08/11/2018 11:42 GMT+7

Miền Tây lại vui với con cá tra

C.QUỐC - T.NHƠN - N.HÙNG
C.QUỐC - T.NHƠN - N.HÙNG

TTO - Cá tra đang được mua tại ao với giá 35.000-35.200 đồng/kg (trả tiền ngay), người nuôi có lời 7.000-9.000 đồng/kg. Giá tăng, thị trường thuận lợi, việc nuôi cá tra ở ĐBSCL sôi động trở lại.

Miền Tây lại vui với con cá tra - Ảnh 1.

Người dân nuôi cá tra giống tại Đồng Tháp - Ảnh: T.NHƠN

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo: về lâu dài, cơ quan chức năng cần có giải pháp hạn chế những rủi ro được cho là "chu kỳ" phát triển của ngành hàng này.

Săn lùng thuê ao nuôi

Cá tra ở thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đang được mua tại ao với giá 35.000-35.200 đồng/kg (trả tiền ngay). Với mức này, người nuôi cá lời 7.000-9.000 đồng/kg. 

Ông Nguyễn Văn Công (xã Đại Thành) cho biết ông đang nuôi 6 ao cá (diện tích 2ha), hai tuần nữa xuất bán 2 ao với khoảng 250 tấn. Giá cá tra tăng cao, ông Công đang tìm thuê những ao cá trước đó người dân "treo" ao. 

Ông Lê Hùng Chiến, trưởng Phòng kinh tế thị xã Ngã Bảy, cho biết dù giá cá tra tăng cao nhưng diện tích nuôi mới tại địa phương không tăng. Hiện người nuôi đang tìm thuê lại ao của những hộ trước đó bị lỗ đã nghỉ nuôi.

Còn tại An Giang - "thủ phủ" ngành cá tra ở ĐBSCL, cá tra nguyên liệu lẫn cá tra bột tăng giá mạnh, nông dân có lợi nhuận rất cao. Những ngày này, đi đâu cũng nghe nông dân huyện Châu Phú nói cá tra "được mùa trúng giá". 

Ông Trần Anh Kỳ, xã Vĩnh Thạnh Trung, cho biết đã nuôi cá gần 10 năm nay, chưa bao giờ thấy giá cá tra tốt như hiện nay. Có 5 ao cá, cách đây một tháng ông Kỳ thu hoạch cá tra bột, rồi bán với giá trên 60.000 đồng/kg (loại 20 con/kg), thu lợi nhuận 80-300 triệu đồng/ao.

Không cho đào thêm ao nuôi

Bà Lê Trần Minh Hiếu - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Phú (An Giang) - cho biết so với cùng kỳ năm trước, huyện đã tăng 125 hộ nuôi cá tra giống với diện tích tăng thêm hơn 36ha. "Huyện đã có văn bản yêu cầu các địa phương không cho người dân tự phát đào ao nuôi cá, tránh đào ao tự phát sẽ làm cung vượt cầu" - bà Hiếu nói.

Còn tại Đồng Tháp, diện tích nuôi cá tra hiện khoảng 2.215ha, cao hơn 85ha và sản lượng cũng cao hơn 11.000 tấn so với cùng kỳ năm 2017 do các diện tích "treo" ao trước đây đã thả nuôi lại và một số tổ chức, cá nhân nuôi cá tra trong quy hoạch mở rộng diện tích, quy mô.

Ông Võ Hùng Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN, cho biết do thị trường và thời tiết thuận lợi, thống kê của đơn vị cho thấy cả ba khâu giống, sản xuất (nuôi cá tra nguyên liệu) lẫn chế biến đều có xu hướng mở rộng. Đặc biệt, một số nhà máy đang mở rộng quy mô vùng nuôi lẫn quy mô sản xuất.

Ông Dũng nhận định chu kỳ "được mùa mất giá" có thể lặp lại, nhưng không biết khi nào và nhấn mạnh phải kiểm soát sản lượng. VN vừa được Mỹ xem xét công nhận hệ thống quản lý cá tra tương đương để không phải phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. 

Ông Dũng cho rằng cơ quan quản lý và các hiệp hội cần thường xuyên nắm thị trường để thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp, người nuôi nhằm tránh rủi ro.

Phát triển có lương tâm, trách nhiệm

Dù đang thuận lợi nhưng theo ông Phạm Minh Thiện - tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, ngành cá tra đang đối diện với nhiều vấn đề. Trong đó người nuôi cá tra, doanh nghiệp cần bảo vệ môi trường, có lương tâm và trách nhiệm trong nuôi trồng và chế biến, tránh tình trạng đối phó. "Nên xem nước là tài nguyên, an toàn vệ sinh lao động là trách nhiệm" - ông Thiện nói. Cũng theo ông Thiện, nên đặt con giống như một vấn đề căn cơ và đúng mực. Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng để phát triển cá tra bền vững là xem lại cơ cấu thị phần thực trong xuất khẩu sao cho bớt rủi ro bởi cá tra không dễ "giải cứu".

Theo ông Lê Hoàng Vũ - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp), hằng năm tỉnh này vẫn khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP, ASC, BAP để có thể đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ nhiều thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, UBND tỉnh đang chuẩn bị ban hành mức chi thực hiện chính sách hỗ trợ việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ông Vũ cho rằng cần nâng cao chất lượng con giống, bằng cách thay thế dần đàn cá tra bố mẹ địa phương hiện tại bằng đàn cá tra bố mẹ cải thiện di truyền...

3 vấn đề đáng lo ngại

Ông Võ Hùng Dũng cho rằng hiện nay có 3 vấn đề đáng lo ngại trong việc phát triển cá tra là: chất lượng con giống chưa cao, vấn đề xử lý chất thải môi trường khi phát triển "nóng", và việc chế biến còn sử dụng nhiều nhân công. Vì vậy, việc Bộ NN&PTNT nhắc các địa phương trong kiểm soát tốt giống, dịch bệnh theo hướng công nghệ cao là rất đáng hoan nghênh.

Ông Dũng cảnh báo nhu cầu càng tăng cao thì Trung Quốc sẽ phải tìm sản phẩm thay thế hoặc khuyến khích nuôi nội địa. Nếu VN tăng nuôi không kiểm soát thì người nuôi dễ gặp rủi ro, chưa kể nuôi quá "nóng" sẽ làm tăng giá thành (do khan hiếm cá giống, chi phí đầu vào tăng...). Theo ông, VN cũng phải kiểm soát môi trường bởi nếu phát triển quá "nóng", đến khi cầu vẫn lớn có thể rơi vào tình trạng không có sản phẩm để cung cấp.

C.QUỐC - T.NHƠN - N.HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên