Từ đầu năm 2024 đến nay, Thủ tướng đã năm lần trực tiếp kiểm tra thực tế, chủ trì nhiều cuộc họp và phân công các phó thủ tướng làm việc, chủ trì các cuộc họp tháo gỡ vướng giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ các công trình giao thông trọng điểm ở miền Tây.
Giao thông là mạch máu kết nối, là mệnh lệnh phát triển vùng. Quyết tâm cao, điều hành quyết liệt của người đứng đầu, sự chuyển động của bộ máy Chính phủ, chính quyền địa phương là một trong những điểm sáng đáng ghi nhận thời gian qua.
Sau nhiều thập niên đói đường cao tốc, khát đường giao thông, vùng này đang bước vào thời kỳ chuyển mình. Các công trình giao thông trọng điểm đã, đang và tiếp tục triển khai được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mới cho cả vùng.
Chính phủ đã áp dụng nhiều cơ chế đặc thù như cung cấp cát sông, khai thác cát biển, giao quyền cho các địa phương làm chủ đầu tư và giải phóng mặt bằng.
Các địa phương như An Giang, Đồng Tháp đã tiên phong trong việc cung ứng cát san lấp, Sóc Trăng tập trung nguồn cung cát biển. Không ì ạch như giai đoạn trước, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm ở hầu hết các địa phương đều đạt trên 90% đến 100%.
Tuy nhiên thực tiễn đang đặt ra những thách thức mới, cần nhận diện và vượt qua.
Việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đang diễn ra, trong thời kỳ chuyển giao nhiệm vụ quản lý, tâm lý cán bộ gần đại hội có thể khiến nhiều người chờ đợi, chưa dám làm.
Nhiều cán bộ có trách nhiệm e ngại trong quyết định đầu tư ở thời điểm chuyển giao.
Nhận diện điều này để thấy các cơ quan trung ương và địa phương cần tăng cường kiểm tra, giải tỏa tâm lý e ngại quyết định. Trao quyền và quy trách nhiệm rõ ràng khi xem xét, bổ nhiệm cán bộ vào vị trí mới gắn với kết quả đầu ra công việc.
Các quy trình, thủ tục phức tạp trong giải phóng mặt bằng, đấu thầu, giải ngân dễ gây ách tắc, chậm trễ tiến độ công trình.
Việc thiếu nhân lực vào cao điểm thi công, đảm bảo chất lượng công trình trong khi rút ngắn tiến độ cần được giải quyết kịp thời.
Nhất là khi cả nước đang tập trung triển khai đồng loạt các công trình trọng điểm, chạy nước rút tiến độ sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan bố trí vốn, phân kỳ đầu tư, không đảm bảo chất lượng công trình.
Các tỉnh thành trong vùng cần chủ động gắn kết phát triển địa phương với quy hoạch vùng, tận dụng tất cả cơ hội từ các công trình giao thông trọng điểm mang lại; đồng thời tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát triển các ngành kinh tế, du lịch và nâng cao đời sống người dân.
Nếu không có giải pháp đồng bộ, dù có xây dựng nhiều cầu đường mới, các nút thắt giao thông ở miền Tây hiện nay vẫn có thể chuyển từ điểm này sang điểm khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác.
Cần phải lồng ghép các nguồn vốn đầu tư công khác cũng như tạo lực thu hút vốn đầu tư xã hội, giảm phụ thuộc, trông chờ vào ngân sách nhà nước.
Cần dựa trên cơ chế điều phối liên kết vùng về giao thông, ưu tiên các dự án liên tỉnh, liên kết nội vùng và liên vùng, đặc biệt với TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Điều quan trọng nữa là phát huy hiệu quả hoạt động thực chất của Hội đồng điều phối vùng để nguồn vốn không bị "rải mành mành" và chia cắt bởi ranh giới hành chính tỉnh.
Có cơ chế kiểm soát để đảm bảo tính minh bạch. Có vậy miền Tây mới thật sự tăng tốc từ các công trình giao thông mở đường, vượt sông phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận