở Hậu Giang - Ảnh: CHÍ CÔNG

Tích nước, ngăn đập khắp nơi

Trước thực tế nước mặn đã bao trùm toàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng phải ban bố tình huống khẩn cấp, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng địa phương, sở ngành có biện pháp cụ thể để chống chọi với hạn, mặn.

Tương tự Bến Tre, tỉnh Long An cũng bị nước mặn xâm nhập sớm thông qua sông Vàm Cỏ. Ngày 15-1, bà Đinh Thị Phương Khanh - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An - cho biết qua khảo sát, dự kiến tình hình hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 sẽ gây thiệt hại đến hơn 14.000ha lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh. 

Hơn 8.300 hộ dân ở các huyện vùng hạ Cần Giuộc, Cần Đước sẽ có khả năng thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt, thị trấn Cần Giuộc có khả năng bị thiếu nước nghiêm trọng do các giếng khoan của công ty cấp nước bị nhiễm mặn phải trám bít giếng, nguồn nước thay thế giải quyết không kịp thời.

Do đó, hiện UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các phương án bổ sung cấp đủ nguồn nước cho các dự án cấp nước vùng hạ như liên hệ với các công ty thi công tạm đường ống dẫn nước xuống hai huyện Cần Giuộc, Cần Đước, chỉ đạo Công ty cổ phần Công trình đô thị Cần Giuộc mua nước của Công ty cấp nước Hà Lan và bổ sung nguồn nước từ nhà máy nước khác gần địa bàn.

Đối với các hộ dân sống phân tán trong vùng ảnh hưởng hạn mặn, thiếu nước, tỉnh Long An đã chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng bể chứa nước mưa, bộ lọc nước sạch hộ gia đình.

Ngoài ra, trước mắt Long An cũng đã khẩn trương tổ chức đấu thầu và triển khai thi công đối với các công trình thủy lợi đã được bố trí vốn, đặc biệt tổ chức thi công đắp các đê quay, đập tạm trên tuyến rạch cắt ngang quốc lộ 62 như rạch Bà Hai Màng, Ông Nhượng, Bà Định, Thủ Cồn, La Khoa, Bến Kè nhằm chống xâm nhập mặn vùng dự án Bắc Đông, liên quan đến các vùng nông nghiệp 2 tỉnh Long An, Tiền Giang.

Riêng đối với khu vực thuộc hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo - Tấn Trụ, khả năng ảnh hưởng mặn trong năm 2020 rất nghiêm trọng, dự báo từ tháng 1-2020 trở đi sẽ không thể bổ sung nước ngọt.

Do đó các địa phương trong khu vực cần khảo sát, thi công ngay các đập tạm đầu các kênh cấp 1, 2, 3 nội đồng, tập trung bơm nước nhiều cấp để trữ nước trong nội đồng và tạo không gian, hạ thấp mực nước ngoài kênh trục chính để bổ sung nguồn nước trữ đảm bảo phục vụ trong mùa khô.

Miền Tây tất bật chống mặn xuyên Tết - Ảnh 2.

Hồ chứa nước Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là một trong những công trình ứng phó với tình trạng hạn mặn ở Bến Tre - Ảnh: M.TR.

Mặn đến đâu đắp đập đến đó

Tại Cà Mau, ông Nguyễn Long Hoai, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, cho biết hạn mặn năm nay đến sớm đã gây thiệt hại tại nhiều nơi trong tỉnh. Hiện nhiều nơi trong tỉnh Cà Mau, nông dân đang bơm nước từ sông để cứu lúa nhưng nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh này, nước trên các sông không đủ.

Mực nước thấp làm xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng và ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, làm tăng nguy cơ cháy rừng. Theo báo cáo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Cà Mau, tại TP Cà Mau, độ mặn đã đo được 25 gram/lít; tại cửa sông Ông Đốc (huyện Trần Văn Thời) đã là 31 gram/lít. Nhận định độ mặn sẽ còn cao hơn nếu kết hợp với triều cường.

Theo số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, đã có trên 16.554ha lúa tôm ở các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước và TP Cà Mau bị nhiễm mặn, trong đó thiệt hại mức trên 70% là 12.797ha. Hạn mặn còn đe dọa trên 130.000ha nuôi tôm ở khắp các huyện trong tỉnh. Thiệt hại kinh tế chưa dự báo được, nhưng chắc chắn con số không hề nhỏ.

Hiện tại, đã có 3.568 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước do hạn hán, tình hình càng gay gắt hơn, khi ước tính sẽ có trên 13.500 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa hạn này. Hạn hán kéo dài còn tăng nguy cơ sụp, lún ở nhiều nơi tại Cà Mau. Đã xuất hiện sạt lở trên 6.700m lộ tại huyện Trần Văn Thời.

Ông Lê Thanh Triều, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết để ứng phó với tình hình hạn - mặn dự báo diễn ra gay gắt trong mùa khô năm nay, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã tham mưu lãnh đạo tỉnh đề ra nhiều giải pháp để đồng bộ ứng phó. 

Về lâu dài, Cà Mau kiến nghị sớm xây dựng các công trình dự trữ nước trong mùa khô. Trong đó, sớm xây dựng hoàn thiện hệ thống công trình Quản Lộ - Phụng Hiệp; kiến nghị Bộ GTVT giao công trình âu thuyền Tắc Thủ cho Bộ NN&PTNT để hoàn thiện hệ thống dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau. 

Tăng cường lượng nước ngọt từ sông Hậu về để cung cấp nước cho khu vực U Minh Thượng, U Minh Hạ, vùng Tây Quản Lộ - Phụng Hiệp trong mùa khô và tiêu thoát nước, giảm úng trong mùa mưa, kết hợp với hệ thống đê biển để chống ngập do nước biển dâng ở tương lai.

Trong khi đó tại tỉnh Hậu Giang, ông Trần Thanh Toàn, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang, cho biết những ngày qua chịu ảnh hưởng của triều cường nước biển dâng từ biển Tây, tại số tuyến kênh, sông nội đồng như sông Cái Lớn chảy qua một phần địa phận Vị Thủy, Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và TP Vị Thanh có độ mặn dao động từ 0,9 - 2,1‰ (đo lúc đỉnh triều ngày 9-1). 

Theo dự đoán của Chi cục Thủy lợi Hậu Giang, mấy ngày tới đây, mặn có thể lấn sâu vào hơn vì hiện mực nước nội đồng ở Hậu Giang thấp và thấp trung bình từ 15 - 30cm so với mọi năm.

Để chủ động ứng phó hạn, mặn và kịp thời bảo vệ mùa màng của người dân, ông Toàn cho biết ngoài việc quan trắc mặn và kịp thời thông tin mỗi ngày cho người dân, Chi cục Thủy lợi sẽ tăng cường kiểm tra hệ thống đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, đóng một số cống hở ở xã Lương Nghĩa, xã Vĩnh Viễn A và đóng 10 cống tròn ở TP Vị Thanh. 

"Đồng thời chi cục sẽ tiến hành đắp đập thời vụ nhưng theo tinh thần mặn đến đâu đắp đập đến đó" - ông Toàn cho biết thêm.

Miền Tây tất bật chống mặn xuyên Tết - Ảnh 3.

Các cống ngăn mặn tại vùng Nam Măng Thít, Vĩnh Long và Trà Vinh để phòng chống xâm nhập mặn, kiểm soát nguồn nước - Đồ họa: TUẤN ANH

Hoàn thành kịp thời nhiều cống ngăn mặn

Ngày 15-1, lãnh đạo Ban quản lý dự án thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) cho biết trước tình hình xâm nhập mặn đang diễn ra, đơn vị vừa hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều cống ngăn mặn ở một số địa phương trong vùng ĐBSCL.

Cụ thể, đã bàn giao và đưa vào vận hành hai cống Bông Bót, Tân Dinh và trong tuần tới sẽ hoàn thành một số hạng mục để cống Vũng Liêm đủ điều kiện vận hành phục vụ phòng chống xâm nhập mặn, kiểm soát nguồn nước.

Khi cả 3 cống này vận hành sẽ kiểm soát mặn cho hơn 28.400ha diện tích đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) và huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh).

Trong khi đó, một công trình khác là cống âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu) giúp kiểm soát mặn khu vực giáp ranh tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng cũng đã cơ bản hoàn thành và dự kiến hôm nay (16-1), Ban quản lý dự án thủy lợi 10 sẽ làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu về việc tiếp nhận vận hành công trình này để kiểm soát mặn trong thời điểm mặn bắt đầu ảnh hưởng tới các vùng sản xuất của khu vực nêu trên.

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh (nguyên cán bộ Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ):

Nhà nhà phải trữ nước

Mực nước ở thượng nguồn từ ngày 1 đến 4-1 rất kiệt, thời gian ảnh hưởng tới ĐBSCL thường là 20 ngày sau đó. Nếu đúng như vậy thì từ ngày 24-1 trở đi, ngay những ngày tết, lại đúng thời điểm nước triều dâng, xâm nhập mặn có thể nguy hiểm hơn ở thời điểm này. Vì vậy, cần chủ động các giải pháp ứng phó vẫn tốt hơn, tránh tình trạng bị ảnh hưởng nghiêm trọng như năm 2016 vì sự chủ quan.

Về giải pháp, tôi cho rằng chúng ta thường bỏ tiền đầu tư nhiều công trình ngăn mặn nhưng hầu hết là những công trình riêng lẻ, không nằm trong một hệ thống đồng bộ. Do đó rơi vào tình trạng chỗ này một công trình, chỗ kia một công trình, không thể vận hành chung, vô tình trở thành những công trình vô ích hoặc hiệu quả rất thấp.

Giải pháp trữ nước phục vụ mùa khô là giải pháp tốt nhưng hiện nay có 2 vấn đề đặt ra là làm phân tán hay tập trung. Theo tôi, giải pháp làm phân tán tới tận từng xã, ấp bằng việc tận dụng hệ thống kênh rạch sẵn có là tốt nhất.

Hiện lượng nước trên sông Mekong là hơn 400 tỉ m3/năm, trong khi sử dụng tối đa khoảng 50 tỉ m3/năm, còn lại đổ ra biển hết, nếu có giải pháp trữ lại một phần này thôi sẽ giải quyết được tác động của hạn, mặn rất tốt.

Về nguồn nước cho sinh hoạt, Nhà nước cần đầu tư xây dựng hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt ở những vùng dễ bị nhiễm mặn thường xuyên để chủ động hơn trong việc cấp nước sinh hoạt. Lâu nay giải pháp này chưa thực hiện được là lo ngại giá cao.

Tuy nhiên, hiện nay giá lọc theo tiêu chuẩn Singapore (có thể uống ngay khi vặn khỏi vòi) là khoảng 10.000 đồng/m3, tức cao hơn một ít so với mức giá nước sinh hoạt phổ biến hiện nay. Đây cũng chỉ là giải pháp cho những tháng căng thẳng về nguồn nước.

CHÍ QUỐC ghi

Nước mặn bao trùm toàn tỉnh, Bến Tre ban bố tình huống khẩn cấp Nước mặn bao trùm toàn tỉnh, Bến Tre ban bố tình huống khẩn cấp

TTO - Ngày 14-1, một lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre cho biết tỉnh này đã ban hành Quyết định số 72/QĐ-UBND về tình huống khẩn cấp do mặn xâm nhập trên địa bàn.

M.TRƯỜNG - C.QUỐC - T.TRÌNH - C.CÔNG - S.LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên