29/08/2018 10:32 GMT+7

Miền Tây đối phó lũ 'lệch'

B.ĐẤU - K.NAM - T.NHƠN - C.QUỐC - H.T.DŨNG
B.ĐẤU - K.NAM - T.NHƠN - C.QUỐC - H.T.DŨNG

TTO - Lũ về sớm và dâng cao hơn bình thường nhiều năm khiến nhiều diện tích ngoài đê bao ở các địa phương đầu nguồn tại đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng.

Miền Tây đối phó lũ lệch - Ảnh 1.

Người dân gia cố miệng cống bị xì ở tiểu vùng Vĩnh Phú - Vĩnh Quới, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, An Giang vào chiều tối 26-8 - Ảnh: BỬU ĐẤU

Ông Lữ Cẩm Khường - phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang - cho rằng năm nay về sớm chưa từng thấy.

Hiện mực nước ở hai đập Tha La và Trà Sư đã đạt 3,95m, trong khi theo quy trình vận hành đập tràn Tha La và Trà Sư thì mức chịu đựng của hai đập là 3,8m. Hai đập này hiện còn những vết nứt mà trước đây chưa khắc phục được.

Xả đập sớm

Để đảm bảo an toàn cho đập, Sở NN&PTNT phải xả sớm bởi có nguy cơ vỡ đập. Thêm vào đó, nếu xả sớm sẽ bảo vệ cho 700ha lúa ở bờ bắc kênh Vĩnh Tế.

Ông Lữ Cẩm Khường cũng nhận định lũ năm nay đã "lệch" so với dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khi ban đầu dự báo lũ nhỏ, nhưng hiện tại đã ở mức báo động 3.

Ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang - cho biết địa phương đang phải khẩn cấp đối phó với nước lũ dâng cao.

Hiện tại, ngành nông nghiệp Kiên Giang đã cử một tổ công tác tới hai đập Tha La, Trà Sư để theo dõi sát diễn biến. Mực nước ở tất cả các kênh Rạch Giá - Long Xuyên, Tân Châu... đều sắp đạt báo động 2.

Ban đầu, hai đập Tha La, Trà Sư dự kiến xả sau ngày 10-9, nhưng do mưa lớn liên tục cộng với lũ đầu nguồn về nhiều nên không thể duy trì lâu hơn, và hai đập này rất có thể sẽ phải xả trước ngày 30-8.

Nếu hai đập Tha La, Trà Sư xả lũ sớm như vậy, ít nhất sẽ có khoảng 100.000ha lúa hè thu các huyện vùng tứ giác Long Xuyên bị ảnh hưởng.

Hai đập chỉ mới xả ba ngày đã khiến mực nước nội đồng tại nhiều địa phương hạ nguồn tăng từ 5-7cm. Nếu xả đập, mực nước nội đồng ở Kiên Giang chắc chắn sẽ tăng rất cao.

Nhấn chìm lúa ngoài đê bao

Miền Tây đối phó lũ lệch - Ảnh 2.

Nguồn Đài khí tượng Thủy văn An Giang - Đồ họa: T.ĐẠT

Những ngày này, khắp cánh đồng biên giới các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, Tân Châu và TP Châu Đốc của tỉnh An Giang đi đâu cũng thấy nước lũ đã dâng cao hơn cùng kỳ năm ngoái rất nhiều.

Hàng trăm hecta lúa ở các vùng giáp biên giới, ngoài đê bao bị chìm trong biển nước. Có người mất trắng, có người nhờ bộ đội thu hoạch vớt vát phần nào hay phần đó.

Cũng có người làm ba vụ nhưng phải thức canh sáng đêm ở các trạm bơm chống úng cứu lúa. Riêng nhà dân ven kênh Vĩnh Tế đã mấp mé ngập.

Ở nơi thiệt hại nặng nhất của huyện Tri Tôn với trên 520ha lúa ngoài đê bao, nhiều ngày qua ông Võ Thanh Tuấn - chủ tịch UBND xã Lạc Quới - đã khẩn trương huy động lực lượng gia cố đê bao và giúp dân thống kê thiệt hại lúa do lũ gây ra.

Bởi hiện nay nhiều nơi nông dân phải bỏ lúa bị nước lũ nhấn chìm trắng cả cánh đồng, có nơi thu hoạch được số ít.

Ông Tuấn cho rằng từ sau năm 2013 đến nay nước lũ về chậm, thấp nên bà con nông dân chủ quan, tiếp tục xuống giống vụ ba và vụ hai giáp biên giới mặc dù chính quyền đã cảnh báo bà con không được xuống giống nhưng bà con vẫn làm.

"Năm nay nước lũ lớn cũng không ngờ. Bà con thiệt hại nặng lắm" - ông Tuấn nói.

Còn ông Trần Văn Cường - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn - cho biết đến thời điểm này huyện Tri Tôn bị thiệt hại khoảng 720ha lúa thu đông và vụ hai ngoài đê bao.

Hiện toàn huyện còn 200ha trong đê bao và 100ha ngoài đê bao ở khu vực xã Tân Tuyến. Nếu xả đập tràn thì nước ngoài đê bao sẽ lên khoảng 20-30cm nhưng bờ đê có thể chịu đựng 40cm.

"Những nơi nào xuống giống ngoài đê bao thì chúng tôi đều có lập biên bản với người dân hết. Tuy nhiên, do năm nay người dân chủ quan cứ tưởng nước nhỏ như những năm trước nên xuống giống. Chứ thật sự chính quyền có thông báo ngay từ đầu chỉ cho xuống giống trong vùng đê bao" - ông Cường nói.

Tăng chi phí

Do nước lũ từ thượng nguồn đổ về sớm và mạnh nên một số khu vực thấp trũng ở phía bắc quốc lộ 80, giáp với tỉnh An Giang gây ngập úng khoảng 16.000ha, lúa trong giai đoạn trổ đòng bị sập khoảng 435ha. Trong đó, mức độ thiệt hại 10-30% là 270ha và 30-70% là 165ha.

Tại Kiên Giang, bà Hà Thục Quyên - xã viên Hợp tác xã Nam Thái, thuộc xã Nam Thái, huyện Hòn Đất - cho hay từ nửa tháng nay, hợp tác xã của bà phải tăng chi phí bơm tát nước ra khỏi ruộng để chống úng với mức khoảng 1,3 triệu đồng cho 1ha.

"Lũ năm nay chưa đe dọa thiệt hại trực tiếp tới diện tích khoảng 38ha của chúng tôi, nhưng theo kinh nghiệm, chúng tôi chủ động đắp bờ bao, bơm tát liên tục nên chưa bị thiệt hại gì, vấn đề là phần lợi nhuận đã phải đặt vào chi phí ứng phó lũ tới gần 80%" - bà Quyên nói.

Gia đình ông Đoàn Ngọc Thắng (ấp Sơn Hòa, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất) gieo sạ trên 6ha, với giống lúa Nhật đang trong giai đoạn làm đồng. Song ông Thắng cho hay do ảnh hưởng của cơn bão số 4 kèm theo mưa liên tục nhiều ngày nên mực nước tràn vào ruộng, gây ngập gần đến cổ bông cây lúa.

Trước tình hình đó, gia đình ông Thắng phải gia cố bờ bao và trang bị máy bơm rút nước ra ngoài, nhằm cứu vãn diện tích lúa chờ ngày thu hoạch.

Ghi nhận thực tế cho thấy tại các xã của huyện Hòn Đất, Tân Hiệp giáp với tỉnh An Giang, người dân đang lo lắng và nghe ngóng tin lũ thượng nguồn hằng ngày.

Nhiều hợp tác xã ở hai huyện Hòn Đất, Tân Hiệp đã yêu cầu các hộ xã viên vừa gia cố đê bao, đồng thời phải vừa chuẩn bị bơm nước khỏi ruộng để cứu lúa.

Miền Tây đối phó lũ lệch - Ảnh 3.

Nước lũ lên nhanh tràn bờ đê vùng ngoài đê bao thuộc huyện Tịnh Biên, An Giang - Ảnh: C.QUỐC

Đỉnh lũ giữa tháng 9

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Kiên Giang, mực nước tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh từ nay tới cuối tháng. Nguyên nhân do lũ thượng nguồn đổ về cộng với triều cường rằm tháng 7 âm lịch.

Dự báo trong các ngày 12 đến 14-9, mực nước cao nhất trên sông Hậu tại Châu Đốc (An Giang) sẽ đạt mức 4m (cao hơn cùng kỳ năm 2017 gần 1m).

Túc trực các đoạn đê xung yếu

Ông Võ Thành Ngoan - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp - cho biết ngay trước lũ, địa phương rà soát toàn bộ hệ thống đê bao, gia cố các đoạn kênh xung yếu.

Ngoài ra, các hợp tác xã, chính quyền và người dân cũng thường xuyên kiểm tra, vận hành máy bơm trong những trường hợp khẩn cấp khi mưa lớn, nước triều dâng cao kết hợp với nước lũ đổ về.

Lực lượng tuần tra luôn túc trực tại các đoạn đê xung yếu để đối phó kịp thời với các sự cố vỡ cống, vỡ đê.

Ông Mai Anh Nhịn - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho hay đã chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng các sở, ngành, địa phương triển khai cấp bách nhiều giải pháp.

Trong đó, tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến thủy văn, đồng thời huy động mọi nguồn lực để gia cố đê bao, vận hành tối đa hệ thống bơm tát nội đồng để tiêu thoát lũ.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia về sinh thái ĐBSCL:

Phải thuận thiên, giảm lúa vụ ba

cq_nguyen huu thien 2 3(read-only)

Tình hình lũ ở năm nay có cao hơn trung bình nhiều năm, cao hơn cùng kỳ năm 2017, đã vượt báo động 1 ở mức 3,5m tại Tân Châu.

Mấy ngày qua lũ lên nhanh, do trùng với kỳ nước ròng ngày rằm tháng 7 âm lịch, trong vài ngày tới, khi qua kỳ nước ròng lũ sẽ còn lên nhưng chậm hơn.

Lũ năm nay cao hơn mọi năm nhưng không phải bất thường vì đối với một đồng bằng do phù sa bồi đắp tạo nên như ĐBSCL, lũ là tự nhiên và thiên nhiên thì biến thiên, không thể năm nào cũng như năm nào.

Lũ năm nay có gây thiệt hại một số diện tích lúa ở các xã đầu nguồn tại An Giang và Đồng Tháp. Lưu ý là các diện tích bị thiệt hại này nằm ngoài đê bao. Lũ cũng đe dọa các vườn cây ăn trái ở các tỉnh vùng giữa đồng bằng.

Vấn đề là chúng ta cần hiểu quy luật, chấp nhận quy luật và thích ứng để vừa tận dụng được lợi ích của lũ và tránh được thiệt hại khi làm trái quy luật tự nhiên.

Tinh thần "thuận thiên" của nghị quyết 120 Chính phủ đã chỉ ra như thế, trong đó có việc phải giảm diện tích canh tác lúa vụ ba trong mùa lũ, vừa rủi ro vừa làm cạn kiệt đất đai, thủy sản, thay đổi dòng chảy và tích tụ ô nhiễm.

TS Lê Anh Tuấn - Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ:

Đê bao làm nước lũ dâng cao hơn

3768025leanhtuan 2(read-only)

Lũ năm nay không bất thường nhưng đúng là sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng một tuần đến 10 ngày, do những trận mưa đầu mùa rất lớn và sớm nên nước dồn rất nhiều.

Do lũ về sớm nhưng trước đó người dân lại xuống giống như bình thường nên thu hoạch không kịp, chứ nếu xuống giống sớm hơn 10 ngày tới nửa tháng thì thu hoạch kịp.

Tuy nhiên, nếu nhìn mặt tích cực trên bình diện chung cả ĐBSCL với diện tích gieo trồng hơn 2 triệu ha thì thiệt hại do lũ là không nhiều.

Hơn nữa bên cạnh thiệt hại, lũ về vẫn còn mặt tích cực là mang lại nguồn lợi thủy sản, mang lại phù sa cải tạo đồng ruộng.

Trước đây lũ cũng về sớm nhưng không gây thiệt hại nhiều là do lúc đó đê bao còn ít, khi nước lũ về là "phân phối" đều cho cả đồng bằng, còn bây giờ không gian chứa lũ ít đi, làm nước ngoài vùng đê bao dâng cao hơn.

Nói cách khác là điều kiện như nhau, nhưng giờ đây do con người tác động qua việc làm đê bao khắp nơi đã làm thiệt hại thêm nặng nề.

Hiện Viện Lúa ĐBSCL đã có giống ngắn ngày (từ 95 đến 100 ngày), chính quyền các địa phương có nguy cơ thiệt hại do lũ có thể khuyến cáo người dân gieo trồng loại lúa này.

Lũ đồng bằng sông Cửu Long lên nhanh, nhiều nơi bị thiệt hại

TTO - Liên tục các ngày qua, do ảnh hưởng của mưa, bão đã làm mực nước vùng đầu nguồn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp tăng nhanh khiến nhiều diện tích hoa màu của bà con nông dân bị thiệt hại, phải thu hoạch sớm chạy lũ.

B.ĐẤU - K.NAM - T.NHƠN - C.QUỐC - H.T.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên