Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo trong 10 ngày tới, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xảy ra một đợt xâm nhập mặn tăng cao.
Cụ thể, dự báo từ ngày 21 đến 30-4, ở khu vực miền Tây Nam Bộ tiếp tục phổ biến ít mưa, ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao nhất tại miền Tây Nam Bộ phổ biến 34 - 37 độ C, có nơi cao hơn.
Do ảnh hưởng của triều cường nên xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần vào cuối tuần.
Dự báo độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức cao hơn độ mặn cao nhất tháng 4-2023.
Ông Phùng Tiến Dũng - trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) - cho biết dự báo xâm nhập mặn (ranh mặn 4g/l) trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây vào sâu 90-120km.
Các sông Hậu, Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cái Lớn xâm nhập mặn vào sâu 40 - 55km.
"Các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh" - ông Dũng khuyến cáo.
Theo ông Dũng, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020.
"Xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần, nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Riêng trên sông Vàm Cỏ, Cái Lớn, Cái Bé xâm nhập mặn vẫn tăng đến nửa đầu tháng 5, sau đó giảm dần từ nửa cuối tháng 5" - ông Dũng nhận định.
Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thôn) cho biết hiện tại xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi từ 45-55km vào các ngày triều cường.
Có khoảng 1.581 héc ta cây trồng ở tỉnh Sóc Trăng (1.531ha) và tỉnh Bến Tre (50ha) có nguy cơ giảm năng suất.
Ngoài ra, đã có 43ha lúa tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng, đây là các diện tích người dân xuống giống tự phát, không theo khuyến cáo khoanh vùng sản xuất an toàn.
20.000ha cây trồng bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước
Theo Cục Thủy lợi, đến nay tỉnh Bình Phước có khoảng 9.115ha cây trồng (cây ăn trái và cây lâu năm khác 7.348ha, cà phê 1.690ha, còn lại lúa, hồ tiêu cây hằng năm) ở khu vực ngoài công trình thủy lợi bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước tưới. Huyện Bù Đăng (2.527ha) và Bù Giang Mập (5.756ha) là hai địa phương bị ảnh hưởng hạn hán thiếu nước nặng nhất.
Đối với khu vực Tây Nguyên có khoảng 10.610ha bị ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước, chủ yếu là diện tích ngoài các hệ thống công trình thủy lợi. Trong đó, Đắk Lắk có 2.056ha bị ảnh hưởng, Kon Tum 57ha, Gia Lai 219ha và Lâm Đồng 660ha. Tại Gia Lai có 89ha lúa và hoa màu bị mất trắng.
Tỉnh Bình Thuận có khoảng 365ha Thanh Long tại huyện Hàm Thuận Nam bị ảnh hưởng do hạn hán, thiếu nước.
Tỉnh Yên Bái có 275ha diện tích lúa và rau màu bị ảnh hưởng do hạn hán, thiếu nước.
Cục Thủy lợi nhận định thời gian tới ở Bắc Trung Bộ có 1.000 - 1.500ha cây trồng có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, Tây Nguyên 15.000 - 26.000ha, Đông Nam Bộ 8.000 - 12.000ha.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận